Khoa học & Đời sống

Giật mình 60 % cử nhân làm trái nghề, quá nhiều người chọn việc chạy Grab, Uber để kiếm sống

Giật mình 60 % cử nhân làm trái nghề, quá nhiều người chọn việc chạy Grab, Uber để kiếm sống

Hàng triệu thanh niên thất nghiệp

Trong cuộc đối thoại với các đại biểu tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ 11 với chủ đề: “Tuổi trẻ với khởi nghiệp, việc làm” mới đây, Bộ lao động Thương binh Xã hội đã đưa ra con số khiến nhiều người giật mình: cả nước hiện có khoảng 24 triệu thanh niên (chiếm khoảng 44%) lực lượng lao động), tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm này lại cao gấp 3 lần mức chung của cả nước.

Thất nghiệp của thanh niên trong độ tuổi 15 đến 24 tuổi chiếm 51,3% tổng số thất nghiệp. Tỷ lệ thất nghiệp thanh niên cả nước là 7,67% và đặc biệt cao ở khu vực thành thị với mức 11,95%. Nghĩa là cứ 100 thanh niên trong lực lượng lao động thì có 12 người thất nghiệp.

Tỷ lệ thất nghiệp của cả nước và so sánh ở vùng nông thôn - thành thị năm 2017.

Trước đó, theo bản tin Thị trường lao động việc làm quý 2/2017 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội công bố, lao động có trình độ đại học trở lên vẫn tiếp tục dẫn đầu về tỷ lệ thất nghiệp, với số lượng hơn 183.000 cử nhân. Về thị trường tuyển dụng, chỉ có 254.000 chỗ làm được các doanh nghiệp đăng để tuyển dụng (giảm 7,2% so với quý liền trước).

Liên quan đến nguyên nhân gây thất nghiệp, người đứng đàu ngành Thương binh và Xã hội - ông Đào Ngọc Dung -  thừa nhận, công tác hướng nghiệp, phân luồng lao động vẫn chưa được thực hiện hiệu quả và cũng khó đạt mục tiêu định hướng cho khoảng 30% học sinh theo học nghề.

Phân bổ lao động của nước ta hiện nay. Ảnh: Zing.vn.

Theo Bộ trưởng, cách hướng nghiệp tốt nhất là xã hội định hướng và mỗi người tự chọn công việc phù hợp nhất với mình. Vào ĐH là nhu cầu chính đáng nhưng không phải con đường duy nhất để lập thân, lập nghiệp.

Cũng theo dự báo, năm 2018 được ngành Lao động Thương binh & Xã hội xác định sẽ là năm đột phá về giáo dục nghề nghiệp với mục tiêu tăng số lượng người học nghề có việc làm và thu nhập cao hơn. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những dự báo được đưa ra còn hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm thanh niên thành thị, đặc biệt là những người có trình đào tạo ĐH vẫn đang tăng cao ở mức chóng mắt.

80% “xe ôm Grab” là sinh viên thất nghiệp

Phản ánh của cơ quan báo chí, các số liệu thống kê cho thấy, tại các đô thị lớn như Hà Nội, Sài Gòn, không ít sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học một thời gian dài vẫn rơi vào tình trạng thất nghiệp nên tìm đến cách giải quyết “cứu lửa” là làm nhân viên phục vụ bán thời gian tại các cửa hàng tiện lợi để có tiền trang trải cuộc sống. Thậm chí nhiều bạn còn làm những công việc không đòi hỏi trình độ đại học ở các khu công nghiệp cao như lắp ráp linh kiện điện tử, công nhân may… và phổ biến nhất hiện nay là làm “xe ôm công nghệ” cho các hãng Uber hoặc Grab.

80% lái xe Grab, Uber là sinh viên thất nghiệp.

Trước đó, theo ý kiến của ông Bùi Sỹ Lợi (Phó chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội), tỷ lệ thất nghiệp tại Việt Nam vẫn tiếp tục tăng, riêng năm nay có 20.000 cử nhân thất nghiệp.

Ông cho biết thêm, thực tế, có 80% sinh viên, cử nhân ra trường hiện đang chạy xe cho Uber, Grab. Theo số liệu của Grab cung cấp, hiện tại có gần 1 triệu đối tác tài xế (hơn 930.000 người) đang dựa vào nền tảng Grab để tạo thu nhập cho gia đình. Theo kết quả nghiên cứu này, có khoảng 860.000 cử nhân thất nghiệp đang sống dựa vào nên tảng công nghệ của các công ty vận tải giá rẻ Uber, Grab.

Ngay khi thông tin này được tiết lộ đã khiến nhiều người phải giật mình, thậm chí một số quan điểm trái chiều con cho rằng, việc sinh viên không chịu tư duy tìm kiếm việc làm hoặc khởi nghiệp mà chỉ “nhăm nhăm” lao vào con đường “chạy xe ôm công nghệ” để kiếm sống là đang làm cho đất nước bị thụt lùi, mất đà phát triển.

Con số này cũng có phần trùng hợp với báo cáo trước đó của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khi khẳng định, khoảng 60% sinh viên ra trường làm trái ngành. Trả lời báo chí, PGS.TS Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: “Trong số các cử nhân ra trường, một phần nào đó không làm đúng ngành nghề thì nhiều người nghĩ cũng bình thường. Nhưng nếu con số đó là hàng nghìn người và tập trung làm ở một nơi lại là điều đáng phải suy nghĩ”.

Như vậy, nếu chiếu theo quan điểm của ông Sơn thì có lẽ, hàng chục nghìn sinh viên thất nghiệp, không tìm được việc làm và đang tập trung trong lĩnh vực chạy xe ôm Grab, Uber là một vấn đề đáng được quan tâm.

60% sinh viên ra trường phải làm trái ngành tuy nhiên, dù chấp nhận làm công việc không đúng chuyên môn nhưng vẫn có hàng chục nghìn người lâm vào cảnh thất nghiệp.

Cũng theo phân tích của ông Kim Sơn, hiện cả nước có 412 trường Đại học, Cao đẳng, trung bình mỗi tỉnh, thành phố có khoảng 6,6 trường Đại học, Cao đẳng. Cả nước có khoảng 2,2 triệu sinh viên trong tổng dân số 95 triệu dân, cao hơn cả các quốc gia phát triển. Con số đó đã phản ảnh thực trạng đào tạo ồ ạt ở nước ta. Bên cạnh đó, sinh viên khó có khả năng tiếp cận thị trường lao động do kỹ năng mềm còn hạn chế. Nhiều cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp thì vẫn phải đào tạo do chất lượng đào tạo ĐH thậm chí sau ĐH chưa tương xứng với yêu cầu thị trường.

Dòng người đổ xô đi xin việc.

Anh Nguyễn Trọng Hoàng, Trung tâm Hỗ trợ sinh viên TP. HCM, từng cho rằng nhiều trường hợp sinh viên có tâm lý cầm tấm bằng cử nhân thì phải có vị trí, mức lương cao, công việc nhẹ nhàng… Điều này đã khiến họ từ chối nhiều công việc có thể làm ngay để bổ sung kinh nghiệm, kỹ năng.

Ngoài ra, một số lý do khác như trình độ tiếng Anh còn hạn chế, thiếu kỹ năng mềm cao như kỹ năng đàm phán thương lượng, làm việc nhóm… và các tố chất khác như chịu khó, ham học hỏi, năng động, giao tiếp tốt, hiểu biết cơ bản về vi tính, văn phòng, trung thực, trách nhiệm, khả năng chịu áp lực cao trong công việc… của sinh viên Việt Nam còn hạn chế là những rào cản lớn khiến họ bị rớt lại trong hành trình tìm kiếm việc làm.

Theo: saostar.vn