Tại Hội thảo bảo hộ quyền của tổ chức phát sóng trong môi trường số diễn ra tại Hà Nội vào sáng 19/9/2018, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (Hội Truyền thông số Việt Nam) đã công bố nghiên cứu cho thấy lượt xem (view) của các trang vi phạm bản quyền phim, bản quyền thể thao đạt hàng chục triệu mỗi tháng, một con số mà bất cứ tờ báo điện tử chính thống nào cũng thèm muốn. Đi cùng với lượt view khủng là lượng tiền quảng cáo đổ vào các trang này cũng tăng mạnh.
Theo đó, trong top 5 trang web vi phạm bản quyền phim phổ biến nhất, phimmoi.net đứng đầu bảng về lượt view trong mấy tháng gần đây, cụ thể tháng 3/2018 trang này đạt 41 triệu view, tháng 8/2018 tăng lên 68 triệu view, bilutv.com cũng đạt 19 triệu view và 48 triệu view trong hai tháng kể trên. Các trang kể trên có rất nhiều phim mới, thậm chí cả phim vừa ra rạp là có ngay trên hệ thống, phim có thuyết minh tiếng Việt và tất cả đều không có bản quyền,
Ở mảng thể thao, dẫn đầu các trang vi phạm có lượt view là tructiepbongda.com với 25,4 triệu lượt view trong ngày 18/6/2018 và 14 triệu lượt view trong ngày 18/8/2018. Keonhacai.com và tv.101vn.com cũng đạt hàng chục triệu view mỗi ngày trong kỳ diễn ra World Cup 2018, trong suốt 1 tháng World Cup tỷ lệ người xem online tăng cao đột biến và xu hướng xem trên các trang vi phạm bản quyền tăng rất nhanh.
Trên trang tructiepbongda.com còn có các trận bóng đá ăn cắp hình ảnh từ kênh K+, họ chiếu camera vào màn hình tivi rồi phát trực tiếp trên trang web, đây là trang vi phạm điển hình của bóng đá, trong đó các trận đấu Ngoại hạng Anh trên K+ bị xâm phạm nhiều nhất.
Các trang vi phạm bản quyền chủ yếu sống bằng quảng cáo, trong đó tỷ lệ quảng cáo độc hại rất cao. Theo thống kê có 44/50 trang vi phạm bản quyền được hỗ trợ bởi các công ty dịch vụ quảng cáo, 66% trang vi phạm được hỗ trợ bởi ít nhất 1 công ty cung cấp dịch vụ quảng cáo.
Trên các trang này chủ yếu là quảng cáo các dịch vụ bất hợp pháp như: khiêu dâm, game cờ bạc, quảng cáo đánh bạc, do đó có thể thấy các nguồn tiền từ dịch vụ bất hợp pháp đang nuôi sống những trang xâm phạm bản quyền. Thống kê cho thấy, nội dung quảng cáo độc hại thì 19% là phần mềm độc hại, văn hóa phẩm đồi trụy chiếm 7%, đánh bạc là 46%, sản phẩm không được kiểm duyệt 26%.
Đáng chú ý là số lượng quảng cáo độc hại lại có xu hướng tăng lên. Theo phân loại quảng cáo trên trang vi phạm bản quyền, tháng 5/2017 tỷ lệ quảng cáo thông thường và quảng cáo độc hại ngang nhau, đến tháng 5/2018 quảng cáo độc hại tăng lên 57%.
Theo: ictnews.vn
Nhiều kênh YouTube, Facebook Việt Nam vẫn phát 'lậu' Asiad 2018
(Techz.vn) Dù VOV đã sở hữu bản quyền, hàng chục kênh phát sóng lậu Asiad 2018 đã xuất hiện khi trận đấu giữa Việt Nam và Bahrain diễn ra tối 23/8.