Những số liệu từ kết luận thanh tra của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng thông tin tự công bố bởi các doanh nghiệp hàng không hé lộ mức lương hàng trăm triệu đồng của một số vị trí đặc thù (xem bảng dưới).
Như tại Công ty TNHH Dịch vụ bảo dưỡng máy bay cảng hàng không miền Nam - một công ty liên kết với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), thu nhập (tính theo tháng) trong năm 2017 cao nhất là 245,7 triệu đồng, trong đó 93% là lương. Mỗi năm, người có thu nhập cao nhất tại đây được nhận 3 tỷ đồng và mức này đã tăng 18% so với năm 2016.
Phi công là một trong những vị trí nhận lương cao nhất trong ngành hàng không. Ảnh: VNA.
Cũng tại công ty chuyên bảo dưỡng máy bay, thu nhập bình quân của lao động lên tới 33,6 triệu đồng một người một tháng. Đây đồng thời là mức thu nhập bình quân cao nhất trong số các công ty thành viên thuộc ACV. Đặc biệt, mức này còn cao hơn cả bình quân tại ACV là 23,5 triệu đồng một tháng.
Ngoài nhân viên bảo dưỡng, nhóm nhân viên tại các công ty phục vụ mặt đất cũng nhận lương cao. Công ty cổ phần Phục vụ mặt đất Hà Nội (ACV đang nắm giữ 20% vốn) có khoảng 864 lao động với mức thu nhập bình quân theo tháng hơn 12,3 triệu đồng. Đây chỉ là con số bình quân, còn thực tế kết luận thanh tra cho thấy, mức thu nhập cao nhất lên tới 156 triệu đồng một tháng, còn thấp nhất là 6,8 triệu đồng.
Tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài (chi nhánh của ACV), thu nhập bình quân của lao động mỗi tháng là 25,6 triệu đồng. Trong đó, người có thu nhập cao nhất được chi trả tới 115 triệu đồng một tháng, thấp nhất 20 triệu đồng.
Còn thu nhập bình quân tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khoảng 24,7 triệu một tháng. Người lao động có thu nhập cao nhất là 107 triệu (tăng hơn 27 triệu đồng so với năm 2016) và thấp nhất là 15,5 triệu đồng.
Bảo dưỡng máy bay đòi hỏi người có trình độ tay nghề cao và được đào tạo bài bản.
Lương của nhóm dịch vụ phụ trợ hàng không được đánh giá là cao nhưng vẫn thấp hơn nhóm phi công trong các hãng hàng không. Với những hãng có lịch bay dày đặc, theo lãnh đạo một đơn vị, thu nhập của phi công còn cao hơn cả giám đốc.
Báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, lương bình quân của nhân viên là 15 triệu đồng nhưng lương phi công là 180 triệu đồng. Trong đó, mức lương cơ phó của Vietjet khoảng 120 -140 triệu đồng, còn cơ trưởng 180 - 240 triệu đồng (tùy vào hiệu quả làm việc, thâm niên). Thậm chí có những phi công bay liên tục, thu nhập có thể lên tới 260 triệu đồng một tháng.
Tại Vietnam Airlines, năm 2017, lương bình quân của phi công cũng trên 120 triệu đồng. Sau khi hàng loạt phi công gửi đơn kiến nghị lên Thủ tướng, ngày 1/6 năm nay, hãng đã quyết định tăng lương cho nhóm này. Nhờ vậy, mức lương mới với phi công dao động 75-250 triệu đồng (tùy chức vụ và máy bay lái). Ngoài ra, họ còn được thưởng và hưởng các phúc lợi khác.
Không chỉ phi công, giáo viên trong ngành hàng không cũng đang có thu nhập hấp dẫn. Với giáo viên kiểm tra năng định DPE (giáo viên đánh giá bay), mức lương tháng dao động 210 - 297 triệu đồng, giáo viên năng định TRI (giáo viên huấn luyện bay) lương 198 - 284 triệu. Dự kiến, năm 2019, mức lương phi công của Vietnam Airlines được tăng thêm 1-6 triệu đồng một tháng (tùy vào loại máy bay phi công lái).
Bên cạnh nhân viên bảo dưỡng, phi công, giáo viên kiểm tra DPE và TRI, nhóm kiểm soát viên không lưu cũng có mức lương từ vài chục triệu đến cả trăm triệu đồng một tháng.
Trao đổi với VnExpress.net, một lãnh đạo trong ngành hàng không cho biết, phi công, nhân viên bảo dưỡng máy bay, giáo viên kiểm định, kiểm soát viên không lưu đều là nhóm ngành đặc thù. Họ làm việc trong môi trường căng thẳng và mức độ phức tạp cao. Để tuyển được kiểm soát viên không lưu nhạy bén, xử lý tình huống tốt không dễ dàng. Còn phi công, họ phải trải qua khổ luyện nhưng không phải người nào học xong cũng có thể làm được nghề nếu sức khỏe kém, kỹ năng yếu.
Riêng với nhóm bảo dưỡng máy bay, lãnh đạo ACV cũng cho biết, mức thu nhập 245,7 triệu đồng là cho người nước ngoài do đây là công ty liên kết với đối tác Singapore. Theo vị này, mức chi trả như vậy vẫn thấp nếu so với thị trường nước ngoài.
Trên thực tế, nguồn lực nhân sự bảo dưỡng máy bay khan hiếm và để làm công việc này, họ phải mất nhiều thời gian, chi phí để học tập. Hàng năm nhóm này phải thi chứng chỉ do các hãng như Boeing, Airbus cấp. Tại các công ty bảo dưỡng trên thế giới, giám đốc nhóm này còn được trả lương cả triệu USD một tháng.
"Hiện nay các hãng hàng không Việt muốn xây cơ sở bảo dưỡng thì cũng 'đỏ mắt' tìm nhân lực vì ngành này đào tạo lâu, đòi hỏi sự nhạy bén và kỹ lưỡng trong xử lý", lãnh đạo này cho biết.
Theo vnexpress.net
Cục Hàng không Việt Nam: Dùng điện thoại khi máy bay cất, hạ cánh sẽ bị phạt 3 - 5 triệu đồng
(Techz.vn) Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, cá nhân “vi phạm trật tự, kỷ luật trên tàu bay” có thể bị phạt tiền từ 3 - 5 triệu đồng.