30 tuổi và nỗ lực thoát ra khỏi “nút cổ chai nghề nghiệp”: Lười nhác và sợ hãi sẽ kéo bạn xuống đáy công việc ngay lập tức!
Làm việc trong môi trường công sở, thiết nghĩ ai cùng từng trải qua thời kì rơi vào “nút cổ chai”. Vậy thế nào là nút cổ chai? Cụm từ này thường được dùng để hình dung trạng thái trì trệ, bế tắc mà bạn gặp trong quá trình làm việc, giai đoạn này giống như phần cổ chai vậy, nếu như bạn không tìm được phương hướng chính xác thì sẽ bị mắc kẹt lại trong chai, không cách nào thoát ra được.
1. Quen tay hay “chán”
Những năm trở lại đây, chúng ta đang yên đang lành bỗng đùng một cái gia nhập vào “nút cổ chai nghề nghiệp”, bước vào “thời kì uể oải”, ai mà không khởi nghiệp nổi, không làm nổi việc mà mình thích, tiền cũng không biết kiếm sẽ cảm thấy ra đường không còn mặt mũi nào chào mọi người nữa.
Lúc trước có một vị đồng nghiệp, có thâm niên trong ngành quảng cáo, đột nhiên một hôm xinnghỉ việc, tôi hỏi anh ấy đi làm ở đâu thì anh ấy bảo về nhà viết tiểu thuyết. Một năm sau anh ấy quay lại làm việc, nghe nói là vì tiêu hết tiền rồi và tiểu thuyết vẫn chưa thấy động tĩnh gì. Nói đi nói lại thì anh ấy cảm thấy mình vẫn hợp làm quảng cáo hơn.
Cũng có những người một đi không trở lại, một nửa là đi khởi nghiệp, mỗi lần tôi gặp lại bọn họ đều nói những chuyện làm ăn khác nhau, logic mỗi ngày một tốt hơn, khả năng thuyết phục tốt hơn, viễn cảnh phía trước cũng rất rộng mở, khiến bạn cảm thấy mình không đầu tư một chút thì cũng không hay. Thực tế thì mọi người đều hiểu rằng bọn họ sở dĩ không quay lại là bởi vì cái vốn liếng tích lũy được hồi còn đi làm vẫn chưa dùng hết.
Ngày xưa thì quen tay hay việc, nhưng giờ đây quen tay hay “chán”, dường như chỉ cần làm một việc gì đó quá lâu thì rồi bạn cũng sẽ phải trải qua cái “giai đoạn uể oải”. Thực ra điều này cũng không khó giải thích, khi công việc đã bước đến cái giai đoạn gọi là thuận buồm xuôi gió rồi thì nó đồng nghĩa với việc sự tiến bộ mà bạn có được trong tương lai sẽ càng ngày càng ít.
Cái này trong kinh tế học người ta gọi là “giảm thiểu lợi ích cận biên”, cũng giống như khi bạn đói, ăn 3 cái bánh bao là no rồi, mặc dù 3 cái bánh bao cái nào cũng như nhau nhưng đối với bạn cái thứ nhất chắc chắn là cái thơm nhất, đến cái thứ 2, thứ 3 sẽ xuất hiện “giảm thiểu lợi ích cận biên”.
Gọi A là các nhân tố: nhận thức chuyên môn, nhận thức xã hội, phương thức tư duy, ưu thế tính cách, quan hệ xã hội...
Gọi B là nhân tố thời gian, mức độ chăm chỉ.
Những năm đầu mới đi làm khiến chúng ta có suy nghĩ tích cực về những thứ mình làm được, tràn đầy tự tin, những đánh giá về mặt tổng thể thì chúng ta vẫn còn khá non, vẫn còn một số những suy nghĩ chưa chín chắn, hiệu suất công việc vẫn không thể nào bì được với những nhân viên lâu năm trong công ty.
Tuy nhiên đặc biệt là đối với những nhân viên làm việc lâu năm, đến một giai đoạn làm việc nhất định tự nhiên sẽ sản sinh ra sự mệt mỏi, lười nhác đối với công việc của mình. Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự mệt mỏi, lười nhác đó là đã trở nên quen với việc đầu tư nhiều cho B ví dụ như tăng ca…nhưng ngược lại các nhân tố A lại dậm chân tại chỗ, cảm giác mình càng đầu tư thì càng chững lại, càng chăm chỉ lại càng mệt mỏi.
Ngược lại, nếu muốn vượt qua giai đoạn bế tắc này, vượt qua “cổ chai” thì bạn lại phải đầu tư hơn cho A, tiến hành thay đổi, nâng cao bản thân không ngừng.
Tôi có một người bạn, cậu ta trước đây làm vị trí quản lý tài vụ cho một doanh nghiệp suốt mấy năm trời, cảm giác rơi vào thời kì “cổ chai nghề nghiệp”, sau đó cậu ta có cơ hội được chuyển sang bộ phận kinh doanh sản phẩm.
Từ một quản lý tài vụ sang bộ phận kinh doanh là một thách thức lớn bởi phương pháp tư duy tài vụ dường như đã ngấm sâu vào trong đầu cậu ta. Mặc dù việc được luân chuyển chức vụ này đem lại cho cậu ta không ít khó khăn nhưng nó lại là một điều tốt đối với việc phát triển năng lực cá nhân của cậu ta.
Bởi vì vị trí công việc khác nhau thì cần đến những nhân tố A không giống nhau, luân chuyển công tác là một cơ hội tốt để làm giàu, phong phú hơn nhân tố A của bản thân, vì vậy mà sau khi quay trở lại bộ phận tài vụ, cậu bạn đó rất nhanh đã thoát ra được “cổ chai”.
Đương nhiên vẫn còn một cách tư duy khác đó là nếu thời kì mệt mỏi, bế tắc là điều không thể tránh được vậy thì tại sao không thoát hẳn ra khỏi nó?
2. Tự do tiền bạc là cách tốt nhất!
Giả sử có một người kinh doanh thời trang rất tốt, lợi nhuận thu được vô cùng nhiều nhưng đúng lúc đó anh ta lại lựa chọn mở thêm một quán cà phê nữa, mặc dù năng lực sản xuất lúc này nhất định sẽ giảm nhưng thử thách bắt đầu lại từ đầu cũng là một cách giúp bạn có được cảm giác tiến bộ không ngừng.
Đây là một phương pháp ứng phó với thời kì mệt mỏi, lười biếng. Tự chủ về tài chính, tự do về tiền bạc càng sớm càng tốt rồi thích gì thì làm nấy, khiến bản thân có lại hứng thú làm việc.
Vì vậy mà có rất nhiều người khi rơi vào thời kì “cổ chai nghề nghiệp”, họ lựa chọn ra ngoài khởi nghiệp.
Cách hay thì có hay nhưng độ khó hơi lớn. Khởi nghiệp không dễ dàng, nó đòi hỏi bạn phải là người có năng lực, có tầm nhìn, có kĩ năng. Một khi thất bại, có thể là nhiều lần dẫn đến khó khăn về kinh tế, ngậm ngùi quay lại làm nhân viên, nhưng lúc này bạn mới phát hiện ra rằng vấn đề không phải bạn có muốn quay trở lại làm nhân viên hay không mà là “tuổi qua 40”, liệu người ta có chịu nhận bạn vào làm việc nữa hay không.
Nhưng khởi nghiệp là khởi nghiệp, nó là hoạt động kinh tế mà bạn phải tính toán tỉ lệ đầu vào và đầu ra, chỉ cần kiếm được ra tiền, những việc bạn thích hay không thích cũng sẽ đều được làm. Còn giải quyết thời kì “cổ chai nghề nghiệp” là giải quyết thời kì “cổ chai nghề nghiệp”, điều quan trọng là phải nâng cao các nhân tố A, tìm lại được cảm hứng, sự hứng thú trong quá trình làm việc.
Mục tiêu khác nhau, con đường khác nhau, nếu muốn một lúc một mũi tên trúng hai đích chỉ sợ đến cuối lại một vùng trắng tay.
Khi còn trẻ, chúng ta đi làm để nuôi thân nhưng đến một độ tuổi nhất định rồi chúng ta còn phải nuôi gia đình, nuôi cha mẹ. Áp lực công việc và cuộc sống dễ dàng khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi bức bách, dễ rơi vào thời kì “cổ chai nghề nghiệp”. Nhưng lựa chọn ứng phó ra sao không phải anh C hay cô D nói là được, lựa chọn nằm trong tay bạn.
Cuộc sống thích đem đến cho người ta những bất ngờ, biết đâu lựa chọn của ngày hôm nay sẽ đem đến cho bạn một tương lai hoàn toàn khác.
Bước vào thời kì “cổ chai nghề nghiệp”, tiếp tục lựa chọn chăm chỉ cho qua ngày hay nỗ lực nâng cao, thay đổi bản thân; nỗ lực thoát ra để tìm lại sự hứng thú trong công việc hay mãi giam mình trong chai; bứt phá vươn lên làm con nhà người ta trong mắt người khác hay cứ mãi sống dưới cái bóng của con nhà người ta, tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân bạn.
Theo Trí Thức Trẻ
Shark Thái Vân Linh: Dưới 30 tuổi là thời điểm các bạn trẻ nên học hỏi, không nhất thiết phải khởi nghiệp
(Techz.vn) Quan điểm của Shark Thái Vân Linh về độ tuổi khởi nghiệp cũng có nhiều nét tương đồng với quan điểm của ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Thế Giới Di Động.