Doanh nghiệp

Chi hàng tỷ USD làm dự án, đại gia Việt giàu ra sao so với khu vực?

Gần đây các doanh nghiệp Việt được truyền thông quốc tế nhắc tới rất nhiều với những dự án tỷ USD đầy tham vọng như sản xuất xe hơi của VinFast, hàng không của Bamboo Airways hay dự án thép Dung Quất của Hòa Phát... Gây được tiếng vang lớn với quốc tế, sở hữu khối tài sản nhiều tỷ USD nhưng so với các tỷ phú khác trong khu vực Đông Nam Á khối tài sản của những đại gia người Việt vẫn còn rất khiêm tốn.

Người giàu nhất chưa lọt vào top 10 Đông Nam Á

Ông Phạm Nhật Vượng hiện là đại gia giàu nhất Việt Nam sở hữu khối tài sản ròng lên tới 6,4 tỷ USD, theo xếp hạng của Forbes.

Tính từ đầu năm 2017 đến nay, khối tài sản của vị đại gia này đã tăng hơn 4 tỷ USD và là người có tốc độ gia tăng tài sản ròng nhanh nhất Đông Nam Á trong vòng một năm qua. Trong khi đó, tài sản các tỷ phú của quốc gia khác không tăng nhiều, thậm chí còn giảm mạnh so với một năm trước như trường hợp của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi (Thái Lan) và Henry Sy (Philippines) cùng mất tới 3,5 tỷ USD.

Là người giàu nhất Việt Nam, nhưng chỉ tính tại Đông Nam Á, ông Vượng vẫn chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất khu vực. Với khối tài sản 6,4 tỷ USD, ông xếp thứ 11 trong danh sách tỷ phú USD Đông Nam Á, cùng vị trí với 2 người khác là ông The Hong Piow (Malaysia) và ông Wee Cho Yaw (Singapore). Đây là 2 đại gia có tiếng trong lĩnh vực tài chính không chỉ tại quốc gia họ mà trên thế giới. Trong khi ông The Hong Piow là Chủ tịch và cổ đông lớn sở hữu gần 1/4 vốn của Malaysia Public Bank thì ông Wee Cho Yaw cũng là Chủ tịch của United Overseas Bank, ngân hàng cho vay lớn thứ 3 tại Singapore hiện nay.

Xếp trên ông Vượng là hàng loạt đại gia có tiếng khác như Chủ tịch tập đoàn nông nghiệp lớn nhất Thái Lan và nổi tiếng tại Việt Nam C.P Group, ông Dhanin Chearavanont với 14,5 tỷ USD tài sản; ông chủ mới của Bia Sài Gòn - tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi = với hơn 14,1 tỷ USD; hay anh em nhà Robert và Philip Ng với "đế chế" bất động sản Far East Organization nổi tiếng của Singapore…

Chưa thể gia nhập top 10 người giàu nhất tại Đông Nam Á, nhưng so với đầu năm ông Vượng đã tiến thêm tới 9 bậc trong danh sách các tỷ phú Đông Nam Á với khối tài sản ra tăng hơn 2,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay.

Thậm chí, nếu so trong danh sách tỷ phú thế giới, chỉ trong chưa tới 1 năm, ông Vượng đã tiến thêm 257 bậc trên bảng xếp hạng, hiện đứng thứ 242 thế giới.

Tài sản tỷ phú Việt chỉ bằng 1/8 Thái Lan

Trong khi đó, các tỷ phú khác của Việt Nam hiện cũng xếp ở vị trí thấp trong danh sách người giàu Đông Nam Á. Đơn cử, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc Vietjet Air (VJC), hiện sở hữu 2,8 tỷ USD và xếp thứ 812 thế giới. So với đầu năm, khối tài sản của bà đã giảm hơn 300 triệu USD. Nguyên nhân lớn nhất của việc sụt giảm này đến từ việc cổ phiếu VJC đã giảm mạnh từ mức đỉnh hồi đầu năm. Tại Đông Nam Á, bà Thảo hiện xếp thứ 33.

Khối tài sản ròng hiện tại của 4 tỷ phú USD Việt Nam.

Hai tỷ phú mới được Forbes đưa vào danh sách hồi đầu năm là ông Trần Bá Dương và Trần Đình Long đang sở hữu lần lượt 1,7 tỷ USD và 1,2 tỷ USD tài sản ròng, không thay đổi nhiều so với giai đoạn đầu năm. Hai đại gia trong lĩnh vực công nghiệp nặng của Việt Nam đứng lần lượt thứ 63 và 84 trong khu vực.

Hiện tại, trong 6 quốc gia Đông Nam Á có tỷ phú USD trong danh sách của Forbes, Việt Nam là nước có ít tỷ phú nhất với chỉ 4 cái tên. Trong khi con số bên phía Malaysia và Philippines là 13; Indonesia là 14; Singapore là 21 và Thái Lan nhiều nhất với 32 cái tên trong danh sách này.

Tổng tài sản của 4 tỷ phú Việt Nam hiện cũng thấp hơn rất nhiều so với các quốc gia khác với chỉ 12,1 tỷ USD. Số này đã tăng gần 2 tỷ USD so với đầu năm, nhưng so với các quốc gia khác trong khu vực, khối tài sản này vẫn kém 5-6 lần so với Indonesia và Malaysia, thậm chí kém Singapore và Thái Lan tới 7-8 lần.

 

Hiện Thái Lan vẫn đứng đầu khu vực về số lượng tỷ phú cũng như tổng tài sản các tỷ phú được xếp hạng với hơn 92,6 tỷ USD. Trong khi tỷ phú giàu nhất Đông Nam Á hiện nay là ông Henry Sy người Philippines với khối tài sản 16,5 tỷ USD.

Theo Zing

 

Cuộc chiến giành “ngôi vương” trên thị trường bán lẻ của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

(Techz.vn) Với việc VinCommerce, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup mua lại 100% cổ phần chuỗi siêu thị Fivimart từ Công ty Cổ phần Nhất Nam, Tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang từng bước vẽ lại bản đồ thị trường bán lẻ Việt Nam theo cách của riêng mình.