Bộ Công Thương vừa công bố kết luận kiểm tra tại hệ thống cửa hàng Mumuso Việt Nam và phát hiện gần 100% hàng hóa có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc. Mumuso được biết đến là một trong những chuỗi cửa hàng bán lẻ với những sản phẩm làm đẹp, chăm sóc sức khỏe, phụ kiện thời trang, văn phòng… “gắn mác” Hàn Quốc.
Tuy nhiên, sau kết luận này, người tiêu dùng cho rằng không chỉ Mumuso mà nhiều thương hiệu tương tự khác như Miniso, Daiso, Yoyoso, Minigood… cũng tràn ngập hàng Trung Quốc nhưng nhận diện thương hiệu lại rất giống hàng Nhật, Hàn.
Tràn ngập hàng Trung Quốc tại siêu thị kiểu Nhật, Hàn
Khách hàng nếu vào bất cứ cửa hàng nào của Miniso cũng thấy dòng chữ được quảng cáo rất to là “Japanese designer brand” - nghĩa là “Thương hiệu được thiết kế từ Nhật Bản”. Gắn mác Nhật, các thương hiệu được ghi thông tin bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, thậm chí có cả tiếng Trung Quốc.
Tuy nhiên, đằng sau nhãn mác Nhật thì hầu hết hàng hóa đều được ghi sản xuất tại Trung Quốc.
Các sản phẩm "made in China" được bày bán nhiều tại các cửa hàng như Daiso, Miniso, Minigood... Ảnh: HC.
Các cửa hàng Miniso rất giống với hệ thống Mumuso, nơi vừa được Bộ Công Thương chỉ ra có 99,3% hàng hóa xuất xứ từ Trung Quốc. Miniso giống Mumuso cả về thiết kế, cách bày bán sản phẩm, chủng loại hàng hóa, phong cách phục vụ.
Tại Hà Nội, Miniso có 13 cửa hàng và TP.HCM có 14. Nhiều cửa hàng khác nằm rải rác tại các tỉnh như Nam Định, Bắc Giang, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu…
Yoyoso và Minigood cũng là 2 thương hiệu bán lẻ có phong cách tương tự, bán hàng theo phong cách Hàn Quốc. Yoyoso bán các mặt hàng như mỹ phẩm, quà tặng, đồ gia dụng, phụ kiện kỹ thuật số… trong khi Minigood bán các mặt hàng giống Mumuso. Và hàng hóa bày bán ở cả 2 hệ thống gắn mác hàng Hàn Quốc này đều phần lớn sản xuất tại Trung Quốc.
Bên trong một cửa hàng Miniso tại Hà Nội. Ảnh: HC.
Một thương hiệu khác là Daiso cũng được biết đến bán nhiều hàng Nhật tại Việt Nam. Trên các giá để hàng tại Daiso đều ghi một dòng chữ rất to “Daiso Japan - Tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản”. Tuy nhiên, không khó để khách hàng tìm ra rất nhiều sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Các sản phẩm nhập từ Trung Quốc phổ biến từ chén, bát, gạt tàn thuốc lá, chai lọ các loại… đến gel lạnh. Vào hệ thống siêu thị này, người tiêu dùng rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm từ Nhật, đâu là sản phẩm của Trung Quốc.
Nở rộ các thương hiệu đội lốt hàng Nhật, Hàn
Những cửa hàng mang phong cách Hàn, Nhật nhưng bán hàng Trung Quốc đã nở rộ ở Việt Nam từ vài năm trở lại đây. Có một điểm chung là đều na ná nhau ở sản phẩm, phong cách phục vụ, giá cả, tên thương hiệu...
Khách hàng không khỏi khó phân biệt với một loạt các thương hiệu giống nhau ở phần tên gọi như Miniso, Daiso, Mumuso, Yoyoso, Minigood… Các thương hiệu này đều chọn các cửa hàng có vị trí thuận lợi, mặt tiền đẹp, trang trí theo phong cách Hàn Quốc, Nhật Bản một cách bắt mắt để thu hút khách hàng.
Về nhận diện thương hiệu, logo của các thương hiệu này khá giống nhau. Một số khách hàng cho rằng logo của Miniso quá giống với logo của hãng thời trang nổi tiếng của Nhật Bản là Uniqlo. Miniso giống với Uniqlo còn gây tranh cãi, nhưng một loạt thương hiệu khác cũng có biểu hiện nhái lại logo của Miniso.
Điển hình là Minigood, từ logo cho đến hàng hóa tại đây không có nhiều sự khác biệt so với Miniso. Trong khi đó Mumuso và Yoyoso lại giống nhau đến kỳ lạ, từ thương hiệu, màu sắc, sản phẩm…
Mặc dù có nhiều mặt hàng Trung Quốc, Daiso vẫn khẳng định tất cả sản phẩm nhập khẩu từ Nhật Bản. Ảnh: HC.
Các sản phẩm không quá đắt, không bán đồ ăn như tạp hóa truyền thống mà bày bán mỹ phẩm, sản phẩm chăm sóc sức khỏe, phụ kiện kỹ thuật số, sản phẩm quà tặng, đồ gia dụng, phụ kiện thời trang…
Về nguồn gốc, hầu hết sản phẩm bày bán ở đây đều sản xuất tại Trung Quốc. Giá bán các sản phẩm cũng khá mềm so với hàng hóa cùng loại trên thị trường, chủ yếu ở mức dưới 100.000 đồng. Một số ít sản phẩm có giá bán cao hơn nhưng cũng chỉ khoảng 200.000-500.000 đồng.
Về sản phẩm, các cửa hàng này nhắm đến nhiều đối tượng khác nhau. Các cửa hàng có thể phục vụ cả người lớn, trẻ em, cả nam, nữ, người nội trợ, học sinh, sinh viên, dân văn phòng… Các sản phẩm được thiết kế khá bắt mắt, tiện dụng, phù hợp với nhu cầu của nhiều đối tượng khách hàng.
Về dịch vụ, các nhân viên tại đây cũng được đào tạo theo phong cách phục vụ của Nhật, Hàn, tạo sự khác biệt so với các cửa hàng bán lẻ khác.
Chiêu trò khiến khách nhầm lẫn xuất xứ hàng hóa
Việc các thương hiệu bán lẻ trên đều đẩy mạnh quảng cáo hàng hóa được thiết kế theo phong cách Nhật Bản và Hàn Quốc khiến người tiêu dùng dễ bị nhầm lẫn.
Mumuso quảng cáo là “thương hiệu bán lẻ mang phong cách Hàn Quốc”. Miniso quảng cáo là “Japanese designer brand”. Minigood quảng cáo là “sản phẩm mang phong cách Hàn Quốc”, còn Yoyoso quảng cáo là “chuỗi bán lẻ hàng tiêu dùng chất lượng Hàn Quốc”, Daiso quảng cáo là “tất cả hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc”…
Các cửa hàng này còn thiếu thông tin về sản phẩm, có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng. Các sản phẩm đều có nhiều dòng chữ bằng tiếng Anh, tiếng Nhật, Hàn, chỉ có một dòng chữ rất nhỏ bằng tiếng Việt. Ma trận tiếng Nhật, Hàn khiến khách hàng thoạt đầu nhìn thì sẽ nghĩ đây là sản phẩm từ Nhật, Hàn thật.
Sản phẩm tràn ngập tiếng nước ngoài, trong khi chữ tiếng Việt rất ít khiến khách hàng có thể bị nhầm lẫn, thiếu thông tin khi mua hàng. Ảnh: HC.
Điển hình như các sản phẩm của Daiso đều tràn nhập tiếng Nhật Bản khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn là xuất xứ từ Nhật. Tuy nhiên, nếu đọc kỹ mới biết đây là sản phẩm “made in China”.
Tại Minigood, sản phẩm còn không được ghi xuất xứ từ đầu bằng tiếng Việt. Các sản phẩm đều có dòng chữ bằng tiếng Anh “designed by Minigood Korea”. Khách hàng phải đọc kỹ mới thấy bên dưới ghi sản phẩm “made in China” - sản xuất tại Trung Quốc.
Việc nở rộ cửa hàng cửa hàng bán hàng hóa Trung Quốc nhưng đội lốt sản phẩm Hàn, Nhật đã được người tiêu dùng phản ánh từ lâu nhưng cơ quan chức năng chưa có động thái nào đáng kể.
Mới đây nhất, Bộ Công Thương công bố kết quả kiểm tra hàng hóa tại Mumuso thì người tiêu dùng mới thấy được con số 99,3% hàng hóa được sản xuất từ Trung Quốc. Hơn nữa, thương hiệu này còn có dấu hiệu vi phạm một loạt quy định như không thực hiện các thủ tục liên quan đến đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại gắn với nhãn hiệu Mumusork, có dấu hiệu vi phạm pháp luật về thương mại điện tử.
Ngoài ra còn được cơ quan chức năng chỉ ra dấu hiệu vi phạm quy định pháp luật về ghi nhãn hàng hóa. Kết quả kiểm tra cho thấy một số mặt hàng có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài, có nhãn phụ tiếng Việt nhưng nội dung không phù hợp với hồ sơ công bố và hồ sơ nhập khẩu.
Theo: zing.vn
Lazada bị khách hàng tố gian dối, tùy tiện hủy đơn hàng bán smartphone Xiaomi Mi8 SE giá rẻ
(Techz.vn) Sau khi khách hàng đặt thành công chiếc điện thoại Xiaomi Mi8 SE với giá 6 triệu đồng, phía Lazada bất ngờ hủy đơn với lý do không có thực “khách hàng không xác nhận đơn hàng” và đề nghị đặt lại với giá... 7,3 triệu đồng.