Khoa học & Đời sống

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người "bình thường", chỉ số IQ thấp, vẫn thành công đấy thôi!

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người

Một lần đi uống cafe Hồ Tây, tôi nghe được cuộc nói chuyện của một nhóm các bạn trẻ ngồi cạnh bàn tôi. Các bạn đang bàn tán về những người "thứ ba" - những người không có mặt ở buổi nói chuyện hôm đó. Trong số những cái tên không có mặt được nhắc đến, tôi ấn tượng nhất với A và B (tôi xin đặt tên cho hai bạn như vậy thay vì tên thật).

"Cái A ngày xưa đi học bình thường thế mà bây giờ lại xin được học bổng đi khắp nơi, thằng B ngày trước học giỏi thế mà bây giờ cũng không có gì đặc biệt". Đó là những nhận xét của nhóm bạn dành cho A và B. Sự ngạc nhiên lúc nào cũng tìm đến tôi mỗi khi tôi nghe những câu nói như thế.

Tôi chột dạ tự hỏi: Thế nào là người "bình thường", thế nào là người "giỏi"? Và quan trọng hơn dựa vào tiêu chí nào chúng nào ta có thể đánh giá một người là "bình thường", và một người khác là "giỏi"? Tại sao mỗi khi một người "bình thường" đi được xa, ta lại ngạc nhiên? Tôi chợt nhận ra rằng những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường đã đóng khung chúng ta trong khái niệm "bình thường", và "giỏi".

Từ cấp một đến cấp ba, chúng ta luôn nâng niu, ưu ái những học sinh giỏi các môn học chính. (Thật lòng đến bây giờ tôi vẫn không hiểu sao ta lại chia ra "môn chính" và "môn phụ", tại sao học thể dục lại không quan trọng bằng học toán? Tại sao học giỏi toán lại được coi là thông minh còn học giỏi địa lý thì lại "bình thường"?)

Những học sinh không đạt tiêu chuẩn này là những người "bình thường". Nói một cách khác, ta đánh giá độ "giỏi" của học sinh dựa trên chỉ số IQ (mà thậm chí chỉ giới hạn ở những môn chính). Và dù sau này có trưởng thành đến đâu ta cũng vô thức sử dụng tiêu chuẩn này như một cơ sở để đánh giá sự thành công của người đó trong tương lai. Chính vì thế, ta mới hay có những nhận xét như "Ngày xưa nó học bình thường thôi mà bây giờ lại làm được những việc như thế".

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người bình thường, chỉ số IQ thấp, vẫn thành công đấy thôi! - Ảnh 1.

Tuy nhiên, đôi khi những người "bình thường" lại sở hữu nhiều yếu tố mà người được cho là "giỏi" lại không có. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chỉ số thông minh cảm xúc, khả năng giao tiếp, tương tác với người xung quanh, tính cần cù, bền bỉ, kiên nhẫn là những phẩm chất quan trọng quyết định một cá nhân có thể tiến xa trong cuộc sống hay không. (Tất nhiên nếu một người vừa có chỉ số IQ cao, lại vừa có những đặc điểm của một người "bình thường" thành công thì người đó sẽ đi được rất xa, và tôi sẽ không bàn đến trong bài viết này).

Những tính chất này của "người bình thường thành công" lại khó được đong đếm và "lượng hoá". Đâu có học bạ nào chấm điểm cho sự cần cù, hay tính bền bỉ phải không?

Tôi rút ra được điều này từ kinh nghiệm làm trợ giảng trong năm đầu nghiên cứu sinh tại Mỹ. Nhiều khi tôi vô cùng ngạc nhiên trước bài viết sắc sảo của những sinh viên mà ban đầu tôi cho là "bình thường". Các em không hay phát biểu trong lớp, và nhìn qua không quá thông minh. Nhưng tôi dần nhận ra các em có một số điểm chung, đó là sự trách nhiệm, tinh thần cầu tiến, chăm chỉ, luôn lắng nghe góp ý của người khác.

Tôi còn ấn tượng bởi cách giao tiếp lịch sự và khéo léo của các em (thật sự trải nghiệm đáng nhớ nhất của một trợ giảng là được nói chuyện với sinh viên của mình). Meggie và Mary, hai cô bạn thân cùng học lớp Nhập môn Chính trị học so sánh, là hai trong số sinh viên để lại trong tôi nhiều ấn tượng nhất.

Hai em dường như không quá nổi bật trên lớp, bài luận nháp cuối kỳ đầu tiên của các em cũng không quá xuất sắc. (Theo yêu cầu của khoá học, sinh viên được khuyến khích nộp bản nháp để chúng tôi góp ý trước khi nộp bài hoàn chỉnh). Nhưng tôi thấy ở hai em tinh thần ham học hỏi, sự nỗ lực và quyết tâm.

Dựa trên gợi ý của tôi, các em sửa lại bài viết rất cẩn thận. Mỗi một bản nháp mới là một bước tiến vượt bậc so với bản cũ. Và bài luận cuối cùng của Maggie và Mary thật sự xuất sắc. Giáo sư và tôi đều cho rằng, với tính cách này, hai em sẽ đi được rất xa trong cuộc sống.

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người bình thường, chỉ số IQ thấp, vẫn thành công đấy thôi! - Ảnh 2.

Tôi nhận thấy thật sai lầm khi đánh giá sự "giỏi" của học sinh dựa trên khả năng học một số môn nhất định. Cách đánh giá này khiến các em được cho là "giỏi" không chú ý đến, hoặc thậm chí xem thường những đặc điểm của những bạn được cho là "bình thường".

Ví dụ, tôi lúc nào cũng mở to mắt kinh ngạc trước những nhận xét như thế này từ các sinh viên và thậm chí là các bậc phụ huynh: "Con gái tôi thi đỗ ĐH điểm cao lắm, mà nó… lười lắm, có học mấy đâu?", "Em lười lắm, chả học bao giờ nhưng thi đâu đỗ đấy, "Em chuẩn bị hồ sơ học bổng trong có mấy ngày, mà may mắn là đậu" hay "Nó chỉ được cái chăm chỉ mà thôi".

Có lần tôi còn đọc được bài phỏng vấn một du học sinh Mỹ trên mạng. Em kể, trước kỳ thi các bạn cùng lớp học ngày học đêm, em không học mấy mà vẫn được điểm cao nhất lớp. Tôi "kinh hãi" khi đọc comment của các bạn dành cho em "Giỏi quá, xuất sắc quá", "Người Việt Nam thật thông minh". Tôi tự hỏi những lời tự khen như thế nhằm mục đích gì?

Thế mới biết xã hội vẫn còn có cái nhìn lệch lạc về sự giỏi và chưa đánh giá đúng những phẩm chất của một người "bình thường thành công". Tôi chưa thể gọi là thành công, và tôi vẫn đang miệt mài thu thập thêm kinh nghiệm sống cho bản thân, nhưng tôi có thể tự tin nói rằng: Không thành tựu nào chỉ đến từ sự "giỏi" mà thôi, mọi bước tiến dù ngắn cũng cần đến sự nỗ lực, bền bỉ và nhiều yếu tố khác.

Nhiều người nói rằng sinh viên PhD toàn là những người IQ rất cao, nhưng sự thật không phải thế. Tất nhiên bạn cũng cần thông minh một chút nhưng yếu tố để làm PhD thành công vẫn là sự bền bỉ, nỗ lực, và khả năng làm việc độc lập. Nếu cha mẹ vẫn còn tự hào là con "giỏi" mà lười thì chắc chắn sẽ làm hại con. Nó sẽ quá tự tin vào năng lực của mình, và sẽ dễ dàng chán nản, bỏ cuộc khi phải làm những việc cần nhiều tố chất của một người "bình thường thành công".

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người bình thường, chỉ số IQ thấp, vẫn thành công đấy thôi! - Ảnh 3.

Lại nữa, bạn hãy suy ngẫm kỹ khi nghe ai đó nói "X thật may mắn, không thông minh lắm nhưng lại đi được xa". Trước đây, tôi sẽ nuốt trôi câu nhận xét đó không một chút hoài nghi, nhưng bây giờ tôi sẽ vặn lại người nói "Thế nào là thông minh và thế nào là không thông minh".

Có phải người nói vẫn sử dụng khái niệm thông minh truyền thống (IQ, các môn học chính, vân vân) để đánh giá một người. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng có tất cả chín loại trí thông minh: trí thông minh ngôn ngữ, trí thông minh logic - toán học, trí thông minh vận động cơ thể, trí thông minh không gian, trí thông minh tương tác (giỏi tương tác, giao tiếp với những người xung quanh), trí thông minh nội tâm (khả năng khám phá chiều sâu bản thân), trí thông minh về tự nhiên (khả năng nhận biết và phân loại thực vật, động vật trong tự nhiên), trí thông minh hiện sinh (giỏi triết học, tư tưởng).

Vì vậy, đằng sau một người có vẻ không thông minh theo quan điểm truyền thống, biết đâu lại là một người khéo léo khi tương tác với người xung quanh, một người nhạy cảm trong sử dụng ngôn ngữ khi giao tiếp (nói và viết), một người yêu và hiểu thế giới tự nhiên. Và biết đâu chính sự thông minh "phi truyền thống" này mà họ có thể đi được rất xa trong cuộc sống. Chính vì sự đa dạng này, mà tôi luôn tin rằng thông minh/giỏi, hay "bình thường" là một khái niệm rất tương đối.

Chỉ cần thay đổi cách nhìn thì ta sẽ thấy một người mà ta cho là chỉ "bình thường" lại "giỏi" một cách kỳ lạ. Cũng chính vì sự đa dạng này, mà tôi tin rằng mỗi cá nhân đều có một khả năng nào đó, nếu được đặt vào đúng môi trường, hoàn cảnh, họ có thể toả sáng. Và tôi cũng mang theo quan điểm này khi tiếp xúc và hướng dẫn sinh viên của mình. Nếu tôi khăng khăng ôm quan niệm truyền thống, có thể tôi đã không nhận ra rằng Meggie và Mary có những đức tính thật đáng quý, và hai cô bé có thể tiến được rất xa trong tương lai.

Tại sao học tốt môn Thể dục lại không được coi là học sinh giỏi: Một người bình thường, chỉ số IQ thấp, vẫn thành công đấy thôi! - Ảnh 4.

Vì thích chia sẻ trải nghiệm du học trên trang blog cá nhân, mà nhiều bạn lầm tưởng tôi là một người rất… giỏi. Thật lòng, tôi là một người rất bình thường. Tôi chưa bao giờ là người giỏi nhất trong bất cứ hoàn cảnh nào. Và tin tôi đi, bạn không cần là một người giỏi nhất để đạt được học bổng hay bất cứ thành công nào. Nhưng chắc chắn bạn phải là người cố gắng, chăm chỉ, và ham học hỏi nhất!

Vậy nếu bạn là một người trẻ, một người "bình thường" từ bé đến lớn, và đang hoang mang liệu mình có thể tiến xa trong tương lai hay không, hãy cố gắng phát huy những đức tính của một người "bình thường" thành công. Tôi tin bạn sẽ làm được!

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

Hiện tại nếu bạn chưa thành công thì đừng trách bộ não không đủ giỏi giang, hãy trách bản thân kém nhạy bén với những điều này!

(Techz.vn) Lúc bản thân chưa hoàn thành deadline, bạn bắt đầu lo lắng, nhưng vấn đề là bạn vẫn không muốn hành động.