Khoa học & Đời sống

Bình Dương: Lộc trời 6 tỷ từ 6 con chim lạ sa vào nhà

Bình Dương: Lộc trời 6 tỷ từ 6 con chim lạ sa vào nhà

Xã nông thôn tưng bừng như...hội chim

Đến Minh Tân hôm nay, ai cũng ngạc nhiên trước sự thay đổi nhanh chóng của xã mà nguyên nhân của sự thay đổi đó bắt nguồn từ con chim yến. Vùng đất vốn yên bình nay trở nên rộn ràng, từ quán cà phê đến các khu chợ đâu đâu cũng nghe người ta bàn tán câu chuyện nuôi yến, nhà nhà nuôi yến.

Người dân trao đổi với phóng viên về câu chuyện nuôi chim yến ở huyện Dầu Tiếng Ảnh: C.KHANH

Ở Minh Tân, người chưa nuôi yến thì bắt đầu rục rịch mua đất, xây nhà để nuôi; người đang nuôi thì tiếp tục xây thêm nhà, ai ai cũng hồ hởi, tiếng chim kêu rộn ràng khắp thôn ấp. Chim yến về làm đảo lộn cuộc sống người dân nơi đây. Giá bất động sản cũng vụt tăng cao, trước đây một mét ngang đất ở Minh Tân chỉ có giá 10 đến 15 triệu đồng thì nay đã tăng lên nhiều lần.

Thợ hồ xây nhà yến cũng “đắt như tôm tươi” việc làm không hết phải chạy sô suốt ngày đêm. Ở trong xã cũng xuất hiện những nghề mới, những “chuyên gia” tư vấn nuôi yến… Câu chuyện hàng ngày lâu nay như giá mủ cao su lên xuống, chuyển đổi cây trồng hiệu quả hầu như ít được người dân nhắc tới nữa mà thay vào đó là “ăn chim yến, ngủ chim yến, lợi nhuận khủng từ chim yến” rồi đến tỷ phú chim yến. Xã nông thôn Minh Tân bây giờ tưng bừng như hội chim.

Chuyển đổi mô hình làm ăn khác lạ là chuyện hiếm thấy ở người nông dân Bình Dương. Bởi thế, việc nuôi yến ở Minh Tân cũng đang là câu chuyện nghe có vẻ lạ lùng đối với nhiều người.

Lộc của trời cho từ...6 con chim yến

Chúng tôi ghé thăm gia đình bà Vũ Thị Tuất, người đầu tiên nuôi yến ở xã Minh Tân. Trời về chiều, từng đàn chim cũng bay về tổ ríu rít cả bầu trời. Không gian rộn rã khác thường, niềm vui cũng hiện rõ trên khuôn mặt của vợ chồng bà Tuất. Những năm gần đây, nguồn lợi khủng từ nuôi yến lấy tổ đã làm thay đổi hẳn cuộc sống của gia đình bà.

Bà Tuất đã trở thành một trong những nông dân sản xuất giỏi được Trung ương và tỉnh tặng nhiều bằng khen, người dân Minh Tân nể phục và học tập cách làm ăn của bà. Bà Tuất kể, vào đầu năm 2010, trên căn gác tầng 3 ngôi nhà bà bỗng nhiên có 6 con chim yến về làm tổ.

Thấy có vẻ điềm lành, bà liền lên Lâm Đồng học cách nuôi yến, cứ nghĩ nuôi chơi ai ngờ chỉ một thời gian sau yến về từng đàn kín cả căn nhà. Từ đó, bà Tuất bắt đầu nghĩ đến cách nuôi chuyên nghiệp nên đã thuê chuyên gia về thiết kế lắp đặt máy móc, trang trí nội thất quy mô hẳn hoi.

Cho đến nay đàn yến tại nhà bà đã lên tới vài chục ngàn con. Bà Tuất cho biết, hiện nay mỗi tháng bà thu hoạch tổ yến 2 lần, tổng cộng hơn 20 ký tổ yến. Với giá bán sỉ hiện nay mỗi ký 22 triệu đồng, tính sơ mỗi tháng bà thu gần 500 triệu đồng.

Câu chuyện làm ăn của bà Tuất làm chúng tôi rất ngạc nhiên bởi nguồn lợi thu được từ yến quá lớn, tính ra mỗi năm bà thu gần 6 tỷ đồng trong khi nguồn vốn bỏ ra không đáng kể. Đầu ra sản phẩm rất ổn định, hầu như cung không đủ cầu, chất lượng sản phẩm cũng rất tốt chẳng thua kém bất cứ đâu.

Một người dân giới thiệu về mô hình nuôi chim yến Ảnh: C.KHANH

Từ mô hình nuôi yến đầu tiên của bà Tuất mang lại thành công ngoài mong đợi đã hấp dẫn nhiều người dân ở Minh Tân. Theo ông Nguyễn Minh Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Tân, hiện toàn xã đã có hơn 100 hộ đầu tư nuôi yến và con số vẫn chưa dừng lại ở đó.

Chúng tôi lại ghé thăm một hộ nuôi yến là ông Nguyễn Xuân Quyền ở ấp Tân Đức. Ông Quyền quê Vĩnh Phúc vào Minh Tân sinh sống đã hơn 30 năm. Đây cũng là người nổi tiếng sản xuất kinh doanh giỏi trong lĩnh vực trồng và chế biến mủ cao su. Thế nhưng, những năm gần đây giá mủ cao su bấp bênh, liên tục giảm, trong cơn loay hoay chuyển đổi làm ăn, cuối cùng ông quyết tâm đầu tư nuôi yến.

Tuy mới đầu tư nhưng từ đầu năm đến nay ông Quyền đã thu lợi được 500 triệu đồng. Nghề trồng cây cao su được ông Quyền tạm gác lại, bởi ông cho rằng lợi nhuận từ yến gấp hàng trăm lần làm cao su, nhất là trong thời điểm hiện nay.

Không chỉ người dân Minh Tân nở rộ phong trào nuôi yến mà nhiều cán bộ xã cũng đang muốn phát triển mô hình này. Dẫn chúng tôi đi thăm các mô hình nuôi yến trong xã, đến đâu ông Trương Văn Thành, cán bộ văn phòng xã Minh Tân cũng góp chuyện rất rành rẽ cách nuôi yến.

Thì ra ông Thành cũng đang đầu tư xây nhà nuôi yến với số vốn ban đầu gần 800 triệu đồng. Qua trò chuyện, ông Thành cũng bộc lộ niềm tin vào mô hình làm ăn này. Ông quả quyết, tính đến thời điểm này, lợi nhuận của yến là rất rõ ràng và cao hơn bất kỳ cây trồng, vật nuôi nào.

Phía sau niềm vui là...tiếng ồn

Việc nuôi yến trong thời gian gần đây là do người dân tự phát do tính hiệu quả của mô hình này. Nuôi yến rõ ràng cho thu nhập cao song đồng vốn bỏ ra ban đầu cũng không phải nhỏ. Do đó, việc người dân ồ ạt xây dựng nhà nuôi yến như hiện nay cũng gây băn khoăn cho chính quyền xã. Hy vọng đây là mô hình kinh tế trong tương lai sẽ mang lại hiệu quả không chỉ góp phần làm thay đổi đời sống của người dân nông thôn mà còn tiến tới làm giàu.

Tuy nhiên, nhiều câu hỏi đặt ra xung quanh vấn đề này, đó là liệu chim yến có cư trú bền vững ở vùng đất này hay không, trong khi các xã lân cận như Định An, Định Hiệp thì chim yến không về. Vấn đề kiểm soát dịch bệnh sẽ như thế nào khi người dân nuôi yến tràn lan.

Còn nhớ cách đây mấy năm, dịch cúm gia cầm cũng lây lan qua những mô hình chăn nuôi này. Về môi trường và sinh hoạt cuộc sống của người dân từ khi nuôi yến cũng ít nhiều bị ảnh hưởng bởi âm thanh phát ra cả ngày lẫn đêm. Nhiều cử tri ở Minh Tân đã phản ánh việc các nhà nuôi yến tạo âm thanh tiếng chim kêu, gây tiếng ồn.

Nghề khai thác tổ yến đã có từ lâu đời ở nước ta. Yến sào thiên nhiên được khai thác ở các hang đảo từ Quảng Bình đến Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu. Trong đó, Khánh Hòa là nơi có số lượng quần thể, sản lượng dẫn đầu cả nước, có truyền thống lịch sử ngành nghề lâu đời.

Do đặc tính tự nhiên, chim yến thường sinh sống ở các vùng ven biển và hải đảo, bởi thế việc nuôi yến ở các tỉnh duyên hải chẳng có gì là lạ. Nghề yến sào từ lâu đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân ở các vùng này. Vùng đất Đông Nam bộ, nuôi yến có lẽ là câu chuyện lâu nay người dân ít nghĩ tới do điều kiện tự nhiên và khí hậu không phù hợp.

Nhắc đến nông sản Bình Dương là nhắc đến những vườn trái cây nổi tiếng ở miệt Lái Thiêu, những trang trại cây có múi ở Bắc Tân Uyên, ở Dầu Tiếng thì là xứ sở của cao su. Thiên nhiên khí hậu đã tạo cho mỗi vùng đất một đặc thù riêng. Theo xu thế hội nhập, giá cả nông sản có lúc lên lúc xuống nhưng người nông dân Bình Dương vẫn bám đất, bám vườn và ngày càng hiện đại hóa để đưa sản phẩm đi khắp các thị trường.

Thiết nghĩ, việc người dân chuyển đổi mô hình sản xuất mang lại hiệu quả cao hơn là điều đáng khuyến khích. Tuy vậy, để cho người dân phát triển bền vững thì ngành chức năng phải sớm vào cuộc để có những định hướng cụ thể cũng như tập huấn, hỗ trợ để người dân nắm rõ kỹ thuật. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Thuận cho biết, xã đang làm các thủ tục trình cấp trên xin thành lập Hợp tác xã nuôi yến. Đây là bước đi đầu tiên của chính quyền cơ sở nhằm hướng tới một mô hình kinh tế với nhiều hy vọng đột phá trong tương lai!

Theo: Báo Bình Dương 

 

Nông dân chịu chơi thời nay đã khác: Lắp dàn laser 200 triệu múa sáng nghệ thuật chỉ để... dọa chim

(Techz.vn) Tốn tương đương 200 triệu đồng chỉ để lắp đèn nhấp nháy bắn laser khắp cánh đồng, các bác nông dân thời 2018 này vẫn chấp nhận chi tất tay đầu tư về cho mình.