Doanh nghiệp

BPhone - VinFast: Câu chuyện hàng Việt Nam và cái nhìn trái chiều của dư luận

Kỳ SEA Games vừa qua, câu chuyện về "nàng tiên cá" Ánh Viên trong lúc chờ nhận huy chương nội dung 200 m bơi ngửa với các tuyển thủ đội bạn khiến nhiều người hâm mộ bật cười. Sau khi bình luận về việc các đội bạn có nhiều tay bơi nam đẹp trai, Ánh Viên được các tay bơi nữ khác nói sẽ mai mối. Nhưng cô lại trả lời: "Đẹp trai nhìn ai cũng thích, nhưng tôi thích người Việt Nam của tôi hơn, bởi hàng Việt Nam luôn chất lượng cao...".

Dẫu biết nữ kình ngư tếu táo hài hước vậy nhưng thực tế, câu chuyện "hàng Việt Nam luôn chất lượng cao" gần đây có vẻ không được người tiêu dùng đánh giá một cách đồng nhất. Nhất là khi thương hiệu VinFast xuất hiện chỉ ngay sau Bphone.

Bphone 2 – VinFast: Cái nhìn trái chiều của dư luận

Bphone 2 từ khi manh nha ra đời đến sau buổi giới thiệu sản phẩm rầm rộ đã chia dư luận ra làm hai hướng: kẻ ủng hộ, người hoài nghi. Phe ủng hộ giương cao tinh thần người Việt dùng hàng Việt, phe hoài nghi "ném đá" về mức giá, về lòng tin... Dư luận được phen “dậy sóng”, tới mức CEO Nguyễn Tử Quảng phải thừa nhận "đọc cả trăm trang bình luận trên các diễn đàn, đọc hết từng dòng một, đến mức bị stress vì những lời chỉ trích".

CEO Nguyễn Tử Quảng đã rất can đảm khi tiếp tục với dự án BPhone 2. (Ảnh: CafeF) 

Những ý kiến hoài nghi không phải không có cơ sở. Trước khi có Bphone 2, Bkav đã từng giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm Bphone đời đầu vào năm 2015 nhưng... sản phẩm không mấy thành công. Chưa kể, Bphone 2 được giới thiệu với giá gần 10 triệu đồng/chiếc, tương đương mức giá của Samsung Galaxy Note 5, iPhone 6 32GB - những thương hiệu ngoại tầm cao.

Nhìn ngang, một thương hiệu Việt khác là Asanzo cũng trình làng chiếc smartphone Asanzo Z5 đánh vào phân khúc bình dân. Với cấu hình cơ bản tương đương Bphone 2, Asanzo Z5 có mức giá chưa tới 5 triệu đồng, chỉ bằng một nửa so với điện thoại của Bkav.

Có lẽ, mức giá không mấy hấp dẫn và từng một lần mất niềm tin là điều khiến người tiêu dùng hoài nghi về một thương hiệu Việt như Bphone 2.

Ngược lại, cũng là một thương hiệu Việt mới ra mắt nhưng VinFast, thương hiệu ô tô, xe máy mới của Tập đoàn Vingroup lại khiến nhiều người đặt kỳ vọng. Có 3 lí do khiến Vinfast được ủng hộ. Một là hướng đến mục tiêu có một thương hiệu quốc gia về ô tô, hai là mở ra cơ hội cho người dân sở hữu ô tô ở mức giá hợp lý và ba là có thể giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 25.000 lao động và qua đó gián tiếp nuôi sống 25.000 hộ gia đình. Với những gì Vingroup thực hiện được ở quy mô lớn trong thời gian qua, người ta tin tưởng vào những gì ông Phạm Nhật Vượng đã và sẽ làm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ khởi công tổ hợp nhà máy VinFast. 

Phát biểu tại Lễ khởi công tổ hợp nhà máy, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đây là một trong những sự kiện có ý nghĩa kỷ niệm 72 năm Quốc khánh 2/9.

Thủ tướng gọi VinFast là "một thương hiệu ô tô quốc gia" và cho rằng việc có thương hiệu sản phẩm quốc gia rất quan trọng. Thủ tướng cũng hoan nghênh tiến độ mà nhà đầu tư đưa ra, là đến tháng 9/2018 có sản phẩm xe máy điện và đến năm 2019 - 2020 có chiếc ô tô đầu tiên mang thương hiệu VinFast. Tiến độ này được xem là kỳ tích.

Dự án có tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu ước tính từ 1-1,5 tỷ USD. Vingroup đã ký thỏa thuận về thu xếp vốn với Ngân hàng Đầu tư Quốc tế Credit Suisse, theo đó, Credit Suisse sẵn sàng thu xếp cho Vingroup một khoản tín dụng ban đầu là 800 triệu USD, và có thể tăng lên theo nhu cầu phát triển của VinFast.

Thủ tướng nói, trong xu thế hội nhập quốc tế của đất nước, khi thu nhập bình quân của người dân tăng lên, nhu cầu sử dụng ô tô sẽ phổ biến. Cho biết, theo xu hướng thế giới, những nước có trên 50 triệu dân thường có thương hiệu ô tô quốc gia, Thủ tướng nhắc đến câu chuyện trong khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu, Tổng thống Mỹ khi đó là ông Barack Obama đã đến thăm nhà máy GM và quyết định chi ra mấy tỷ USD để giữ thương hiệu ô tô này.

Thủ tướng nhấn mạnh Đảng, Nhà nước có chủ trương xây dựng nền kinh tế độc lập tự chủ trong thế giới đầy biến động thì việc có thương hiệu sản phẩm quốc gia rất quan trọng.

Nói về dự án này, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết 20 năm về trước, các dự án khu đô thị hay thậm chí chỉ là một cao ốc đầu tư cỡ 10 triệu USD thì chủ đầu tư chắc chắn là các công ty nước ngoài. Khi Vingroup đầu tư vào Vinpearl và các khu đô thị Vinhome thì mỗi người một ý nhưng phần lớn là nhận xét tiêu cực về tính khả thi của những dự án này. Nhưng tới hôm nay, tất cả đều công nhận vai trò của Vingroup và của cá nhân ông Phạm Nhật Vượng trong sứ mệnh thay đổi bộ mặt của các khu đô thị ở Hà Nội cũng như thành phố Hồ Chí Minh.

Tới dự án VinFast, ông Hưng cũng lại nghe nhiều bình luận đầy nghi ngại về tính khả thi của giấc mơ ô tô thương hiệu Việt Nam. Tuy nhiên ông Hưng nhấn mạnh, để thu xếp vốn cho những dự án này, các ngân hàng nước ngoài với đội ngũ chuyên gia có kiến thức chuyên môn đã thẩm định tính khả thi và đánh giá rủi ro cả về tài chính, kỹ thuật của dự án trước khi họ cam kết cấp tín dụng. "Chắc chắn họ không nghi ngại như rất nhiều người trong chúng ta, họ tin dự án sẽ khả thi".

Chủ tịch SSI cũng thừa nhận VinFast sẽ còn rất nhiều việc phải làm, nhiều trở ngại khó khăn đang chờ phía trước và chắc chắn "mưu sự tại nhân" còn "thành sự tại thiên" nhưng nếu không có người mưu sự thì chẳng khi nào có thành sự cả.

"Đất nước cần những người như ông Phạm Nhật Vượng để có thể hy vọng về ngành công nghiệp ô tô Việt Nam trong tương lai và chúng ta những người không có cơ hội trực tiếp thực hiện sứ mệnh này thì cách ủng hộ trước tiên là không ném đá. Thực sự những người như ông Phạm Nhật Vượng, họ biết rất rõ họ đang và sẽ cần làm những gì", ông Hưng nói.

Không chỉ vậy, nhiều nhà đầu tư còn bày tỏ sự kỳ vọng về tương lai của VinFast. Thậm chí, một nhà đầu tư lâu năm còn hào hứng nói, nếu Vingroup tiến hành IPO VinFast, ông sẽ mua ngay không chút do dự.

Tất nhiên, làm ô tô không phải chuyện ngày một ngày hai. BMW, Toyota đã có lịch sử ra đời hàng trăm năm mới có chỗ đứng trên thị trường. Theo ông Nguyễn Việt Quang – Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, có thể thời gian đầu khi chưa có nguồn thu từ xuất khẩu, trong khi đó, số lượng bán trong nước chưa thể nhiều, VinFast có thể chưa có lợi nhuận. Tuy nhiên, sau 5-10 năm, khi mức tiêu dùng của người dân được khả quan hơn, chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ VinFast sẽ làm được những điều mà các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc đã làm được vài chục năm trước đây.

Sự xuất hiện của những “bigname”

Viết về dự án VinFast, Bloomberg dẫn câu trả lời của bà Lê Thị Thu Thủy về biên bản ghi nhớ với ngân hàng đầu tư Credit Suisse AG về khoản vay 800 triệu USD. Bà Thủy được giới thiệu với chức danh Phó Chủ tịch HĐQT Vingroup. Hiện tại, Vingroup chưa công bố thông tin về việc bổ nhiệm lại bà Thủy nhưng thực sự, bà Thủy không phải nhân vật gì xa lạ.

Bà Lê Thị Thu Thủy từng là Tổng Giám đốc Vingroup năm 2012, được bổ nhiệm ngày 14/6. Sau đó tới năm 2014, bà thôi nhiệm vị trí này và cả chức danh Phó Chủ tịch Tập đoàn.

Bà Thủy từng làm việc tại Chương trình tín dụng của Ủy ban Châu Âu tại Việt Nam từ năm 1996 tới năm 1998, giữ chức Phó Chủ tịch ngân hàng đầu tư của Lehman Brothers tại thị trường Nhật, Thái Lan và Singapore giai đoạn 2000 - 2008.

Tại Vingroup, bà được bổ nhiệm làm trưởng ban đầu tư từ tháng 11/2008 và làm Phó Chủ tịch HĐQT từ tháng 11/2011. Bà có bằng cử nhân kinh tế trường ĐH Ngoại thương Hà Nội và thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) và Chứng chỉ chuyên gia phân tích đầu tư tài chính (CFA). 

Ngoài bà Thủy, mới đây, trên trang cá nhân Linkedin, ông Võ Quang Huệ, Tổng Giám đốc Bosch Việt Nam cho biết đã thôi việc và chuyển sang làm Phó Tổng Giám đốc ngành Ô tô, giám sát dự án VinFast. Cùng lúc đó, trên website của Bosch Việt Nam cũng có thông báo thay đổi nhân sự khi ông Võ Quang Huệ từ chức Tổng Giám đốc và người thay thế là ông Guru Mallikarjuna.

Ông Huệ đã làm việc cho Bosch trong suốt 11 năm qua, xây dựng Bosch Việt Nam từ một văn phòng đại diện ở TP HCM phát triển lên hơn 3.300 công ty liên kết. Công ty hiện đã hoạt động trong cả 4 lĩnh vực gồm Nghiên cứu - phát triển, sản xuất, bán hàng và dịch vụ.

Tại Việt Nam, Bosch có các ngành hàng kinh doanh: Phụ tùng và Thiết bị Ô tô; Điện tử Ô tô và Xe máy; Kỹ thuật Truyền động và Điều khiển; Kỹ thuật Đóng gói; Dụng cụ Điện cầm tay; Hệ thống An ninh. Bosch Việt Nam cũng vận hành một trung tâm Nghiên cứu - Phát triển Công nghệ và các giải pháp doanh nghiệp cùng Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển Công nghệ Ô tô.

Ông Huệ tin tưởng việc gia nhập VinFast sẽ là một bước tiến thú vị trong việc theo đuổi ước mơ đưa Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ nổi bật trong khu vực ASEAN.

Ông Phan Lê Thành Long, Giám đốc Viện Kế toán Quản trị Công chứng Úc (CMA Australia) tại Việt Nam khi bình luận về dự án VinFast có lưu ý, từ gần 10 năm nay, Vingroup nổi tiếng về việc "săn đầu người". Những người giỏi nhất được cho là quy tụ về đây. Để làm dự án này, VinFast khắc phục điểm yếu kinh nghiệm bằng cách câu những người tài nhất để tạo năng lực cốt lõi cho mình. Họ có uy tín khi thành công trong BĐS, và nhất là thành công trong "câu người", nên ông Long tin và hi vọng họ sẽ thành công.

Ông Long thấy ở con người của Vingroup một tinh thần phục vụ và một tinh thần khởi nghiệp, mà lại của những người giỏi. Đó là tại sao khi Vingroup "khởi nghiệp" được xã hội ủng hộ.

 Theo: Khổng Chiêm, CafeBiz 

 

CEO Bkav : Chúng tôi làm BPhone không phải vì kinh doanh

(Techz.vn) CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết, Bkav sản xuất BPhone không phải vì mục đích kinh doanh, mà họ làm vì niềm đam mê.