Nhịp sống số

Từ hôm nay, sinh viên, công nhân sẽ thoát cảnh trả tiền điện 'cắt cổ'

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM - ông Phạm Quốc Bảo, cho biết thời gian qua có nhiều trường hợp chủ nhà trọ thu tiền điện của người ở thuê với giá rất cao so với quy định.

Ông đánh giá hành động này là thu lợi bất hợp pháp, ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi của nhiều sinh viên và người lao động thuê nhà.

Ngậm ngùi trả tiền điện mỗi tháng

N.Toàn, sinh viên Đại học KHXH&NV TP.HCM, cho biết sau một thời gian ở trọ tại quận Bình Thạnh, Toàn đã quyết định vào ký túc xá của trường để tiết kiệm chi phí. Toàn nói rằng nguyên nhân của việc này là do giá tiền điện phải trả cho chủ nhà trọ quá cao.

“Mỗi phòng trọ đều có gắn công tơ riêng nhưng chủ nhà quy định là 3.000 đồng/kWh. Tiết kiệm lắm thì mỗi tháng cũng hết 300.000 đồng. Thú thật, số tiền này quá lớn với sinh viên, thậm chí cao hơn cả tiền phòng một tháng ở ký túc xá”, Toàn cho hay.

Từ hôm nay, ngày 26/10, theo Thông tư 25/2018/TT-BCT, giá bán lẻ điện cho người ở trọ dưới 12 tháng, không xác định được số hộ là 1.858 đồng/kWh. Ảnh: N.Q.

Ngoài sinh viên, công nhân cũng là đối tượng bị các chủ nhà trọ “ép giá” tiền điện nhiều nhất.

Chị B.Châu (24 tuổi, quê tỉnh Vĩnh Long) - công nhân của một nhà máy chuyên về may mặc tại khu công nghiệp Tân Tạo (quận Bình Tân, TP.HCM), cho biết tiền điện là một trong những khoản sinh hoạt cao nhất mà chị phải trả hàng tháng.

“Tại dãy nhà trọ của tôi, hiện trung bình giá điện mỗi tháng phải trả cho chủ là khoảng 3.000 đồng/kWh. Chủ nhà trọ lắp một công tơ điện dùng chung cho nhiều phòng, tới kỳ ghi điện, tổng số kWh sẽ được chia bình quân đầu người”, nữ công nhân nói.

Theo chị Châu, mức giá điện mà chủ nhà trọ áp 3.000 đồng/kWh là quá cao, bởi với trường hợp sử dụng theo hộ gia đình, tiền điện sẽ được tính theo bậc thang với mức thấp nhất chỉ hơn hơn 1.500 đồng/kWh. Với đồng lương công nhân eo hẹp, chị Châu phải trích vài trăm nghìn đồng mỗi tháng cho chi phí tiền điện.

“Chủ trọ lấy tiền điện cắt cổ, rồi thêm tiền nước, tiền wifi, tiền phòng nên sau khi chi trả, mức lương chỉ hơn 5 triệu đồng mỗi tháng cũng không còn bao nhiêu. Thật sự rất khó tìm những nhà trọ có giá điện rẻ hơn vì nơi nào cũng như nhau”, chị bức xúc.

Theo chị Châu, gần đây chị có biết thông tin về việc quy định mới về giá tính điện cho người ở trọ nên khá hào hứng. Tuy nhiên, chị hơi lo lắng khi không biết chủ nhà trọ của mình có áp dụng quy định này hay không.

Chủ nhà trọ sẽ bị xử lý nếu còn tính tiền điện 'cắt cổ'

Ông Phạm Quốc Bảo - Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM, cho hay Thông tư 25/2018/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 16/2014/TT-BCT về thực hiện giá bán điện sẽ chính thức có hiệu lực từ hôm nay, ngày 26/10.

Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng cách tính giá bán điện mới giúp người ở trọ cũng sẽ mua được điện theo đúng giá Nhà nước . Ảnh: N.Q.

Theo ông Bảo, điểm mới của Thông tư này là bổ sung quy định liên quan việc thực hiện giá bán điện cho sinh viên, người lao động thuê nhà nhằm tránh trường hợp chủ nhà cho thuê thu giá cao hơn quy định.

Cụ thể, ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo giá của bậc thang thứ 3, tức 1.858 đồng/kWh (chưa tính VAT), cho toàn bộ sản lượng điện đo đếm tại công tơ, đối với người thuê nhà dưới 12 tháng và chủ nhà không thực hiện kê khai được đầy đủ số người dùng điện.

Quy định này khắc phục nhược điểm biến động số người thuê nhà trong công tác cấp định mức sử dụng điện.

Đại diện Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng cách tính giá bán điện mới cho người thuê nhà sẽ có lợi cho chủ nhà khi dễ dàng tính toán tiền điện cho người thuê và người ở trọ cũng sẽ mua được điện theo đúng giá Nhà nước.

“Trường hợp chủ nhà trọ bán giá không đúng quy định theo Thông tư 25 này, người ở trọ hãy phản ảnh, ngành điện lực sẽ phối hợp các cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra và xử lý kịp thời”, ông Bảo nói.

Sinh viên, công nhân tính giá điện mới thế nào?

Theo khoản 5, điều 1 của Thông tư 25/2018/TT-BCT ngày 12/9/2018 quy định trường hợp bên thuê nhà có hợp đồng thuê từ 12 tháng trở lên và có đăng ký tạm trú thì chủ nhà trực tiếp ký hợp đồng mua bán điện hoặc đại diện bên thuê nhà ký hợp đồng mua bán điện.

Trường hợp chủ nhà kê khai được đầy đủ số người sử dụng điện thì bên bán điện có trách nhiệm cấp định mức cho chủ nhà: cứ 4 người được tính là một hộ sử dụng điện để tính số định mức áp dụng giá bán lẻ điện sinh hoạt. Cụ thể, 1 người được tính là 1/4 định mức, 2 người được tính là 1/2 định mức, 3 người được tính là 3/4 định mức, 4 người được tính là 1 định mức.

Biểu giá bán lẻ điện sinh hoạt hiện hành.

Ví dụ cách tính nhau sau, một chủ nhà trọ có 3 phòng cho 10 người thuê sẽ được cấp định mức cho 2,5 hộ. Giả sử điện năng tiêu thụ trong tháng cả nhà trọ là 550 kWh.

Tiền điện chủ nhà cho thuê phải thanh toán sẽ tính theo cách sau: 125 kWh đầu tiên (bậc 1): 50 kWh x 2,5 hộ x 1.549 đồng/kWh = 193.625 đồng; 125 kWh tiếp theo (bậc 2): 50 kWh x 2,5 hộ x 1.600 đồng/ kWh = 200.000 đồng; 250 kWh tiếp theo (bậc 3): 100 kWh x 2,5 hộ x 1.858 đồng/ kWh = 464.500 đồng; 50 kWh tiếp theo (bậc 4): 50 kWh x 2.340 đồng/ kWh = 117.000 đồng. Tổng cộng là 975.125 đồng + thuế là 1.072.637 đồng.

Với người ở trọ 4 người/phòng (tương đương 1 hộ), tiêu thụ 250kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 50 kWh (bậc 1) x 1.549 đồng/kWh = 77.450 đồng; 50 kWh tiếp theo (bậc 2) x 1.600 đồng/kWh = 80.000 đồng; 100 kWh bậc 3 x 1.858 đồng/kWh = 185.800; 50kWh bậc 4 x 2.340 đồng/kWh = 117.000 đồng. Tổng cộng số tiền phòng trọ này đóng cho chủ nhà là 460.250 đồng + thuế = 506.275 đồng.

Trường hợp người thuê trọ dưới 12 tháng và không xác định được số hộ sẽ ưu tiên áp dụng giá bán lẻ điện theo thang thứ 3 (1.858 đồng/kWh chưa VAT) cho toàn bộ sản lượng điện đo tại công tơ.

Ví dụ: 10 người ở trọ, tiêu thụ 500kWh/tháng. Cách tính sẽ là: 500kWh x 1.858 đồng/kWh = 929.000 đồng + 92.900 đồng thuế = 1.021.900 đồng.

Theo Zing

 

Game thủ Việt kiếm tiền "khủng" từ nghề streamer như thế nào?

(Techz.vn) Streamer đang trở thành một nghề cực hot của giới trẻ Việt khi chỉ việc ngồi chơi game, nói chuyện với người xem cả ngày cũng ra tiền.