Doanh nghiệp

Đường cất cánh gập ghềnh của Bamboo Airways

Hãng hàng không Bamboo Airways của Tập đoàn FLC vừa phải lùi chuyến bay thương mại đầu tiên xuống quý IV năm nay. Đây không phải lần đầu họ lỡ hẹn với các kế hoạch.

Có ý kiến cho rằng, chính việc quá tham vọng nên hãng đã đưa ra những "deadline" có phần lạc quan, đồng thời tự đẩy mình vào thế khó. Tầm giữa tháng 7, họ tuyên bố sẽ mở bán vé ngày 2/9 và cất cánh ngày 10/10. Họ lên kế hoạch ra mắt hãng, bài hát và trang phục của hãng vào 17/8. Nhưng thực tế, vài ngày trước sự kiện, Bamboo Airways đã không thể ra mắt được tàu bay vì bị Cục Hàng không nhắc nhở khi chưa hoàn thiện thủ tục giấy phép. Họ cũng không thể mở bán vé khi chưa có giấy phép bay và càng chưa thể cất cánh vào hôm nay như kế hoạch.

Tuy nhiên, không riêng Bamboo Airways, hầu hết các đơn vị khi mới vào lĩnh vực kinh doanh đặc thù này đều gặp vô vàn khó khăn.

Phải mất đến 4 năm, cùng 4 lần lỡ hẹn sau khi nhận giấy phép, Vietjet Air mới có chuyến bay thương mại đầu tiên vào cuối năm 2011. Hay trường hợp của Công ty cổ phần Hàng không lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines) cũng vậy. Họ được Cục Hàng không đề nghị Thủ tướng chấp thuận cấp phép bay từ tháng 4/2016 nhưng đến nay vẫn chưa nhận được giấy phép vì phải chờ sân bay Tân Sơn Nhất mở rộng.

Hiện tại, Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cũng là nút thắt lớn nhất. Tuy nhiên, ông Đặng Tất Thắng – Tổng Giám đốc Bamboo Airways vẫn khẳng định, hãng đã sẵn sàng cất cánh, mọi công tác chuẩn bị phương tiện, nhân sự đã hoàn thành. Bamboo Airways sẽ mở bán vé và có chuyến bay đầu tiên ngay sau khi nhận được giấy phép.

Bamboo Airways dự kiến cất cánh lần đầu trong quý IV năm nay.

Bên cạnh đó, không thể phủ nhận, bản thân việc "sinh sau đẻ muộn" cũng là một thách thức không nhỏ của Bamboo Airways, khi mà Vietnam Airlines và Vietjet gần như đã chiếm trọn thị phần hàng không nội địa.

Do đó, không xác định cạnh tranh trên “đường bay vàng” Hà Nội - TP HCM với các ông lớn hiện hữu, Bamboo Airways hướng tới mạng bay ở địa phương có sân bay chưa được quan tâm như: Thanh Hoá, Quy Nhơn, Quảng Bình, Cần Thơ... Hãng còn đặt mục tiêu khai thác 100 đường bay kết nối tất cả các thành phố lớn, điểm đến du lịch nổi tiếng tại Việt Nam và quốc tế trong tương lai.

Nhưng Bamboo Airways cũng cần vượt qua một thách thức khác là làm sao có sân bay thực sự đủ tầm.

Hãng này đặt căn cứ tại sân bay Phù Cát (Bình Định) và đã được tỉnh Quảng Bình đồng ý chủ trương đầu tư sân bay quốc tế Đồng Hới (Quảng Bình). Tuy nhiên, cả hai đều không phải là sân bay quốc tế theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 mà Chính phủ đã phê duyệt. Đồng thời, hiện đường băng tại Phù Cát, Đồng Hới chỉ đón được những dòng máy bay thân hẹp như Airbus A320, A321... không thể đón được những máy bay lớn như Boeing B787-9 Dreamliner mà Bamboo Airways đặt mua 20 chiếc.

Mặc dù vậy, Bamboo Airways cũng đã có những bước tiến khá nhanh và lợi thế nhất định so với các đối thủ sẵn có trên thị trường. Trong kế hoạch để "Bamboo Airways bay là có lãi" của ông Trịnh Văn Quyết, đến năm 2019 - 2020, FLC sẽ có khoảng 20 dự án quần thể nghỉ dưỡng thu hút đông đảo khách du lịch. Đây là điều mà theo lãnh đạo FLC, không hãng hàng không nào có được. FLC dự kiến bán vé máy bay kết hợp cùng các gói nghỉ dưỡng ngay tại các dự án của tập đoàn này. "Những quần thể FLC đang vận hành mang lại hiệu quả cho nhiều hãng hàng không thì không có lý do gì lại không mang đến hiệu quả cho Bamboo Airways", ông Quyết nói.

Và thực tế, sau khi FLC tuyên bố định hướng hàng không kết hợp các quần thể du lịch, thị trường đã chứng kiến những chuyển động từ chính các đối thủ lớn. Vietnam Airlines mới đây đã hợp tác cùng Vingroup triển khai một mô hình tương tự với Vinpearl.

Bamboo Airways đã tuyển dụng, đào tạo được 300 tiếp viên.

Ngay sau khi được Chính phủ phê duyệt hồi tháng 7, FLC quyết định bỏ thêm 600 tỷ đồng để tăng vốn điều lệ lên 1.300 tỷ đồng nhằm xóa tan những nghi vấn trước đó về tiềm lực tài chính. Washington Post từng dẫn lời một số chuyên gia hàng không cảnh báo, tân binh FLC có nguy cơ chìm trong nợ nần khi đầu tư số tiền lớn vào hàng không, đặc biệt sau khi họ ký hai hợp đồng mua 44 máy bay trị giá lên đến 8,8 tỷ USD từ hai ông lớn Boeing và Airbus.

Ngay cả một số cổ đông của FLC cũng lo lắng về nguồn tài chính để hãng có thể hoạt động khi kế hoạch bay dần hé lộ đầu năm. Tại Đại hội cổ đông khi đó, ông Trịnh Văn Quyết khẳng định đã có phương án nội tại hoặc dùng vốn vay của các định chế tài chính khác để đảm bảo hoạt động cho hãng. 

Với việc tham gia của Bamboo Airways, ngành du lịch Việt Nam cũng có thể khai thác triệt để hạ tầng hơn, phục vụ được nhiều du khách hơn. Bởi các hãng bay hiện tập trung nhiều vào đường bay đến và đi tới các thành phố lớn như Hà Nội – TP HCM. Trong khi, kế hoạch của Bamboo Airways là đưa máy bay đến các thành phố nhỏ, có nhiều thắng cảnh du lịch...

Tổng cục Du lịch ước tính, đến năm 2020, Việt Nam đạt 10,5 lượt triệu khách quốc tế nhưng năm ngoái đã vượt 13 triệu. Trong bối cảnh các doanh nghiệp đầu tư ngày càng mạnh vào các sản phẩm du lịch, nghỉ dưỡng, lĩnh vực này đang cần huy động mọi loại hình giao thông, đặc biệt là hàng không.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang là một trong những thị trường hàng không phát triển nhanh nhất thế giới. Việc có thêm hãng tham gia được kỳ vọng giúp  cải thiện mặt bằng chất lượng dịch vụ, giảm giá vé...

Tuy nhiên, trước khi giúp thị trường đạt được những kỳ vọng ấy, Bamboo Airways cần vượt qua những thách thức của chính mình.

Theo vnexpress.net

 

Vé Bamboo Airways sẽ 'cao hơn Vietjet, rẻ hơn Vietnam Airlines'

(Techz.vn) CEO Bamboo Airways nói, ngay khi có giấy phép sẽ bán vé và mức giá sẽ trong phân khúc trung bình khá.