Giám đốc marketing Apple: công nghệ nhận dạng khuôn mặt trên Android toàn là "rác rưởi"
Một trong những mục tiêu của Apple đối với Face ID là biến việc bảo mật trở nên dễ dàng đến mức "chúng ta đều muốn làm điều đó". Apple tin rằng Face ID của mình ưu việt hơn mọi công nghệ nhận diện khuôn mặt trên các điện thoại Android, thứ công nghệ mà theo phó chủ tịch Apple thì "chúng toàn là rác rưởi".
"Chúng không hoạt động theo những cách mà chúng tôi muốn Face ID hoạt động. Chúng tôi biết rằng qua nhiều năm, nút Home, ban đầu được thiết kế chỉ để về màn hình ome, đã phát triển và có thể thực hiện được rất nhiều thứ. Chúng tôi thêm vào đó Touch ID, khả năng mở đa nhiệm, kích hoạt Siri, kích hoạt Apple Pay... Tất cả đều thông qua một nút bấm cơ học duy nhất.
Do đó với Face ID, chúng tôi cần tận dụng cách mà mình hiểu rõ nhất để giúp mở khoá thiết bị một cách dễ dàng với khuôn mặt của người dùng, theo một cách an toàn với chip bảo mật Secure Enclave, và nó phải hỗ trợ mọi thứ khác nữa. Chúng tôi phải giải quyết tất cả các vấn đề. Những thứ khác mà mọi người đã thử với công nghệ nhận diện khuôn mặt đều không giống như Face ID chút nào. Face ID là một công nghệ tuyệt đối độc nhất".
Schiller cũng nhắc lại chính sách bảo mật của Face ID, chỉ ra rằng các nhà phát triển không hề có quyền truy cập vào dữ liệu Face ID. Cũng như Touch ID, bản quét khuôn mặt và dữ liệu các điểm trên khuôn mặt dùng để mở khoá iPhone đều được lưu trữ trong chip Secure Enclave trên iPhone X. Các nhà phát triển vẫn có quyền truy cập dữ liệu bản đồ khuôn mặt thông qua camera TrueDepth để phục vụ các hiệu ứng thực tại tăng cường (AR), nhưng "điều đó hoàn toàn khác với Face ID".
Phil Schiller - Giám đốc marketing của Apple
Theo Schiller, Apple đã bỏ rất nhiều thời gian nghiên cứu thực tại tăng cường (AR) và thực tại ảo (VR). Schiller cũng như CEO Apple Tim Cook, đều nói rằng VR là "một giải pháp tuyệt vời cho một số trường hợp cụ thể", trong khi AR có "rất nhiều ứng dụng phổ biến rộng rãi".
Tuy nhiên, lãnh đạo Apple không đề cập đến sự thiếu an toàn của Face ID, vấn đề nhiều người lo ngại khi ứng dụng chúng trong các giao dịch thương mại. Nhiều trường hợp sinh, anh em họ hoặc anh em ruột không có nhiều nét giống nhau cũng có thể mở được Face ID. Thậm chí, các nghiên cứu của công ty Việt Nam BKAV còn cho thấy Face ID có thể dễ dàng bị mặt nạ 3D qua mặt.
Ngoài Face ID, Schiller còn nói thêm về việc thiết bị HomePod bị chậm trễ. HomePod ban đầu dự định ra mắt vào tháng 12, nhưng vào tháng 11, Apple đã thông báo sẽ trì hoãn việc ra mắt thiết bị này sang năm 2018.
"Chúng tôi thấy tiếc vì không thể tung ra HomePod vào dịp Giáng sinh. Chúng tôi sẽ dành thời gian để hoàn thiện nó, khiến nó thật tốt khi ra mắt".
Khi được hỏi liệu tiêu chí "Nghĩ khác biệt" của Apple có còn áp dụng tới ngày nay, Schiller đã tranh thủ cơ hội để nêu bật chiếc AirPods - vốn là sản phẩm được ca ngợi là một trong những thứ tốt nhất của Apple:
"Chúng thực sự là hai chiếc máy tính riêng biệt mà bạn gắn vào tai. Đó là tinh hoa Apple. Chúng tôi luôn đi theo chân lý vĩnh cửu của Apple. Nó giống như nằm trong DNA của Apple rồi. 'Nghĩ khác biệt' sẽ còn được ứng dụng trong rất lâu nữa".
Theo: vnreview.vn