Bữa ăn cuối cùng của Phil Libin diễn ra cách đây đúng 24 giờ, khi anh ăn thịt xiên Nhật tại một nhà hàng ở Mission, San Francisco. Bữa tiếp theo, Libin sẽ ăn sushi ở một nhà hàng ngon nhất trong thị trấn. Nhưng nó sẽ không diễn ra vào ngày hôm nay hay ngày mai, mà phải tới 72 giờ đồng hồ nữa.
Bốn ngày là khoảng thời gian chờ đợi giữa hai bữa ăn của vị cựu giám đốc điều hành Evernote. Trong cả 4 ngày này, anh sẽ không ăn bất cứ thứ gì vào bụng, chỉ uống nước, cà phê và trà đen.
Suốt 8 tháng qua, Phil Libin đã đều đặn thực hiện những đợt nhịn ăn dài từ 2-8 ngày. Anh đã giảm được hơn 40kg và xác nhận bằng kinh nghiệm bản thân rằng, chế độ nhịn ăn này tạo ra rất nhiều thay đổi tích cực.
"Luôn có một sự hưng phấn thường trực trong tôi. Tôi có một tâm trạng tốt hơn nhiều, sự tập trung của tôi được cải thiện và năng lượng lúc nào cũng được tạo ra liên tục. Tôi cảm thấy khỏe mạnh hơn rất nhiều. Nó giúp tôi trở thành một CEO giỏi hơn", Libin nói trong khi uống một cốc cà phê đen, không biết đã là cốc thứ mấy trong ngày.
"Bắt đầu nhịn ăn chắc chắn là một trong hai hoặc ba điều quan trọng nhất mà tôi đã làm trong cuộc đời mình", Libin nói. Bây giờ, anh đang giữ cương bị CEO tại All Turtles, một công ty start-up trí tuệ nhân tạo tại Thung lũng Silicon.
Phil Libin, CEO All Turtles đã giảm được hơn 40kg nhờ nhịn ăn cách quãng.
Trên thực tế, Libin chỉ là một trong nhiều những nhà lãnh đạo tại Thung lũng Silicon thử nghiệm chế độ ăn nhịn ăn cách quãng kéo dài. Chế độ được cho là có nhiều lợi ích bao gồm giảm cân, cải thiện tâm trạng và năng suất làm việc.
Một chế độ nhịn ăn cách quãng đã từng rất phổ biến được gọi là chế độ 5:2. Trong đó, người tham gia sẽ ăn bình thường 5 ngày trong một tuần. Sau đó, họ sẽ có 2 ngày ăn giảm calo đáng kể (xuống mức 500 Calo). Tuy nhiên, Libin và những người cùng chí hướng với anh đang có ý định cải tiến chế độ ăn này, tập trung vào lợi ích giảm cân và tăng cường hiệu suất làm việc.
Họ kết hợp nhịn ăn cách quãng với việc theo dõi chặt chẽ các thông số quan trọng trong cơ thể như lượng đường trong máu và xeton – các hợp chất được tạo ra khi cơ thể tự phá vỡ chất béo nó lưu trữ để tạo ra năng lượng, thay vì từ carbohydrate họ ăn vào.
Chế độ ăn như vậy được những người tham gia nhấn mạnh không còn là việc ăn kiêng đơn thuần. Đó thực sự là một cách “hack” cơ thể sinh học.
Geoffrey Woo là giám đốc điều hành của HVMN (trước đây là Nootrobox), một công ty hướng tới sứ mệnh cải thiện khả năng trí tuệ cho con người. Cũng là một tín đồ của chế độ nhịn ăn cách quãng, Woo đã lập ra Wefast, cộng đồng dành cho những người có cùng ý tưởng với anh.
Những người tham gia vào Wefast không bị tiểu đường, nhưng nhiều người trong số họ vẫn đang kiểm tra lượng đường huyết liên tục. Họ cũng đo lượng xeton trong máu, để kiểm tra xem cơ thể mình có đang thực sự sử dụng chất béo làm nhiên liệu trong một trạng thái trao đổi chất gọi là " ketosis " hay không.
“Xeton là một loại siêu nhiên liệu cho não bộ”, Woo nói. “Vì vậy, rất nhiều lợi ích của nhịn ăn, bao gồm cả trí tuệ minh mẫn, là nhờ vào sự gia tăng của xeton trong cơ thể”.
Với ý tưởng định lượng các tác động của việc nhịn ăn với năng suất làm việc, Woo và các nhân viên của HVMN đang tiến hành một dự án thử nghiệm. Trong đó, họ sẽ theo dõi các chỉ số sinh lý (bao gồm xeton và lượng đường trong máu) và so sánh nó với hiệu suất làm việc của từng người tham gia được đo bằng một phần mềm gọi là Rescue Time.
"Bạn thường nghĩ rằng sau 7 ngày không ăn, tâm trí bạn sẽ không được minh mẫn và nó chỉ nghĩ đến đồ ăn mà thôi. Nhưng thực tế thì sau khoảng 2 đến 3 ngày nhịn ăn, lượng xeton trong cơ thể sẽ tăng lên. Bạn đã nuôi dưỡng bộ não và cơ thể mình bằng nguồn nhiên liệu thay thế rồi", Woo nói.
Với chiều cao 1m8, nặng 75kg, Woo sẽ không cần nhịn ăn để giảm cân. "Tôi tập trung vào mục đích nâng cao tuổi thọ và hiệu quả nhận thức". Mỗi tuần, Woo đều có một đợt nhịn ăn kéo dài 36 giờ. Và cứ mỗi 3 tháng kết thúc, anh lại nhịn ăn một đợt 3 ngày.
Geoffrey Woo nhịn ăn 36 tiếng mỗi tuần và 3 ngày mỗi quý.
Trong khi đó, Libin cũng đang chia sẻ kinh nghiệm của mình với một nhóm WhatsApp có tên là “Câu lạc bộ nhịn ăn” (Fast Club). Tham gia vào đây có khoảng 20 CEO và nhà đầu tư khác đang làm việc tại Thung lũng Sicicon.
Loic Le Meur, đồng sáng lập LeWeb, là một trong số đó. Và cũng chính anh là người đã giới thiệu chế độ nhịn ăn cách quãng với Libin. Tháng 12 năm 2016, Libin gặp Le Meur khi anh đang trong giai đoạn nhịn ăn hai ngày rưỡi.
“Thật là điên rồ”, Libin nói, ở thời điểm đó anh đang nặng tới 118kg. “Tôi đã về nhà, google và đọc một đống thứ để chứng minh anh ta đang làm một điều sai lầm. Nhưng khi nghiên cứu ra thì tôi lại thấy điều đó có vẻ hợp lý”.
Cuối cùng, chính Libin mới bị thuyết phục ngược trở lại để thử nhịn ăn cách quãng.
“Ngày đầu tiên, tôi cảm thấy đói muốn chết. Sang ngày thứ hai, tôi đã chết đói. Nhưng tôi đã tỉnh táo trở lại vào ngày thứ 3 và cảm thấy thực sự tốt, một cảm giác tốt nhất của tôi trong vòng 20 năm qua”, anh chia sẻ.
Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học điều tra sự ảnh hưởng của việc nhịn ăn với cơ thể. Mỗi năm có hàng chục bài báo được xuất bản cho thấy nhịn ăn giúp tăng cường hệ miễn dịch, phòng ngừa tiểu đường và thậm chí làm chậm quá trình lão hóa, ít nhất là trên chuột.
Tuy nhiên, cũng có bằng chứng chỉ ra việc nhịn ăn có thể gây nguy hiểm nếu không được giám sát cẩn thận. Người nhịn ăn có thể bị suy tim nếu họ bị thiếu các chất khoáng như natri, magiê và kali. Việc kiêng ăn lâu dài cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và hỏng thận nếu thận người nhịn ăn đã bị tổn thương sẵn.
Shrein Bahrami, một chuyên gia về rối loạn ăn uống ở San Francisco, quan ngại rằng nhịn ăn kéo dài có thể trở thành một xu hướng kỳ quặc, ảnh hưởng xấu tới những người mắc hội chứng rối loạn ăn uống khi họ thực hành nó.
Trong quá trình nhịn ăn, mọi người thường dành sự tập trung quá mức vào việc theo dõi các chỉ số quan trọng và thực phẩm, Bahrami nói. Sự quá mức, khi ấy, trở thành bình thường nên rất khó để biết khi nào nhịn ăn trở thành nỗi ám ảnh.
Đối với một số người mắc chứng rối loạn ăn uống, họ thường bị ám ảnh bởi hình thể của mình, cố gắng nhịn ăn rất dài và lấy việc thực hành nhịn ăn cách quãng là một cái cớ để làm điều đó. Lúc này, họ chỉ muốn chống lại cảm xúc tiêu cực với thức ăn, chứ không trải nghiệm những hiệu ứng tốt với cơ thể như Libin và Woo đã có.
Bởi vậy, nếu mọi người muốn nhịn ăn, tốt nhất là hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước, Bahrami nói.
Nếu bạn muốn nhịn ăn, tốt nhất là hãy hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Tám tháng, và Libin nhận thấy nhịn ăn cách quãng cũng chẳng khó khăn gì. Anh vẫn thường xuyên đi tiệc mà chỉ uống nước.
"Mọi người nghĩ đó là tra tấn nhưng tôi thấy thực sự rất dễ chịu. Tôi vẫn tương tác nói chuyện với họ, tôi nhìn thấy thức ăn và ngửi thấy hương vị của chúng. Nhưng cũng không thấy ức chế mà hoàn toàn dễ chịu", anh nói. "Tôi vẫn thường rời những bữa tiệc, không ăn gì nhưng vẫn no bụng".
Thế đến lúc chia tiền ăn thì anh vẫn đóng chứ? “Vâng, tôi có”.
Cộng đồng WeFast của Woo hiện có hơn 6.000 thành viên trên trang Facebook và kênh Slack. Những người tham gia đang thảo luận về các nghiên cứu mới nhất trên chế độ nhịn ăn, chia sẻ lời khuyên và kết quả thực hành của họ.
WeFast cũng tổ chức những buổi offline. Các thành viên vẫn gặp gỡ mỗi tháng trong một nhà hàng tại San Francisco, tất nhiên là trong “thời kỳ ăn” của họ. Nhiều trong số này là những kỹ sư ở độ tuổi từ 20-30, Woo cho biết.
"Tại Thung lũng Silicon và các thị trường lao động cạnh tranh cao trên toàn cầu, nhiều người đang tìm kiếm bất kỳ kỹ thuật nào giúp họ tăng được năng suất làm việc", anh nói thêm.
Tất cả chúng ta đều biết rằng ăn một bữa trưa không lành mạnh có thể dẫn đến giảm năng suất lao động vào buổi chiều. Nhưng khi những người có tư duy kỹ thuật bắt đầu đào sâu hơn để biết lý do tại sao những " cơn buồn ngủ do carbohydrate " lại xảy ra, họ bắt đầu kiểm soát được nó.
"Thay vì hack các con chip máy tính, họ có thể hack cơ thể của họ," Woo nói.
Đối với Libin, nhịn ăn là một trào lưu tại Thung lũng Silicon giống như phong trào thiền định đã nổi lên từ vài năm trước.
"Ở đây có một nền văn hóa chung, nơi mọi người tin rằng tất cả các vấn đề đều có thể được giải quyết”, Libin nói. "Bạn muốn ít căng thẳng và giảm lo lắng ư? Hãy thiền. Bạn muốn sống lâu hơn 40 năm? Có lẽ bạn sẽ làm được điều đó khi nhịn ăn".
"Khoảng 80% những gì mọi người làm ở đây hóa ra vô nghĩa, nhưng họ vẫn rất sẵn sàng để thử".
Với việc thực hành chế độ nhịn ăn cách quãng, Libin cũng đã phát hiện ra giá trị của những bữa ăn. Anh không còn phải ăn sandwich một cách vội vội vàng vàng nữa. Thay vào đó, mỗi khi hết kỳ nhịn ăn, Libin đều có thể thưởng thức những bữa ăn thực sự ngon miệng
"Tôi không còn có bất kỳ một bữa ăn nhàm chán nào. Mỗi lần tôi đưa thức ăn vào trong miệng, hương vị của nó thật đặc biệt", anh chia sẻ.
Đang có một trào lưu nhịn ăn cách quãng ở Thung lũng Silicon.
Kể từ khi bắt đầu nhịn ăn, Libin đã nhận được rất nhiều yêu cầu từ những người cũng muốn nhịn ăn như anh. Họ đang tìm kiếm lời khuyên của anh để xem mình nên bắt đầu như thế nào.
Mặc dù vậy, Libin không nghĩ nhịn ăn sẽ trở thành xu hướng chủ đạo (mainstream) như cách mà phong trào thiền định đã làm được ở Thung lũng Silicon.
"Có vẻ như nó quá khắc nghiệt", anh nói. "Từ nhỏ tới lớn, chẳng ai nói với bạn rằng thiền là điều tồi tệ. Nhưng mọi người đều nghe thấy rằng nhịn ăn là nguy hiểm và siêu khó".
Hơn nữa, nhiều người sẽ chẳng kiếm được đồng nào khi chúng ta nhịn ăn.
"Trong xã hội ngày nay, thường thì những thứ chống lại một lợi ích kinh tế rất khó cất cánh”, Libin nói.
"Bạn cần phải là một người kỳ quặc như tôi thì mới có thể nhịn ăn được".
Theo: Tri thức trẻ, CafeF