Nhịp sống số

Bạn có tin Tim Cook đã học hỏi chiến lược cũ của chính Samsung, Sony để tạo ra iPhone XR?

Không phải đắt tiền nhất nhưng chắc chắn iPhone XR là sản phẩm đặc biệt nhất của Apple năm nay, khác đến mức mà Apple còn phải nghĩ ra một cái tên mới, hoàn toàn vô nghĩa, để đặt cho dòng sản phẩm này.

Dù tên gọi là vô nghĩa, sự tồn tại của iPhone XR không thể là vô nghĩa được. Là một bước đi quan trọng trong chiến lược của "cáo già" Tim Cook, XR hiện đang được coi là sản phẩm nhắm vào "tất cả người dùng" trong lúc iPhone XS nhắm vào khối người dùng dư dả nhất.

Bởi thế, nhiều người đã vội liên tưởng iPhone XR tới iPhone 5c và iPhone SE, vốn là những nỗ lực đầu tiên của Apple nhằm thăm dò phân khúc "giá mềm". Nhưng sự thật chắc chắn không phải như vậy.

Giá chẳng hề rẻ

Cùng nhiều màu nhưng iPhone XR đắt gấp đôi giá iPhone SE trước khi bị khai tử.

Điểm khác biệt đầu tiên và dễ nhận thấy nhất giữa iPhone XR và các "tiền bối" nằm ở mức giá. Khi iPhone X đẩy thế giới vào thời đại nghìn đô, mức giá 750 USD có thể giúp tạo ra ấn tượng "giá mềm", hấp dẫn hơn. Thế nhưng, nhiều người đã quên mất rằng iPhone 6 Plus, iPhone 6s Plus và iPhone 7 Plus đều khởi điểm ở khung giá 750 USD. Đúng thế, 2 năm trước, mẫu iPhone đắt đỏ nhất của Táo vẫn khởi điểm ở khung giá ngang với iPhone XR hiện tại.

Nói cách khác iPhone XR rõ ràng không hề giống một chút nào với iPhone SE – chiếc iPhone có lẽ là nỗ lực duy nhất của Apple nhằm tiến vào phân khúc tầm trung. Năm ngoái, iPhone X với mức giá nghìn đô đã liên tiếp là mẫu iPhone bán chạy nhất thế giới. Apple không có lý do để bán smartphone giá mềm, và quả nhiên năm nay iPhone SE cũng bị khai tử. Mức giá của mẫu smartphone này trước khi bị "trảm" còn không bằng một nửa iPhone XR.

Không phải tốt thí

Hãy nhớ rằng iPhone 5c thất bại nhưng năm 2013 doanh số và lợi nhuận của Apple vẫn thăng hoa...

Tiếp đến, iPhone XR có giống với iPhone 5c hay không? Câu trả lời cũng vẫn là không. Hãy nhớ rằng iPhone 5c ra đời khi Apple mới chỉ có 1 mẫu iPhone mới mỗi năm. Năm đó, iPhone 5c là sản phẩm thay thế trực tiếp cho iPhone 5 để Apple rảnh tay bán iPhone 5s. Mặc cho người dùng chê bai mẫu iPhone vỏ nhựa này thậm tệ, doanh số và lợi nhuận của Apple năm đó vẫn tăng đều. Nói cách khác, iPhone 5c chỉ là "tốt thí" vì Tim Cook hiểu rằng nếu giữ iPhone 5 vỏ nhôm lại, sẽ rất ít người mua iPhone 5s.

Nhưng iPhone XR rõ ràng không phải là tốt thí. Nếu như iPhone 5c là sản phẩm không đáng mua vì rẻ hơn 100 USD nhưng lại xấu xí và kém cao cấp hơn hẳn iPhone 5s thì iPhone XR lại rẻ hơn iPhone XS tới 250 USD. Ở mức giá này, sự khác biệt lớn nhất với iPhone XS chỉ là công nghệ màn hình (LCD): camera đơn trên XR vẫn được đánh giá khá tốt và khi Apple bỏ đi 3D Touch cũng chẳng mấy ai phàn nàn cả.

Học hỏi từ đối thủ

Nhiều năm trước, các hãng Android đã từng mang tham vọng gia tăng doanh số bằng các phiên bản rút gọn của các dòng đầu bảng.

Nếu buộc phải tìm "tiền thân" cho iPhone XR, bạn có thể nhìn sang các hãng Android. Nhiều năm trước, Samsung có S Mini, Sony có Xperia Mini, HTC cũng có dòng One Mini. Ngay tại thời điểm hiện tại, Xiaomi cũng có Mi 8 EE. Các hãng Android đã và đang mang một suy nghĩ (có vẻ là) đúng đắn: nếu ra mắt phiên bản cỡ nhỏ hơn, kém cao cấp hơn một chút cho các dòng đầu bảng, doanh số sẽ gia tăng.

Nhưng đó mới chỉ là lý thuyết. Hiện nay, gần như chẳng còn hãng Android nào ra mắt phiên bản giá rẻ cho sản phẩm đầu bảng của mình cả. Chiến lược "đầu bảng kép" vẫn đang được áp dụng phổ biến, nhưng chủ yếu là để đánh vào lựa chọn kích cỡ chứ không phải là để dùng giá bán tăng sức hấp dẫn.

May mắn là khối người dùng của Apple không giống như Android. Thực chất, CEO Táo đang đem chiến lược của Android áp dụng lên một phân khúc người dùng có khả năng chi trả cao hơn hẳn: đến nay, giá iPhone đến tay người dùng vẫn cao gấp 2, gấp 3 lần các hãng Android. Samsung đã thầm lặng gia tăng giá bán trong nhiều năm nhưng vẫn gặp khó, còn Apple ngay sau khi ra mắt iPhone X đã thành công vang dội.

Thay đổi chờ đón

Người dùng Táo và người dùng Android có sự khác biệt lớn...

Bởi thế, iPhone XR dù học hỏi chiến lược từ Android nhưng vẫn mang một vị thế khác: các hãng Android ra mắt bản giá rẻ cho smartphone đầu bảng "bình thường", còn Apple đang ra mắt bản giá rẻ cho iPhone giá siêu cấp. iPhone XR sẽ là sản phẩm mang hình ảnh "ngon bổ rẻ" nhắm vào khối người dùng đã có sẵn khả năng chi trả, chứ không phải là sản phẩm dựa hơi đầu bảng để nhắm vào khối người dùng tầm trung.

Apple thậm chí còn lùi ngày ra mắt của XR sau XS tới tận 1 tháng. Rất có thể là Tim Cook đã tiên lượng được nhu cầu lớn dành cho iPhone XR, và để tránh ảnh hưởng tới các model đắt đỏ hơn, iPhone XR ra mắt muộn hơn hẳn.

Đây có thể là lần đầu tiên một mẫu smartphone "dựa hơi" các mẫu cao cấp hơn lại có thể đạt được thành công.

Với tầm nhìn này, iPhone XR sẽ đánh dấu một cột mốc quan trọng của Apple: đây sẽ là lần đầu tiên Tim Cook dùng mức giá làm lợi thế cho một mẫu iPhone. Đây có thể cũng sẽ là một cột mốc mới của cả thế giới smartphone: chiến lược bán phiên bản giá rẻ, "dựa hơi" các mẫu đầu bảng cao cấp hơn cuối cùng cũng có thể chạm tay tới thành công.

Dĩ nhiên, chẳng ai có thể khẳng định iPhone XR sẽ thành công hay thất bại – chúng ta sẽ phải đợi ít nhất đến tháng 1, khi Apple công bố kết quả mùa kinh doanh cuối năm. Song, phần lớn các bài đánh giá đều đang ca ngợi mẫu X "giá rẻ" này, giới tài chính và chuỗi cung ứng cũng đang cho rằng XR sẽ là mẫu iPhone 2018 bán chạy nhất. 

Quan trọng nhất, iPhone XR đã "cháy hàng" đặt trước. Muốn có iPhone XR để dùng, người dùng phải đến Apple Store và xếp hàng chờ đợi. Có vẻ như, lịch sử sẽ một lần nữa đứng về phía Tim Cook: một chiến lược do Android khai phá, nay phải đợi Apple vận dụng mới có thể thành công.

Theo Trí thức trẻ, Genk

 

CEO Tim Cook 2 lần biện hộ cho giá bán đắt đỏ của iPhone X và iPhone Xs, khiến fan Apple lắc đầu

(Techz.vn) Đắt hay không đắt, không đắt hay đắt nói một lời thôi.