iPhone 1 SIM để ép người dùng mua hai máy ư? Sai lầm!
Tôi từng có một bài viết trên VnReview đặt vấn đề rằng vì sao Apple không ra mắt iPhone 2 SIM dù việc này hầu như chỉ có lợi cho Apple. Trong bài viết đó tôi cũng đã từng dự báo, trước sau Apple cũng ra iPhone 2 SIM vì áp lực cạnh tranh về doanh số, và thị trường có thể bắt đầu từ Trung Quốc.
Giờ thì, những thông tin "rò rỉ" về thế hệ iPhone 9 sắp ra mắt chạy hệ điều hành iOS 12 được cho rằng có 2 SIM. Như tôi đã từng đề cập, đây là bước đi cần thiết và điều này có thể giúp Apple mạnh hơn để lấy được thêm thị phần từ Android.
Không ít người lâu nay có thể rất muốn dùng iPhone, nhưng vì có đến 2 SIM-số cho nên nếu muốn dùng sản phẩm của "Táo khuyết" thì phải tốn tiền mua đến 2 máy và đồng thời lúc nào cũng mang theo hai thiết bị kè kè bên mình sẽ "lỉnh kỉnh"; thay vào đó, chỉ cần mua một thiết bị flagship của Android 2 SIM là đủ vừa giúp tiết kiệm vừa "gọn gàng".
Nếu Apple đã từng toan tính rằng iPhone chỉ có 1 SIM để khiến những người sử dụng 2 SIM số điện thoại phải mua 2 máy qua đó giúp gia tăng doanh số của hãng thì là một sai lầm. Sự tăng doanh số nếu có nhờ chiêu thức dễ bị cho là "dùng thủ thuật xấu chơi ép người dùng" này sẽ chẳng bằng việc thà cứ ra điện thoại 2 SIM có khi lại gia tăng doanh số tốt hơn. Điện thoại 2 SIM ngày nay đâu chỉ thịnh hành tại thị trường Trung Quốc mà ở cả các quốc gia Châu Á khác nữa trong đó có Ấn Độ đang nổi lên là thị trường smartphone lớn thứ 3 thế giới nhưng Apple đang chỉ chiếm được 1% thị phần, hoàn toàn lép vế trước Samsung, Xiaomi, OPPO, Vivo.
Ngày nay, việc dùng điện thoại 2 SIM đã phổ biến, chí ít để cơ cấu 1 SIM dùng chuyên cho thoại và 1 SIM chuyên dành cho gói cước dữ liệu. Ngay tại một số thị trường như Ấn Độ, Indonesia hay Việt Nam, nếu Apple chính thức cung cấp iPhone 2 SIM, có thể cũng thu hút thêm được không ít khách hàng.
Áp lực từ thị trường Trung Quốc?
Có những phân tích cho rằng Apple phải ra iPhone 2 SIM dành riêng cho thị trường Trung Quốc là vì áp lực cạnh tranh tại thị trường này. Điều đó không phải là không có lí. Một khi điện thoại 2 SIM trở thành thứ "đặc sản" và cũng mang tính đặc thù trong việc sử dụng của người dùng tại Trung Quốc, việc Apple đáp ứng nhu cầu đó là cần thiết, và chỉ có lợi, vừa bán được hàng mà còn giữ được chân những iFAN có 2 SIM-số, thêm nữa còn được người tiêu dùng đánh giá cao.
Trung Quốc lâu nay vẫn được xem là thị trường xương sống của iPhone chỉ xếp sau thị trường Mỹ. Thế nhưng, tại thị trường đông dân nhất thế giới và cũng rất ưa chuộng sản phẩm iPhone này, Apple đang càng ngày càng bị cạnh tranh dữ dội và thị phần đã sụt giảm dần. Theo thống kê của Sigmaintell, trong 6 tháng đầu năm 2018, Apple bán được 31,11 triệu chiếc iPhone tại Trung Quốc, giảm tới 17,8% so với cùng kì năm 2017. Sự "lung lay" này nếu tiếp diễn kéo đến tình trạng giảm sâu hơn nữa chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới doanh số chung của Apple và tác động rất tiêu cực tới giá cổ phiếu của hãng trên thị trường chứng khoán NASDAQ.
Apple phải nhìn vào "tấm gương" Samsung để mà tránh vào "vết xe tử thần". Vào năm 2013, Samsung từng giữ ngôi vị số 1 tại thị trường smartphone Trung Quốc với 20% thị phần. Nhưng đến quí IV/2017, thị phần smartphone của Samsung chỉ còn khoảng 2% tại Trung Quốc và thậm chí còn không lọt vào nổi Top 10. Cũng cần nhắc lại rằng, thời đỉnh cao của Samsung tại thị trường này thì Apple cũng phải "xếp re". Đến khi Samsung "thất sủng", Apple vẫn còn được 8% thị phần. Nếu không biết giữ, Apple có thể là "con mồi" thương hiệu smartphone nước ngoài cuối cùng cho các thương hiệu nội địa như Huawei, Xiaomi, OPPO, Vivo… "nuốt chửng" thị phần còn lại. Muốn vậy, Apple phải từ bỏ tư duy bảo thủ cố hữu đáng ghét của mình rằng "iPhone nói không với 2 SIM" và bằng mọi cách phải trụ lại được tại thị trường màu mỡ thứ hai đối với họ trên hành tinh xanh.
Bớt bảo thủ, Apple sẽ lấy được nhiều hơn…
Apple là vậy, càng được người tiêu dùng tín nhiệm thì lại "bảo hoàng hơn vua". Một Apple chuẩn mực, tinh tế, sắc sảo… luôn song hành với một Apple bảo thủ đến mức đáng ghét ngay từ thời Steve Jobs.
Tim Cook vẫn chưa hết bảo thủ dù ông mềm mại hơn người tiền nhiệm rất nhiều. Hoặc cũng có thể, một mình ông mềm mỏng chưa đủ tự tin đột phá trong cái nôi văn hóa Apple đầy khắc nghiệt và bảo thủ do Steve Jobs để lại, vì thế cần thời gian để bước đi và hóa giải tránh gây sốc. Nếu theo giả thuyết này thì chúng ta thấy Tim Cook đã rất khéo léo khi lèo lái Apple cán mốc doanh nghiệp có vốn hóa 1.000 tỉ USD đầu tiên trên thế giới.
Bằng chứng là Tim Cook đã cởi mở hơn và cũng "phá vỡ" dần sự bảo thủ của người tiền nhiệm: Năm 2015 ông bắt đầu cho ra mắt phiên bản iPhone màu vàng hoàng kim để "chiều lòng" người dùng Châu Á đặc biệt là Trung Quốc, giúp cho doanh số iPhone tại thị trường này tăng trưởng khá mạnh. Tiếp sau đó, Tim Cook mở rộng kích cỡ màn hình từ thế hệ iPhone 6 hợp với xu thế "touch" trên màn hình trong xu thế sử dụng của giới trẻ, nhờ đó iPhone mới có thể "chiến đấu" với Samsung Note và Samsung Galaxy S trong vài năm qua.
Nếu iPhone chỉ loanh quanh với kiểu môtíp kích cỡ màn hình "iPhone 4 kéo dài" thể hiện trên thế hệ iPhone 5 và iPhone 5S, có lẽ "triều đại iPhone" đã sụp đổ từ khá lâu rồi.
Tôi tin Tim Cook đủ uyển chuyển, khéo léo, mềm mại để lèo lái các thiết kế iPhone trong tương lai theo hướng vẫn có sáng tạo nhưng không đẩy lên quá mức gây khó cho bộ phận R&D đồng thời cũng cởi mở hơn về tư duy thiết kế theo cách làm những gì người dùng cần thay vì đa phần thời gian trong 11 năm qua người dùng phải chạy theo những gì Apple làm ra. Tim Cook hoàn toàn dễ dàng nhìn thấy lợi ích từ sự thay đổi này nhưng về mặt chiến lược và chiến thuật cần có tính toán bước đi cho hợp lí để đạt hiệu quả tốt nhất. Và theo động thái đó, tôi nghĩ một ngày nào đó iPhone 2 SIM chính thức cho các thị trường Châu Á khác ngoài Trung Quốc cũng sẽ được ra mắt.
Theo: Vnreview
Bạn nên mua iPhone nào trong số 11 mẫu của Apple?
(Techz.vn) Apple đang có 11 mẫu iPhone khác nhau trên thị trường với giá trải từ tầm trung (6 triệu đồng) cho tới cao cấp (30 triệu đồng).