Với việc các ngân hàng đã tăng khá mạnh lãi suất huy động thời gian gần đây, tiền gửi tiết kiệm trở thành một kênh đầu tư hiệu quả không kém so với các loại hình đầu tư khác với mức lãi suất tối đa đang lên tới 8,6%/năm.
Gửi vào đâu với kỳ hạn ngắn 1-3 tháng?
Dù lãi suất các kỳ hạn ngắn đã tăng khá nhiều, các khoản tiền gửi ở kỳ hạn 1-3 tháng vẫn đang ở mức khá thấp.
Tại kỳ hạn 1 tháng, chủ yếu các nhà băng tư nhân niêm yết ở mức trên 5%/năm, trong khi nhóm ngân hàng lớn, ngân hàng quốc doanh như Vietcombank, Vietinbank hay Agribank chỉ niêm yết ở mức 4,5%/năm. Tuy nhiên, vẫn có một số ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi cho kỳ hạn này ở mức 5,5%/năm như ABBank; BacABank; HDBank hay NamABank…
Trong khi đó, tại kỳ hạn 2-3 tháng, mức lãi suất không có quá nhiều chênh lệch so với kỳ hạn 1 tháng khi đều ở dưới mức 5,5%/năm. Tại các mức kỳ hạn này, nhóm ngân hàng cỡ vừa và nhỏ như HDBank; BacABank; hay SCB… vẫn chiếm ưu thế khi đưa ra mức lãi suất cao hơn từ 0,5-1%/năm so với các ngân hàng cỡ lớn khác.
Kỳ hạn 6 tháng
Cũng nằm trong nhóm kỳ hạn ngắn, nhưng các khoản tiền gửi kỳ hạn 6 tháng được các ngân hàng đưa ra mức lãi suất cao hơn nhiều so với kỳ hạn 1-3 tháng. Ở kỳ hạn này, mức lãi suất trung bình các ngân hàng đưa ra vào khoảng 6,5%/năm. Một số nhà băng đưa ra mức lãi suất cao vượt trội.
Cao nhất hiện nay là Vietcapitalbank và NCB với mức lãi lên tới 7,4%/năm; xếp sau là BacABank với lãi suất 7,3%/năm; tiếp đến là VIB với 7,23%/năm… Ngoài ra, PVCombank và SCB hiện cũng niêm yết lãi suất ở kỳ hạn này trên 7%.
Trong khi đó, nhóm 4 ngân hàng quốc doanh Vietcombank, Vietinbank, Bidv và Agribank lại chỉ đưa ra mức lãi suất huy động 5,5%/năm cho kỳ hạn này. Tính ra, nếu gửi 1 tỷ đồng, mỗi năm người gửi có thể lời hơn gần 20 triệu đồng nếu lựa chọn các ngân hàng nhỏ để đặt niềm tin so với các ngân hàng lớn.
Kỳ hạn 12 tháng
Tiền gửi kỳ hạn 12 tháng được xem là mức thu hút nhiều nhu cầu gửi tiền nhất của người dân. Hiện nay nhiều ngân hàng cũng đưa ra mức lãi suất rất cạnh tranh ở kỳ hạn này.
Ngân hàng niêm yết lãi suất tiền gửi 12 tháng cao nhất hiện nay là VIB, lên tới 8,4%/năm. Mức lãi này cao hơn Vietcombank tới 1,8% mỗi năm. Hiện tại, Vietcombank cũng là ngân hàng có mức lãi tiền gửi kỳ hạn 12 tháng thấp nhất với chỉ 6,6%/năm.
Tại kỳ hạn này, khách hàng cũng có nhiều loạt lựa chọn ngân hàng cỡ lớn nhưng vẫn có mức lãi suất khá như MBBank (7,2%/năm); VPBank (7%/năm); BIDV (6,9%/năm) hay Vietinbank (6,8%/năm)...
Kỳ hạn 13 tháng
Đây là kỳ hạn tiền gửi các ngân hàng có sự cạnh tranh nhất về lãi suất. Cụ thể, tại nhiều ngân hàng, kỳ hạn 13 tháng đang có mức lãi suất tiền gửi cao vượt trội so với các kỳ hạn khác.
Tại NamABank, nhà băng này niêm yết lãi suất kỳ hạn 13 tháng ở mức 8,3%/năm, cao nhất trong số các kỳ hạn công bố. Mức lãi này thậm chí còn cao hơn 1,1%/năm so với các kỳ hạn dài. NamABank cùng với VIB cũng là 2 ngân hàng có mức lãi suất tiền gửi kỳ hạn 13 tháng cao nhất đều đạt trên 8%/năm. Trong khi các ngân hàng khác chủ yếu niêm yết quanh mức 7-7,5%/năm.
Ngoài ra, nếu khách hàng lựa chọn gửi tiền trong 13 tháng vào các ngân hàng cỡ nhỏ như BacABank, ABBank; NCB hay SeABank... cũng sẽ được hưởng mức lãi suất trên 8% mỗi năm. Tạm tính, với 1 tỷ đồng, sau 13 tháng, khách hàng sẽ nhận về trên 87 triệu đồng. Trong khi nếu lựa chọn những ngân hàng lớn với mạng lưới chi nhánh rộng như ACB; BIDV; MBBank hay Techcombank, số tiền nhận về sau kỳ tất toán chỉ dưới 74 triệu đồng.
Kỳ hạn dài 24-36 tháng
Các gói tiền gửi kỳ hạn dài đánh dấu sự vượt trội của Vietcapitalbank tại cả 2 mức kỳ hạn 24 và 36 tháng khi nhà băng này đưa ra mức lãi suất lên tới 8,6%/năm. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi cao nhất trên thị trường ngân hàng hiện nay. Thực tế, nếu có nhu cầu gửi tiền trên 1 năm, Vietcapitalbank là lựa chọn cạnh tranh nhất với mức lãi suất đều đạt trên 8% mỗi năm.
Ngoài Vietcapitalbank đưa ra mức lãi suất rất cao cho các kỳ hạn dài, BacABank, CBBank, Eximbank cũng thuộc nhóm ngân hàng tập trung lãi suất vào các kỳ hạn dài, đều trên 8%.
Nếu bỏ qua ưu thế về uy tín đã xây dựng được lâu năm cùng hệ thống chi nhánh rộng, việc mang tiền đi gửi vào các nhà băng cỡ nhỏ đem lại lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với các nhà băng lớn.
Ngoại trừ chênh lệch về hệ thống dịch vụ cùng chi nhánh, các ngân hàng đều phải đảm bảo mức an toàn theo các quy định của Ngân hàng Nhà nước cũng như pháp luật.
Có nên chia nhỏ kỳ hạn để lãi mẹ đẻ lãi con?
Các ngân hàng hiện nay chủ yếu sử dụng phương thức trả lãi vào cuối kỳ tất toán khoản tiền gửi. Vì vậy, việc lựa chọn kỳ hạn ngắn hay dài thì khách hàng cũng phải đợi đến cuối kỳ tất toán mới được trả tiền lãi. Tại một số ngân hàng cho phép khách hàng tất toán giữa kỳ và vẫn được hưởng lãi suất theo thời gian đã gửi nhưng lãi thường rất thấp.
Nếu nhu cầu gửi tiền chỉ dừng lại ở mức dưới 1 năm, việc mang số tiền đó gửi kỳ hạn 12 tháng trở nên tối ưu hơn so với việc chia nhỏ ra từng kỳ hạn ngắn để lấy lãi mẹ đẻ lãi con. Nguyên nhân vì chủ yếu các ngân hàng đã tính đến mức lãi chênh lệch khi đưa ra lãi suất niêm yết các kỳ hạn dưới 12 tháng.
Cụ thể, nếu có 1 tỷ đồng và gửi tiết kiện tại Vietinbank, với kỳ hạn 12 tháng (lãi suất 6,8%), sau một năm khách hàng sẽ nhận về 68 triệu tiền lãi. Còn nếu chia nhỏ kỳ hạn thành 2 lần 6 tháng (lãi suất 5,5%) để lãi mẹ đẻ lãi con, khách hàng sẽ chỉ nhận được 27,5 triệu cho 6 tháng đầu tiên và lãi mẹ này cũng chỉ giúp khoản lãi sau sinh lời lên mức 28,2 triệu. Tổng cộng, sau 2 kỳ hạn 6 tháng mức lãi suất nhận về chỉ chưa tới 56 triệu đồng, kém 12 triệu so với gửi một gói 12 tháng.
Tương tự nếu gửi kỳ hạn 12 tháng tại VIB (lãi suất 8,4%/năm), khách hàng sẽ nhận về 84 triệu đồng sau 1 năm. Thay vì chỉ nhận về gần 74 triệu nếu chia thành 2 kỳ hạn 6 tháng; hay 56 triệu đồng nếu chia thành 4 kỳ hạn nhỏ 3 tháng.
Tuy nhiên, nếu có nhu cầu gửi nhiều năm, việc chia nhỏ kỳ hạn thành 12-13 tháng/lần trở lên tối ưu hơn khi các ngân hàng đều đưa mức lãi suất kỳ hạn này cao hơn so hoặc bằng so với kỳ hạn dài.
Như ABBank, nhà băng này niêm yết lãi kỳ hạn 12 tháng bằng với 24 và 36 tháng (7,4%/năm), khi đó nếu gửi 1 tỷ đồng thành 2 kỳ hạn 1 năm, khách hàng sẽ nhận về hơn 153 triệu đồngsau 2 năm, thay vì chỉ nhận được mức tiền lời 148 triệu đồng nếu gửi gói 2 năm. Tương tự là các kỳ hạn 36 hay 48 tháng.
Theo tính toán, nếu mức lãi suất kỳ hạn 24 tháng trở lên không cao hơn 1,8-2%/năm so với gói 12 tháng, thì nên chia nhỏ kỳ hạn gửi để hưởng mức lãi suất mẹ đẻ lãi con sẽ tối đa lợi nhuận hơn. Còn nếu lãi suất cao hơn 2%/năm, khách hàng nên gửi tiền theo một kỳ hạn dài để hưởng lãi suất cao nhất.
Theo Zing
Cuỗm gần 6 tỷ đồng từ làm giả giấy tờ ôtô mang thế chấp ngân hàng
(Techz.vn) Phùng Viết Đông (38 tuổi, trú tại xã Thạch Đà, huyện Mê Linh, Hà Nội) và đồng bọn làm giả giấy tờ cho những xe ôtô không rõ nguồn gốc để mang thế chấp ngân hàng lấy tiền chi tiêu cá nhân. Hành vi của Đông và đồng phạm bị phát hiện trong quá trình lực lượng Cảnh sát giao thông thực thi nhiệm vụ.