DeFi - Tài chính phi tập trung được mô tả là một nền tảng tài chính do chính người tham gia mạng lưới quyết định, không phụ thuộc vào quyết định của tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính như ngân hàng. Theo đó với các sản phẩm đưa ra của các định chế tài chính, nếu có trung gian thì bên trung gian đó sẽ chỉ kết nối người muốn sử dụng dịch vụ với nhau mà không nắm giữ tiền của khách hàng, đồng thời sẽ cân đối dòng tiền cho những mục đích khác nhau của hệ thống. Để hiểu chi tiết hơn về DeFi, chúng ta có thể so sánh giữa tài chính tập trung (CeFi - Centralized Finance) và tài chính phi tập trung (DeFi – Decentralized Finance).
Trong CeFi các thành phần như tổ chức, thị trường giao dịch hay các công cụ đều được quản lý tập trung. CeFi luôn đi kèm với cụm từ “Custodial" hay uỷ thác. Tức là các tài sản, sản phẩm, dịch vụ tài chính sẽ được ủy thác cho tổ chức nào đó. Ví dụ, chúng ta gửi tiền vào ngân hàng thì tiền đó được uỷ thác cho ngân hàng nắm giữ. Trong tài chính tập trung CeFi gồm các thành phần: các tổ chức, có thể là chính phủ, các ngân hàng trung ương, ngân hàng tư nhân, quỹ, các dịch vụ tài chính, quỹ phòng hộ, quỹ hưu trí...; thị trường: như sàn giao dịch chứng khoán Việt Nam, NASDAQ... và các công cụ tài chính: các sản phẩm phái sinh, các khoản vay, cổ phiếu, nợ... Hạn chế rất lớn của tài chính truyền thống đó là tính tập quyền hay tập trung quyền lực. DeFi chính là giải pháp cho việc này.
DeFi là nền tài chính phi tập trung (hay tài chính mở) tận dụng sức mạnh của công nghệ blockchain. Trong đó, các tổ chức, thị trường hay các công cụ tài chính được quản lý phi tập trung. DeFi luôn đi kèm với cụm từ "Non-Custodial" tức là không mang tính ủy thác. Tài chính phi tập trung có 3 đặc điểm chính là Permissionless (tính không cần sự cho phép): tức là bất kỳ ai ở bất kỳ đâu, vào thời điểm nào cũng có thể truy cập và sử dụng các sản phẩm, dịch vụ DeFi mà không bị phân quyền, hoặc bị hạn chế quyền bởi bất kỳ ai; Trustless (tính phi tín nhiệm): tức là các bên tham gia không cần phải đặt niềm tin về uy tín của nhau dựa trên hợp đồng thông minh (smartcontract); Transparency (tính minh bạch).
Các ngân hàng thường nhận lãi tiền gửi của người gửi tiền theo các kỳ hạn khác nhau để dùng tiền đó cho các mục đích cho vay và đầu tư, dựa trên cơ sở thẩm định người muốn nhận tiền và ăn chênh lệch lãi suất trên đó. Thường thì mức lãi suất dao động từ 4-8% cao hơn so với lãi suất huy động, để bảo đảm chi trả cho các hệ thống nhân sự, đại lý và mở rộng hệ thống. Song với DEFI, Ngân hàng ko trực tiếp huy động tiền để điều chuyển dòng tiền cho các mục đích của mình thông qua thẩm định nhu cầu của từng dự án hoặc nhu cầu vay của khách hàng. Thay vào đó, người gửi tiền trực tiếp chuyển tiền cho người có nhu cầu vay tiền thông qua mạng lưới các điều kiện và hợp đồng thông minh (smartcontract) định hình sẵn cho người có nhu cầu. Định chế tài chính chỉ là bên cung cấp giải pháp thẩm định và ghép nối những nhu cầu đó với nhau và để có thể giải ngân cho các bên thông qua mạng lưới xác nhận và chuyển đổi thông minh.
Ảnh minh hoạ.
Nói như vậy, thì giá trị của các Ngân hàng và các định chế tài chính sẽ nằm ở đâu khi áp dụng DeFi, ai là người sẽ kiểm soát dòng tiền và phòng chống việc sử dụng tiền một cách hợp pháp trên thế giới?
Việc ra đời DeFi đã làm lúng túng hệ thống ngân hàng và các định chế tài chính truyền thống bởi 2 lý do:
Thứ nhất, họ đã có mạng lưới quá lớn để có thể chuyển đổi từ công nghệ tập trung đang áp dụng. Quy trình, nguồn lực con người, cơ sở vật chất và cả quy định pháp luật tại nhiều quốc gia đều được xây dựng cho mục đích huy động đồng tiền từ người không sử dụng, sau đó uỷ thác cho một định chế tài chính. Định chế này toàn quyền quyết định việc sẽ cho ai vay và sẽ có quy định thế nào đối với người có nhu cầu vay tiền. Họ tạo ra một loạt các tiêu chuẩn riêng của mình nhằm có quyền quyết định việc sử dụng nguồn lực to lớn của xã hội cho một nhóm nào đó. Rủi ro lớn sẽ xảy ra khi có quyết định sai lầm của cá nhân hay một nhóm cá nhân trong quá trình thẩm định và đầu tư dự án.
Thứ hai, DeFi làm cho hệ thống ngân hàng mất đi giá trị chênh lệch giữa nguồn lực nội tại của quốc gia này với quốc gia khác trên cơ sở tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền quốc gia. Những đồng tiền này được bảo hộ bởi nhà nước và được tăng hay giảm giá theo từng chu kỳ khác nhau. Chúng ta còn nhớ, Trung Quốc đã từng phản đối tiền điện tử. Họ cho rằng, tiền điện tử sẽ làm ảnh hưởng đến nền kinh tế độc quyền của mình. Lý do bởi đồng Nhân dân tệ được sử dụng cho hơn 1,4 tỷ người tại đại lục và là đồng tiền dùng cho cán cân thanh toán lớn thứ 2 trên thế giới sau USD. Hành động ban đầu của Bắc Kinh là cấm những đơn vị ra mắt tiền điện tử, kể cả với những đồng tiền được tạo ra nhằm sử dụng cho hệ sinh thái riêng của doanh nghiệp. Mục đích chính của hành động này là để bảo vệ quyền lợi của chính quyền. Vì đây là Nhân dân tệ là nguồn lợi vô cùng to lớn khi có đến 1/3 thế giới phải dùng nó trong các giao dịch. Khi áp dụng DeFi thì tỷ giá hối đoái giữa các đồng tiền không phụ thuộc vào chính phủ và các hạn ngạch thương mại giữa các chính phủ. Vì thế, làm mất đi nguồn thu của chính phủ và thay đổi các giá trị lâu đời của Ngân hàng trung ương cũng như các định chế tài chính tập trung quyền lực.
Song, ngay sau quá trình nghiên cứu, giải pháp của các chính phủ đã đi về hướng chấp thuận DeFi mà vẫn giữ được giá trị điều hướng của mình đối với đồng tiền bản địa. Đó là cách mà Trung Quốc đã phát hành đồng tiền điện tử riêng của mình, áp dụng cho việc hoán đổi và chuyển đổi giữa các đồng tiền khác nhau khi tham gia giao dịch trên các thị trường. Hiện tiền điện tử đã được áp dụng thử nghiệm tại 4 thành phố lớn của Trung Quốc. Trung Quốc đã đi sau Mỹ và Nga, Mỹ đã tận dụng công nghệ blockchain để cho ra đồng USDT làm cán cân chuyển đổi cho tất cả các token và coin trên thị trường. Vào tháng 7 vừa qua, Nga đã thừa nhận giá trị của các tài sản số bao gồm đồng ETH (Ethereum), ETH với công nghệ ERC được hình thành ngay sau Bitcoin.
Như vậy, DeFi chỉ tạo ra khó khăn ban đầu cho các quốc gia và các định chế tài chính. Vì để áp dụng DeFi, họ sẽ phải tập trung vào lĩnh vực chuyển đổi số và quản lý số đối với đồng tiền nội quốc. Nếu mọi đất nước đều tự tạo ra đồng tiền điện tử trên công nghệ riêng của mình để kiểm soát nguồn lực tài chính và sức khoẻ của nền kinh tế, cũng như có những biện pháp định danh bắt buộc cho người dùng ví điện tử - Thì nước nào làm càng sớm sẽ càng nhanh chóng kiếm được nguồn lợi vô giá cho chính quốc gia và doanh nghiệp của mình trên thương trường.
Mới ra đời không lâu nhưng các ứng dụng từ DeFi đã có tổng giá trị vốn hóa lên đến hơn 10 tỷ đô từ các nhà đầu tư với tốc độ tăng trưởng theo cấp số nhân. Xu hướng này đáng để giới nghiên cứu và chính sách tiền tệ quốc gia bắt đầu tham gia thực hiện một cuộc đại phẫu tài chính trên cơ sở mã hoá đồng tiền và dành quyền tự quyết về tài sản cho chính người sở hữu từ bất kỳ quốc gia nào.
Theo đó, DeFi có khả năng sẽ quay lại làm tăng trưởng phát triển của nhóm định chế tài chính truyền thống trước đây. Trí tuệ nhân tạo và nguồn lực công nghệ nội tại thông qua các giao thức dịch vụ đa dạng của DeFi sẽ thay đổi các tổ chức có mạng lưới cồng kềnh với hàng nghìn con người, phải lãng phí đến hàng tỷ USD để xây dựng hệ thống, đào tạo và quản trị nội bộ. Về lâu dài giá trị mà DeFi mang lại sẽ thừa đủ để bù cho những giá trị bị mất đi từ nguồn thu chênh lệch tỷ giá, chênh lệch lãi suất huy động cũng như từ lãi đầu tư cho các dự án đầy rủi ro, được giải ngân trên cơ sở cảm tính tập quyền của nhóm điều hành hay chính sách tập trung phi thị trường của định chế truyền thống.
Cuối cùng, DEFI sẽ không chỉ là xu hướng tài chính cho những kẻ a dua. Nó thực sự là một cuộc đại phẫu, khiến thị trường phải chuyển mình trong lĩnh vực tài chính số. Nó sẽ khiến các quốc gia buộc phải có cái nhìn khác về quản lý kinh tế. Thay vì, quản lý tập trung hãy để cho thị trường tự quyết định, tự cân sức khoẻ kinh tế của mình với những dự án chất lượng và ngành nghề sản xuất chất lượng. Tự khắc GDP hay dòng tiền xã hội sẽ tới. Một định chế với mô hình mới mang những đặc điểm của DeFi sẽ thay thế cho tính tập trung. Đó là các các tổ chức tư vấn định hướng dòng tiền, cung cấp thông tin và thẩm định dự án mang tính cộng đồng. Định chế này sẽ ra đời để giúp người sở hữu tài sản số phi tập trung tự quyết định đồng tiền và giá trị của đồng tiền mình bỏ vào.
Rò rỉ ảnh lễ đính hôn của Công Phượng và ái nữ Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM
(Techz.vn) – Những bức ảnh hiếm trong lễ đính hôn của Công Phượng và Tô Ngọc Viên Minh xuất hiện trên mạng xã hội khiến nhiều người xôn xao.