Trong khi kế bên, tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang là "thủ phủ" sầu riêng lớn nhất cả nước, giá trái cây này tại vườn đã lên đến 40.000-60.000 đồng/kg.
Theo ghi nhận của phóng viên, trong ngày 14/7, các điểm bán sầu riêng giá siêu rẻ nằm dọc Quốc lộ 57, xã Long Thới, huyện Chợ Lách, Bến Tre ùn ùn người đến hỏi mua. Có nơi phải treo bảng "hết sầu riêng chín".
Ghé vào một điểm hỏi mua mang về chủ vựa không đồng ý và nhất quyết yêu cầu khách ăn tại chỗ trả lại hạt.
"Mấy ngày qua mỗi ngày nhà tôi bán tới 4-5 tấn. Hiện đang nhập thêm về để kịp bán cho khách, nhiều người thậm chí ở TP.HCM cũng xuống hỏi mua" - chị Trang, 45 tuổi, chủ điểm kinh doanh sầu riêng chia sẻ.
Trả lời câu hỏi, vì sao ăn sầu riêng phải trả hạt, chị Trang thông tin: "Lấy hạt để ươm và cấy ghép với giống sầu riêng hiện có để trồng mùa vụ mới".
Tuy nhiên, khi phóng viên cho rằng giống sầu riêng này không chất lượng, không ngon như loại Ri 6, Chuồng Bò và được trồng nhiều nơi tại miền Tây, chủ quán không có câu trả lời.
Người dân thu nhập cao khi hạt sầu riêng bất ngờ tăng giá hơn 80.000 đồng/kg. Ảnh: Đình Thi.
Anh Minh Trí, một chủ vườn sầu riêng huyện Cai Lậy, Tiền Giang, cho biết đã tìm đến Bến Tre ăn thử và nhận thấy hạt rất to, cơm không ngon, ngọt.
Trao đổi phóng viên báo Người Lao Động, anh Võ Công Nhật, chủ nhà xe vận tải ở huyện Châu Thành, Tiền Giang, cho hay gần một tháng quá anh liên tục nhận được yêu cầu vận chuyển sầu riêng ở tỉnh Đắk Lắk và Bảo Lộc (Lâm Đồng) về các điểm kinh doanh ở Chợ Lách, Bến Tre. Tính đến nay đã có 10 chuyến hàng rồi.
"Ban đầu tôi cũng thắc mắc vì sao lâu nay sầu riêng ở miền Tây rất nhiều, phải xuất khẩu sang Trung Quốc, nay lại có chuyện vận chuyển từ Tây Nguyên về?" - anh Nhật đặt câu hỏi.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hàng trên xe anh nhận thấy đây là giống sầu riêng khổ qua xanh.
Nói về loại giống khổ qua xanh, ông Trần Văn Chín, ngụ huyện Cai Lậy, Tiền Giang, thông tin giống này từng được trồng khắp ở các tỉnh miền Tây. Nhưng do cho năng suất thấp, chất lượng kém nên các nhà vườn đã nhập giống từ Thái Lan như Ri 6 để trồng thay.
"Loại sầu riêng nói trên hiện chỉ có vài chỗ ở Tây Nguyên còn trồng và giá chỉ 10.000-12.000 đồng/kg. Bán 15.000-19.000 đồng/kg có khả năng lời một ít. Nếu bán được hạt sẽ lời thêm" - ông Chín phân tích.
Về thông tin nhiều nơi cho biết bán giá rẻ để lấy hạt ươm giống, ông Chín cho rằng không ai làm việc này. Vì chẳng ai lấy loại chất lượng kém để làm giống. "Có thể việc "ăn sầu riêng trả hạt" là hình thức kinh doanh để thu hút khách" - ông Chín nêu quan điểm.
Không chỉ ở Bến Tre mà hoạt động thu mua hạt sầu riêng tại các huyện phía Nam tỉnh Lâm Đồng gần đây cũng diễn ra khá nhộn nhịp, thậm chí còn hơn cả đợt thu mua trái sầu riêng hồi đầu niên vụ. Theo đó, thương lái trực tiếp thu mua của người dân, cho đến rao vặt trên các trang mạng xã hội facebook, zalo…
Do hạt có giá cao nên nhiều thương lái tìm tới các vườn sầu riêng giống truyền thống vốn có hạt to trên địa bàn các huyện Di Linh, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên và TP Bảo Lộc để thu mua.
Theo tìm hiểu, sau khi tách múi (cơm) ra bán cho khách hoặc các tiệm làm kem, bánh với giá khoảng 30.000 đồng/kg, phần hạt được thương lái bán riêng cho các đầu mối chuyên thu gom trên địa bàn.
Tại huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) cũng xuất hiện việc các vựa sầu riêng thu gom hạt với giá cao. Ông Đặng Hùng Việt, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng), xác nhận giá hạt sầu riêng liên tục tăng cao từ 50.000 đồng/kg cho đến nay đã đạt mức 80.000 đồng/kg, điều này chưa từng xảy ra.
Lượng người mua quá đông khiến các vựa phải treo bảng "cháy hàng". Ảnh: Lê Phong.
Lực lượng chức năng huyện đã vào cuộc xác minh nhưng đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân, mục đích chính họ mua hạt với giá cao như vậy để làm gì.
"Trước mắt người nông dân được lợi vì có thu nhập cao nhưng Phòng NN-PTNT huyện vẫn khuyến cáo nông dân không nên tích trữ hạt với số lượng nhiều, tránh tình trạng thương lái giở trò không thu mua nữa thì sẽ bị thua lỗ" – ông Việt nhấn mạnh.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lục, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm Thủy sản tỉnh Lâm Đồng, thừa nhận trước việc giá hạt sầu riêng tăng đột biến, chi cục đã vào cuộc xác minh, bước đầu các cơ sở ươm giống sầu riêng ở các tỉnh miền Tây đang cần một lượng lớn hạt sầu riêng để ươm mầm, ghép với các loại sầu riêng giống mới, chủ đạo là giống RI6 và Monthong.
"Có thể do nhu cầu cao của thị trường giống sầu riêng khiến hạt loại trái cây này tăng mạnh, hiện tại chưa có hiện tượng bất thường vì thương lái vẫn đang thu mua hạt với giá cao, còn người dân phấn khởi vì có lợi nhuận khá. Nhưng chúng tôi vẫn đang phối hợp với chính quyền địa phương nâng cao cảnh giác và tuyên truyền đến người dân không nên tích trữ số lượng lớn loại hạt này để đầu cơ vì rủi ro rất cao…" – ông Lục khuyến cáo.
Tùy theo từng loại đẹp xấu mà giá hạt sầu riêng dao động mức 50.000 - 80.000 đồng/kg.
Đại diện vườn ươm cây giống Kim Hùng (tại Tổ dân phố 1, thị trấn Đạ M’ri, huyện Đạ Huoai) thuộc loại lớn nhất nhì tại đây, bày tỏ so với nhiều loại nông sản khác, trái sầu riêng luôn có giá cao, ổn định. Có thời điểm vườn ươm của gia đình không đủ nguồn sầu riêng giống để cung cấp. Nhiều người phải đặt hàng trước cả năm mới có. Tuy nhiên, để nâng giá hạt sầu riêng cao gần 80.000 đồng/kg như hiện nay mà theo lý giải của nhiều người thu mua về để phục vụ cho ươm cây giống thì hoàn toàn không có khả năng đó.
"Tại các vườn ươm ở địa phương như huyện Đạ Huoai, tôi cam đoan không có ai phải bỏ tiền ra mua hạt sầu riêng với giá từ 80.000 - 100.000 đồng/kg về ươm lên cây con để cắt ghép với mầm cây sầu riêng giống mới cả. Vì tính cả công chăm sóc, cắt ghép và cộng thuốc bảo vệ thực vật… cho đến khi thành phẩm bán ra thì giá thành sẽ rất lớn, khó có lời" – đại diện vườn ươm này nói.
Nhiều hộ dân đang canh tác giống cây sầu riêng hạt truyền thống năm nay trở nên khấm khá vì giá thu mua hạt rất cao.
Theo: zing.vn
Sầu riêng ruột đỏ về Việt Nam đội giá 17 lần
(Techz.vn) Nếu tại Malaysia sầu riêng ruột đỏ có giá 57.000 - 60.000 đồng một kg thì về Việt Nam được nhiều nơi bán tới một triệu đồng.