Doanh nghiệp

'Nội chiến' Trung Nguyên được tòa Singapore xử ra sao?

'Nội chiến' Trung Nguyên được tòa Singapore xử ra sao?

Chiều 13/8, sau nhiều năm vắng bóng, Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ, đã xuất hiện trong buổi cà phê với báo giới kéo dài hơn 3 giờ.

Trong phần chia sẻ, một trong những điểm ông Vũ nêu liên quan đến vợ ông, bà Lê Hoàng Diệp Thảo, là việc ông cho rằng bà giả mạo chữ ký, bán toàn bộ cổ phần công ty ở Singapore lấy 1 đôla Singapore.

Chúng tôi lần dở hồ sơ của Tòa án Tối cao Singapore để hiểu thêm về vụ việc này. 

Ông Vũ kiện bà Thảo giả chữ ký, trộm con dấu

Quyết định của tòa án Singapore được đưa ra ngày 21/11/2016. Trung tâm của vụ kiện do Tòa án Tối cao Singapore thụ lý chính là tranh chấp cổ phần giữa nguyên đơn là Tập đoàn Trung Nguyên, do ông Đặng Lê Nguyên Vũ là đại diện. Bị đơn là Công ty TNHH Trung Nguyen International (Singapore), cá nhân bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vợ ông Vũ, và là người chịu trách nhiệm pháp lý của doanh nghiệp này, và một số cá nhân khác.

Cuối năm 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ và Trung Nguyên lần đầu đệ đơn lên tòa án Singapore, kiện bà Thảo giao dịch trái phép cổ phiếu của ông Vũ.

Theo văn bản của tòa, ngày 26/11/2015, ông Vũ và Trung Nguyên đệ trình đơn kiện lên tòa án, tố cáo bà Thảo đã chuyển giao trái phép và gian lận số lượng 7.520.800 cổ phiếu của ông Vũ.

Ngày 29/3/2016, trong văn bản bổ sung, ông Vũ cho biết sai phạm trên của bà Thảo đã gây nhiều thiệt hại phát sinh cho nguyên đơn và các bên liên quan.

Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ cho rằng giao dịch chuyển nhượng cổ phiếu này là phi pháp.

Cụ thể, trong khoảng thời gian từ ngày 8/7 đến ngày 10/7, chữ ký của ông Vũ trên giao dịch cổ phiếu đã bị giả mạo bởi một trong (hoặc cả) ba người liên quan, gồm có bà Lê Hoàng Diệp Thảo.

Đơn kiện tố cáo rằng ngày 8/7/2015, bà Thảo đã gửi một đơn chuyển nhượng cổ phần để trống từ Singapore về Việt Nam cho bị đơn khác, là Lê Thị Cẩm Tú, rồi nhờ bị đơn này đóng dấu bằng con dấu của ông Vũ mà không được phép.

Sau đó Tú đã chuyển mẫu đơn đã đóng dấu về Singapore cho bà Thảo. Bà này sau đó dùng mẫu đơn để thực hiện giao dịch cổ phần dưới danh nghĩa người mua, có sự làm chứng của Đoàn Thị Ánh Tuyết, một công dân Singapore.

Tuy nhiên, chính bà Tuyết cũng thừa nhận không đích thân nhìn thấy ông Vũ ký vào mẫu đơn chuyển nhượng.

Bên cạnh việc tố giao dịch cổ phiếu bất hợp pháp, ông Vũ cũng tố cáo bà Thảo vi phạm hợp đồng kinh doanh giữa hai bên trong lĩnh vực cà phê, gây ra nhiều thiệt hại cho ông và những bên liên quan.

Bà Thảo bị ông Vũ tố cáo sử dụng sai 15 con dấu bị đánh cấp, gây nhiều thiệt hại cho Trung Nguyên. Ảnh: Hoàng Hà.

Đồng thời, ông Vũ còn cho rằng bà Thảo đã trộm con dấu của của ông Vũ, Tập đoàn Trung Nguyên và các công ty con, công ty liên kết (15 con dấu) và giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vào ngày 16/10/2015.

Ông cáo buộc bà Thảo sử dụng sai những con dấu bị đánh cắp này, để bổ nhiệm mình làm Phó chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc của Tập đoàn Trung Nguyên và Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên, một cổ đông nắm 70% cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên. 

Đồng thời bà Thảo đã sử dụng con dấu của Cà phê hòa tan Trung Nguyên để phá vỡ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp này, bằng cách đóng cửa hai nhà máy từ ngày 9/11/2015 đến ngày 12/11/2015 và vào tháng 3/2016, cấm nhân viên chủ chốt vào nhà máy và cản trở việc giao hàng.

Ông Vũ yêu cầu được bồi thường, bao gồm giá trị cổ phần đã được giao dịch, số tiền chuyển sai sang cho Công ty TNHH Trung Nguyen International (Singapore) và số tiền mà họ có thể yêu cầu hoàn thuế. Ông cũng đề nghị bồi hoàn cho những thiệt hại liên quan đến sản xuất kinh doanh gây ra bởi những sai phạm mà ông cáo buộc bà Thảo.

Lịch sử cổ phần tranh chấp ra sao?

Theo văn bản của tòa án Singapore, số cổ phần trên của Tập đoàn Trung Nguyên và cá nhân ông Đặng Lê Nguyên Vũ ban đầu được nắm giữ bởi bà Thảo, khi Trung Nguyen Internatioanl (Singapore) mới được thành lập vào năm 2008.

Suốt những năm ông Vũ vắng bóng cũng là thời điểm vợ chồng ông đối diện với hàng loạt lùm xùm, tranh chấp.

Sau đó, theo Trung Nguyên và ông Vũ, vào ngày 11/1/2011, bà Thảo đã chuyển nhượng số cổ phần trên cho ông Vũ, với giá 372.000 USD. Việc chuyển giao cổ phần được hoàn thành vào ngày 23/1/2013, với kết quả là nguyên đơn nắm giữ 520.800 cổ phần phổ thông.

Vào tháng 8/2014, tổng lượng cổ phần của doanh nghiệp tăng lên 7.520.800 cổ phần, với ông Đặng Lê Nguyên Vũ là cổ đông duy nhất.

Ngày 10/7/2015, một văn bản chuyển nhượng cổ phần đã được nộp cho Cục quản lý doanh nghiệp và kế toán Singapore (ACRA), để thực hiện chuyển giao 7.520.800 cổ phần phổ thông trên cho bà Thảo.

Trong khi đó, Tòa án Cấp cao Singapore dẫn thông tin từ bà Thảo, cho biết tòa cần lưu tâm về các tiến trình tố tụng đang diễn ra tại Việt Nam.

Theo đó, bà Thảo đã tiến hành các thủ tục ở Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), về việc chuyển giao 520.800 cổ phần của Tập đoàn Trung Nguyên vào năm 2011 là không hợp lệ, do thiếu giấy tờ cần thiết từ Bộ Kế hoạch Đầu tư.

Bà Thảo cũng tiến hành các thủ tục tố tụng dân sự tại Tòa án TP.HCM để vô hiệu hóa việc chuyển giao cổ phần này. 

Tuy nhiên tòa án Singapore cũng lưu ý việc bà Thảo tiến hành các thủ tục trọng tài và tố tụng tương đối muộn.

Với thủ tục trọng tài, bà Thảo làm việc với VIAC từ ngày 9/6/2016, hơn nửa năm sau khi Tập đoàn Trung Nguyên và ông Vũ gửi đơn kiện, yêu cầu bà Thảo trả lại cổ phần. 

Tòa án Singapore đã kết luận ra sao?

Tòa án Tối cao Singapore kết luận do vụ việc có nhiều tình tiết xảy ra tại Việt Nam, nhiều tranh chấp đang được giải quyết tại Việt Nam, cũng như phần lớn các bên liên quan đều ở Việt Nam, nên tòa án Việt Nam sẽ là nơi thích hợp hơn để hai bên giải quyết xung đột.

Giữa những căng thẳng, tranh chấp, bà Thảo luôn cho rằng mình có tình yêu với Trung Nguyên. Ảnh: Hoàng Hà.

Đặc biệt, tòa án Singapore xem xét một điểm được bà Thảo đưa ra, rằng vụ kiện này chỉ là một phần trong toàn bộ tranh chấp lớn hơn giữa hai vợ chồng Đặng Lê Nguyên Vũ và Lê Hoàng Diệp Thảo.

Cùng thời điểm, tại Việt Nam, nhiều thủ tục tố tụng đang tiến hành, liên quan đến tranh chấp của hai bên, bao gồm vụ ly hôn giữa ông Vũ và bà Thảo; vụ kiện bà Thảo chiếm đoạt con dấu; vụ kiện về miễn nhiệm trái luật với bà Thảo ở Trung Nguyên...

Tòa Singapore chỉ ra một nguy cơ về mâu thuẫn với quá trình thu thập chứng cứ, điều tra và kết luận đang tiến hành tại Việt Nam. 

Tuy nhiên, một trong hai bị đơn là một công ty Singapore (Công ty TNHH Trung Nguyen International), luật pháp Việt Nam sẽ không có thẩm quyền với công ty này, nên tòa sẽ bảo lưu hồ sơ vụ kiện.

Tòa Singapore sẽ mở lại để giải quyết tranh chấp phụ thuộc vào quá trình của các vụ việc, liên quan được phân xử tại tòa Việt Nam.

Riêng với phần cổ phần đã được chuyển giao sang bà Thảo, tòa Singapore áp dụng biện pháp hạn chế giao dịch, cho tới khi có các kết luận tại tòa Việt Nam.

Theo: Zing.vn

 

Giáo sư ngôn ngữ học giải mã lối xưng hô 'qua' của Đặng Lê Nguyên Vũ

(Techz.vn) Sau 5 năm vắng bóng trên truyền thông, ông Đặng Lê Nguyên Vũ tái xuất và sử dụng ngôn từ lạ lẫm. Vị doanh nhân đang ngầm thể hiện điều gì qua lối xưng hô này?