Trước thông tin CSGT tỉnh Tiền Giang ghi hình và thống kê danh sách 14 xe ở những tỉnh khác, không phải ở các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long chỉ chuyên chạy đi chạy lại qua trạm BOT Cai Lậy để gây rối, nhiều tài xế tỏ ra khá bức xúc.
Tuy nhiên, một số tài xế vẫn bình tĩnh khẳng định không vi phạm pháp luật nên không lo lắng.
Chiều 5/12, trả lời PV VTC News, anh Trịnh Hồng Phương (SN 1967, ngụ TX.Dĩ An, tỉnh Bình Dương) – một trong hai tài xế từng bị Công an Cai Lậy tạm giữ cho biết không chắc mình có nằm trong số “danh sách đen” trên hay không, nhưng bản thân anh không cảm thấy lo lắng.
Tài xế Trịnh Hồng Phương, một trong 2 tài xế từng bị công an Cai Lậy tạm giữ.
Về thông tin cho rằng có một nhóm đứng sau chỉ đạo các tài xế gây rối, anh Phương khẳng định đây là thông tin không đúng sự thật.
“Tôi khẳng định, anh em tài xế không bị bất cứ thế lực nào giật dây, xui khiến. Chúng tôi làm vì cái tâm của mình, vì thấy bức xúc và muốn phản ứng để trạm thu phí trở về đúng vị trí. Còn chúng tôi không nhận được một đồng xu hay đồng tiền lẻ nào từ ai cả. Không ai có thể xúi giục được anh em tài xế hết”.
Đồng quan điểm với anh Phương, anh Hồ Thành Công (trú tại Bình Dương), một tài xế có tham gia phản đối BOT Cai Lậy khẳng định: “Tự chúng tôi bỏ tiền túi của mình ra để làm, tự bản thân mỗi người cảm thấy bức xúc thì góp mỗi người một tay để mong cơ quan chức năng chú ý, lắng nghe ý kiến của những tài xế mà dời trạm”.
Các tài xế từng dùng mọi chiêu thức để buộc BOT Cai Lậy phải xả trạm.
Theo anh Công, những lần anh đi từ Bình Dương về Cai Lậy để ủng hộ anh em tốn cả 500 – 600 nghìn đồng tiền xăng xe, ăn uống nhưng không cảm thấy tiếc. Thậm chí, anh còn giấu cả vợ để tham gia cùng các tài xế khác. Đến khi thấy chồng xuất hiện trên tivi, báo chí, vợ anh mới biết.
“Vợ tôi sau này rất ủng hộ việc làm của tôi và các tài xế. Chúng tôi đang đấu tranh để cái sai được sửa thành cái đúng, chắc không ai phản đối cả”, anh Công chia sẻ.
Trước thông tin Bộ Công an đang vào cuộc điều tra về lùm xùm những ngày qua ở BOT Cai Lậy, các tài xế cũng khẳng định, họ không vi phạm pháp luật nên không lo lắng, cũng không cảm thấy cần thiết phải có biện pháp nào để bảo vệ bản thân.
“Chừng nào bị công an triệu tập thì hẵng hay, còn tôi có vi phạm pháp luật đâu mà cần biện pháp bảo vệ. Nếu như tôi sai, tôi vi phạm quy định của nhà nước thì tôi chấp nhận”, tài xế Phương khẳng định.
Trả lời PV VTC News, luật sư Trần Bá Học (Công ty hãng luật Roma) cho rằng việc 14 chủ phương tiện chạy đi chạy lại quanh trạm thu phí Cai Lậy không vi phạm pháp luật mà cần phải làm rõ có hay không hành vi gây rối.
“Việc lập danh sách 14 phương tiện này không để làm gì cả. Vì họ chạy trên tuyến Quốc lộ 1 dù là mấy lần cũng không thể xử lý nếu không có một hành vi gây rối cụ thể. Nếu như việc phía CSGT tỉnh Tiền Giang muốn xử lý những tài xế này, cần chỉ rõ lỗi vi phạm ra sao, như thế nào. Cứ chiếu theo pháp luật mà làm, phải có hành vi cụ thể”, ông Học nói.
Trước đó, Thủ tướng đã giao Bộ Công an và tỉnh Tiền Giang có phương án đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn trong mọi tình huống; giao cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm những phần tử quá khích cố tình gây rối.
Chiều 5/12, PV VTC News đã liên hệ với Công an huyện Cai Lậy để làm rõ hơn thông tin về 14 phương tiện bị thống kê, ghi hình. Tuy nhiên, 1 cán bộ tại đây cho biết, vụ việc vẫn đang được điều tra.
Liên hệ với Công an và UBND tỉnh Tiền Giang để hẹn lịch làm việc, PV VTC News nhận được câu trả lời “lãnh đạo đã đi họp hết rồi”.
Theo: ins.dkn.tv