Trong phiên chào bán cổ phần ra công chúng lần đầu tiên (IPO) của Vinalineshôm 5/9 vừa qua chỉ có 42 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng hơn 5,4 triệu cổ phần, chiếm 1,1% tổng số cổ phần dự kiến chào bán (hơn 488 triệu). Trong khi đó, theo kế hoạch lần IPO đầu tiên, Vinalines sẽ bán 488,8 triệu cổ phần (bằng 34,8% vốn điều lệ) của công ty mẹ được bán ra (nhà nước vẫn nắm giữ 65% vốn điều lệ).
Tuy nhiên, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - quyền Tổng Giám đốc Vinalines, tỏ ra không thất vọng với kết quả này.
Dù đang lỗ lỹ kế, nhưng Chủ tịch HĐTV Vinalines vẫn tin tưởng đến 2020 Vinalines sẽ lãi vài trăm tỷ đồng.
“Chúng tôi không đặt nặng vấn đề bán được nhiều cổ phần trong đợt IPO lần này, cũng không phải bằng mọi cách tìm nhà đầu tư chiến lược. Điều quan trọng, IPO xong, tổ chức đại hội cổ đông để chuyển sang công ty cổ phần, qua đó thay đổi quản trị tốt hơn, việc làm ăn hiệu quả hơn, giá trị cổ phần tăng lên mới tìm nhà đầu tư cũng chưa muộn”, ông Tĩnh nói.
Trong phiên chào bán lần 2 (từ 20/9-30/9), Vinalines sẽ chào bán toàn bộ số cổ phần chưa bán hết tại đợt bán đấu giá công khai (483.397.230 cổ phần) và số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động, tổ chức công đoàn chưa bán hết.
Trước đó, trong phiên chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng, ông Lê Anh Sơn - Chủ tịch HĐTV Vinalines, thừa nhận, khoảng 4 năm trước tình hình tài chính của Vinalines rất tệ, lỗ lũy kế lên tới hơn 22.000 tỷ đồng; vốn nhà nước giao 10.000 tỷ đồng, nhưng vốn chủ sở hữu chỉ còn khoảng 4.000 tỷ đồng.
Khi đó, Chính phủ đã cân nhắc toàn diện về việc tái cơ cấu Vinalines hoặc cho phá sản. Tuy nhiên, sau 4 năm tái cơ cấu, đến nay, nợ của Vinalines chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng (giảm tới 78% sau 4 năm), vốn chủ sở hữu lên 14.000 tỷ đồng; lỗ hợp nhất của Vinalines hiện nay chỉ còn vài trăm tỷ đồng mỗi năm.
Để giảm lỗ, tiến tới làm ăn có lãi, ông Sơn cho biết Vinalines sẽ tiếp tục cơ cấu lại tài sản (bán bớt tàu không hiệu quả); khai thác dư địa các cảng biển; tham gia chuỗi cung ứng, tinh giảm bộ máy...
Ngoài ra, Vinalines tiếp tục thoái vốn tại các đơn vị thua lỗ, qua đó giúp giảm lỗ hợp nhất. Cụ thể với trường hợp của Công ty TNHH MTV Vận tải Biển Đông (BISCO, chuyển từ Vinashin sang), công ty này đang âm vốn chủ sở hữu tới 4.000 tỷ đồng, mỗi năm lỗ thêm 500 tỷ đồng, Vinalines sẽ thoái vốn để cắt lỗ hợp nhất.
Ông Sơn tự tin, tới năm 2020, Vinalines sẽ đạt mục tiêu lợi nhuận vài trăm tỷ đồng, và có thể chia cổ tức cho nhà đầu tư. “Năm 2019, Vinalines đã có lãi, nhưng lỗ lũy kế vẫn còn nên chưa thể chia cổ tức. Sang năm 2020, Vinalines sẽ có lợi nhuận và có thể chia cổ tức cho nhà đầu tư”, ông Sơn nói.
Theo phương án cổ phần hoá được duyệt, Công ty mẹ - Vinalines định bán cho nhà đầu tư chiến lược số cổ phần bằng 14,8% vốn điều lệ. Tuy nhiên, chỉ có một nhà đầu tư (Hàn Quốc) quan tâm, nhưng không đảm bảo các điều kiện đặt ra, nên toàn bộ cổ phần dành cho nhà đầu tư chiến lược được chuyển sang bán ra công chúng.
Để cắt lỗ, Vinalines sẽ bán bớt tàu hoạt động không hiệu quả.
Ông Tĩnh cho biết, có hai nhóm nhà đầu tư quan tâm đến Vinalines. Một nhóm nhà đầu tư sẵn sàng mua nếu tỷ lệ cổ phần bán cho họ từ 35% vốn điều lệ trở lên, trong khi Vinalines chỉ bán cho họ 14,8% vốn điều lệ nên chưa ai mua.
Nhóm nhà đầu tư thứ hai quan tâm tới các dự án cụ thể, như cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Họ muốn góp vốn cùng hợp tác đầu tư và chỉ kinh doanh một dự án cụ thể, không phải mua cổ phần tổng công ty.
“Ban đầu chúng tôi xác định sau khi bán cho cổ đông chiến lược sẽ bán ra công chúng khoảng 20% cổ phần. Nhưng hết thời hạn vẫn chưa tìm được nhà đầu tư phù hợp nên chuyển toàn bộ cổ phần ra bán công khai".
Ông Tĩnh nói,giờ bán công khai dù chưa thành công, nhưng cũng không phải tìm bằng được nhà đầu tư chiến lược. Trong quá trình phát triển tốt lên, thì cơ hội tìm nhà đầu tư cũng lớn hơn. Khi ấy nhà đầu tư sẽ tìm tới. Hiện cũng có một đối tác nước ngoài thực hiện các đánh giá về Vinalines để có thể tham gia mua cổ phần ở lần bán tới.
Theo: Vietnamnet
Cổ phiếu Hoàng Anh Gia Lai “cầm máu” sau kỳ tích của Olympic Việt Nam
(Techz.vn) Diễn biến cổ phiếu HAG thường có mối liên quan kỳ lạ và khá thú vị với bóng đá, khi mà ông chủ Hoàng Anh Gia Lai – bầu Đức, một người rất đam mê môn thể thao vua, trong suốt nhiều năm đối mặt với khủng hoảng, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ thì vẫn không hề buông tay bóng đá và vẫn duy trì Học viện Bóng đá HAGL JMG.