Ngày nay máy bay đã trở thành một trong những phương tiện vận chuyển không còn mấy xa lạ với người dân trên khắp thế giới. Thế nhưng bạn có bao giờ tự hỏi vì sao thân máy bay thường được sơn màu trắng? Vì sao lại là màu trắng chứ không phải màu nào khác? Có lý do nào đặc biệt cho việc này?
1. Sơn màu quá tốn kém và quá nặng nề
Thông thường, chi phí để trang trí một chiếc máy bay sẽ rơi vào khoảng 50.000 đến 200.000 đô (1,1 tỷ đến 4,4 tỷ đồng). Nếu sơn màu, con số đó sẽ lớn hơn rất nhiều và sẽ mất 2-3 tuần để hoàn thành. Rõ ràng người ta sẽ muốn tiết kiệm thời gian và chi phí càng nhiều càng tốt.
Chẳng hạn, bằng cách sơn trắng lại toàn bộ thân máy bay vốn có màu vàng bằng một loại sơn phun cực nhẹ, mỗi năm hãng easyJet Airlines (Anh) đã cắt giảm được 2% chi phí vận hành máy bay. Nên biết mỗi năm hãng này phải chi trả đến 1,2 tỷ đô (26.700 tỷ đồng) cho nhiên liệu, như vậy cắt giảm 2% của con số này có nghĩa họ sẽ tiết kiệm được đến 22,4 triệu đô (gần 500 tỷ đồng) mỗi năm, một con số rất đáng để cân nhắc.
Hơn nữa, nếu sơn màu toàn bộ một chiếc 747, người ta sẽ đắp thêm lên thân nó một khối lượng 250kg, trong khi đó nếu chỉ sơn trắng và đánh bóng, nó sẽ chỉ nặng thêm có 25kg.
2. Bán lại với giá thấp hơn
Việc sơn màu sắc sặc sỡ cho máy bay có thể ảnh hưởng đến doanh thu bán lại vì bên mua lại sẽ phải sơn lại toàn bộ máy bay, hơn nữa điều này còn làm tăng khối lượng sơn đắp lên thân nó. So với đó, một chiếc máy bay màu trắng sẽ khiến cho mọi việc đơn giản hơn rất nhiều.
3. Ít chịu ảnh hưởng bởi sức nóng
Một chiếc máy bay màu trắng sẽ phản xạ mọi loại ánh sáng, trong khi đó một chiếc máy bay tối màu hơn sẽ hấp thụ ánh sáng và biến nó trở thành nhiệt, khiến máy bay nóng lên.
Chính vì thế ở nhiều hãng hàng không, màu trắng trên thân máy bay luôn là màu sắc chủ đạo, đặc biệt là ở phần khoang lái. Chẳng hạn hãng Diamond Aircraft (Áo) quy định tất cả các thiết kế máy bay của họ đều phải giới hạn mức nhiệt bên ngoài vỏ là 38°C. Còn những chiếc máy bay Concorde đều phải sơn bằng một loại sơn đặc biệt, có khả năng phản xạ ánh sáng cao để làm giảm bớt mức nhiệt do ma sát gây ra.
4. Dễ trang trí
Cũng giống như mọi người họa sĩ đều bắt đầu bằng một tấm giấy trắng, thì việc một chiếc máy bay sẵn có màu trắng sẽ giúp các hãng hàng không dễ dàng tiếp cận với những ý tưởng quảng cáo hay tiếp thị ngay trên thân máy bay, biến nó trở thành một tấm bảng quảng cáo bay trên bầu trời.
5. Màu trắng khó phai
Hầu hết những màu sơn khác màu trắng qua thời gian đều sẽ bạc màu dưới tác động của mưa, gió và ánh nắng mặt trời, đặc biệt là ánh nắng ở độ cao trên 9km, nơi tác động của tia UV là rất lớn. Khi đó, chúng sẽ trông rất cũ kỹ, xỉn màu, tạo cảm giác kém an toàn, đặc biệt khi lớp sơn bên ngoài tróc ra.
Hơn nữa, suốt chiều dài sử dụng của nó, một chiếc máy bay sẽ phải trải qua một vài lần sơn đi sơn lại. Chính vì thế, khoảng cách giữa các lần sơn lại này càng kéo dài thì càng tốt.
6. Dễ dàng trông thấy
Màu sơn trắng sẽ giúp thân máy bay dễ dàng để lộ những khiếm khuyết của nó qua thời gian dài sử dụng, chẳng hạn vết rạn, nứt, trầy sướt, vết dầu rò rỉ hay những vấn đề tương tự. Mà đối với những phương tiện vận chuyển cần độ an toàn cao như máy bay, càng kịp thời can thiệp và sửa chữa thì càng tốt.
Trong trường hợp xấu nhất là máy bay phải đáp xuống những vị trí trái với lịch trình ban đầu, hay tệ hơn nữa và rơi rớt, thân trắng sẽ giúp chúng dễ dàng được phát hiện hơn, đặc biệt là trong bóng tối hay trên mặt nước.
Riêng đối với máy bay quân sự, sở dĩ người ta không sơn màu trắng là bởi họ không muốn bị quân địch phát hiện ra quá dễ dàng.
Tất nhiên, cũng có những hãng hàng không thích tô vẽ màu sắc sặc sỡ cho máy bay của họ. Trong trường hợp này, họ phải bù trừ mọi thông số để máy bay của họ vừa bắt mắt vừa đảm bảo độ an toàn tuyệt đối.
Video: Lý giải vì sao máy bay thường sơn màu trắng.
Theo: Thể thao và văn hoá, Business Insider
Đang hạ cánh xuống sân bay Nội Bài, máy bay B787 bị sét đánh
Chiếc tàu bay B787 mệnh danh “giấc mơ bay” của Hãng hàng không Nhật Bản All Nippon Airways bị sét đánh khi đang hạ cánh. Sự việc xảy ra mới đây tại CHK quốc tế Nội Bài.