Khoa học & Đời sống

Chuyện graffiti – chín người mười ý

Chuyện graffiti – chín người mười ý

Một số tác phẩm graffiti “đã mắt” ở nước ngoài. Dịch gia Lê Quang cung cấp.

Về vụ việc này, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông đã bày tỏ quan điểm quyết liệt: Người thâm nhập trái phép vào nhà ga tuyến đường sắt Cát Linh- Hà Đông vẽ lên toa tàu trái phép là hành vi vi phạm pháp luật. Trong khi đó, Tiến sỹ Nguyễn Việt, Giám đốc Bảo tàng Đông Nam Á lại đánh giá cao sản phẩm vẽ bậy, coi nó là bức vẽ đẹp chứ không phải phá hoại: “Tôi ngờ rằng họa sĩ nước ngoài giỏi mới vẽ được chứ không phải Việt Nam”. Vị tiến sỹ này còn nói rằng, nếu ở nước ngoài thì vụ việc đã không ồn ào đến thế, vì graffiti được chấp nhận, được coi là một trào lưu nghệ thuật.

Họa sỹ Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm, tán đồng quan điểm của Thứ trưởng Bộ GTVT: “Đây là tài sản của nhà nước, không ai cho phép anh tự động đến vẽ, làm vậy là vi phạm”. Tuy nhiên, Cục trưởng cũng cho rằng, không nên hình sự hóa sự việc, không nên coi đây là tội phạm nguy hiểm: “Nên xử đúng bản chất sự việc thôi”.

Chấp nhận là “văn hóa ngách”

Có hay không chuyện ở nước ngoài những người đi theo trường phái graffiti được thỏa sức tung hoành, không rào cản? Chúng tôi hỏi dịch giả Lê Quang, một công dân Đức, một người cũng thích thú với graffiti: “Thế giới nói chung và người Đức nói riêng, có dễ dãi với graffiti?”. Dịch giả đáp: “Chính xác là dễ dãi ở dạng chấp nhận đó là một “văn hóa ngách” (subculture), nhưng ở một thế giới khá tự do về ngôn luận và quan điểm thì không có gì lạ, chứ graffiti không được phép thì theo luật hình sự là hành vi phạm pháp”. Anh nói thêm: “Mỗi năm nước Đức mất vài chục triệu euro để xử lí graffiti ở các công trình công cộng, còn tư nhân thì ráng chịu nếu không bắt được thủ phạm, tùy tính chất mà luật hình sự Đức xử lí theo các điều “làm thay đổi tính chất đồ vật”, “làm hư hại tài sản” (khi vẽ lên đồ vật, ô tô, tường nhà) cho đến “làm hỏng dấu hiệu” (nếu vẽ đè lên biển giao thông, số hiệu đoàn tàu) hoặc thậm chí “xâm phạm không gian riêng tư” (nếu vẽ lên một cái thuyền có người ở). Tùy lứa tuổi và qui mô thiệt hại mà hình phạt sẽ từ lao động công ích, phạt tiền cho đến 3 năm tù. Theo luật Đức, các hành vi phạm pháp với mức phạt tù tiềm năng từ 3 năm thì sau 5 năm hết thời hiệu khiếu tố, tức là nếu bị phát hiện sau 5 năm thì được trắng án. Riêng graffiti thì có thể kéo dài đến 10 năm, tùy vào mức tổn hại. Ngoài ra phải bồi thường: Trung bình các vụ xử graffiti ở mức 10 ngàn-40 ngàn euro là chuyện thường”.

Họa sỹ Vi Kiến Thành cũng có ý kiến tương tự: “Ở nước ngoài người ta chấp nhận graffiti nhưng không phải chấp nhận một cách vô tổ chức, tùy tiện. Anh phải xin phép vẽ ở nơi người ta cho phép. Không phải cứ thích ở đâu thì ra vẽ ở đó. Tôi đi Mỹ, đi Đức rồi, tôi nhìn thấy nhiều rồi và nói thẳng: “Tôn trọng dân chủ người ta để cho các đối tượng này làm ở những khu vực nhất định còn trong xã hội cũng có những ý kiến cho đó là những kẻ vẽ bậy, vẽ bẩn đấy”.

Nếu chỉ nói graffiti là một trào lưu được chấp nhận ở các nước phương Tây theo dịch giả Lê Quang là “thiếu một nửa hoặc vô trách nhiệm. Vô hình trung khuyến khích việc thiếu tôn trọng tài sản người khác và giá trị xã hội. Graffiti có thể là nghệ thuật nhưng tác động đến sở hữu của người khác mà không được người đó cho phép là phạm pháp. Ở nước nào cũng thế thôi”.

Chỉ là thứ vẽ linh tinh?

Sản phẩm “vẽ bậy” lên tàu Cát Linh- Hà Đông.

Tiến sỹ Nguyễn Việt đánh giá cao vẻ đẹp của sản phẩm vẽ bậy cũng như thời gian để thực hiện sản phẩm ấy. Ông nói trên một tờ báo: “Thường khi anh em đã có ý tưởng thì người ta mất từ 4 đến 6 tiếng để hoàn thành một tác phẩm độc đáo như vậy. Họ vẽ bằng các hộp xịt nên khá nhanh”. Nhưng họa sỹ Vi Kiến Thành nhận định khác. Ông cho rằng, để vẽ bậy lên tàu Cát Linh- Hà Đông chỉ cần cỡ tiếng, tiếng rưỡi là đủ.

Hội graffiti Việt, có hay không?

Cục trưởng Cục Mỹ thuật khẳng định: Không có hội graffiti Việt. “Hội gì đâu, lẻ tẻ thôi. Thực tế ở Việt Nam graffiti phát triển không nhiều. Ngay dọc đường tàu Cửa Nam (Hà Nội) cũng có một số người vẽ. Ở Việt Nam đa phần người vẽ cũng tự biết điểm dừng ở chỗ bờ tường của các công trình đang xây dựng, bờ tường khuất nẻo. Họ vẽ ở chốn công cộng nhiều người để ý chính quyền địa phương sẽ “hỏi thăm” ngay”. Ông Vi Kiến Thành đánh giá: “Những người vẽ graffiti phần lớn đều lén lút” và sản phẩm tạo ra với “giá trị thẩm mỹ không đáng gì, vài chữ cái viết tắt, vài câu nói nọ kia, rồi lấy hộp sơn xì lên xanh, đỏ”.

Mặc dù vậy, theo Cục trưởng Cục Mỹ thuật: “Nếu chúng ta có điều kiện vẫn nên có những trung tâm thể nghiệm nghệ thuật, có thể cho anh em vào vẽ ở đó. Tức là mình phải khoanh lại một khu vực. Họ thích làm gì thì làm. Ta tạo điều kiện cho những người thích graffiti thể hiện. Như vậy là một cách để graffiti “sống” một cách có tổ chức, bây giờ nó đang tồn tại theo kiểu tự phát, bản năng, lén lút”. Tuy nhiên, Cục trưởng cũng không tin rằng, khi có các trung tâm thể nghiệm nghệ thuật mọc lên, những người theo graffiti đã chịu nhập cuộc: “Người thực hiện graffiti có khi còn có cả tâm lí vụng trộm, lén lút. Họ thích thế, vẽ lén lút mới thấy sướng. Cho công khai làm ở chỗ nọ, chỗ kia có khi không thích đâu”.

Theo: tienphong.vn