Nhịp sống số

Giả mạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim lừa đảo người tiêu dùng

Giả mạo siêu thị điện máy Nguyễn Kim lừa đảo người tiêu dùng

Hình ảnh giao diện trang web giả mạo Nguyễn Kim. Ảnh chụp màn hình

Trong thời gian vừa qua, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) tiếp nhận một số phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng về việc có đơn vị giả mạo thương hiệu của các siêu thị điện máy nổi tiếng để thu tiền sửa chữa, bảo hành thiết bị với giá cao.

Cụ thể, như tại website: trungtamdientunguyenkim.com có sử dụng logo của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim, khi liên hệ qua điện thoại, người tiêu dùng được khẳng định đây là trung tâm bảo hành và sửa chữa của Nguyễn Kim.

Do tin tưởng đây là đơn vị bảo hành, sửa chữa của các thương hiệu uy tín nên người tiêu dùng đã mang các thiết bị tới để sửa chữa. Kết quả, giá sửa chữa thường rất cao và sau khi sử dụng được một thời gian thiết bị lại bị hỏng, không được bảo hành.

Khi liên hệ lại với các đơn vị này, người tiêu dùng lại tiếp tục bị báo giá sửa chữa cao cho chính lỗi đã sửa.

Chỉ đến khi người tiêu dùng liên hệ tới một số đơn vị sửa chữa khác để kiểm tra thì mới phát hiện nguyên nhân bị hỏng hoàn toàn khác và chi phí sửa chữa cũng thấp hơn nhiều.

Trên cơ sở nội dung khiếu nại nêu trên, để xác minh thông tin, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng đã làm việc với doanh nghiệp Nguyễn Kim để tìm hiểu trang web tại địa chỉ http://trungtamdientunguyenkim.com nêu trên.

Kết quả xác minh cho thấy trungtamdientunguyenkim.com không phải là trang web của Công ty Cổ phần Thương mại Nguyễn Kim;

Ngoài trang web trên, còn rất nhiều các đơn vị khác giả mạo thương hiệu Nguyễn Kim để trục lợi từ người tiêu dùng. Chi tiết về các trang web này được thống kê cụ thể tại: https://www.nguyenkim.com/thong-tin-canh-bao-tinh-trang-loi-dung-thuong-hieu-nguyen-kim-lua-dao-nguoi-tieu-dung.html.

Ngoài việc giả mạo thương hiệu của siêu thị Nguyễn Kim nêu trên, hiện có rất nhiều địa chỉ website, đơn vị khác đang lợi dụng việc sử dụng thông tin gây nhầm lẫn về thương hiệu, uy tín để lừa đảo người tiêu dùng trong các giao dịch.

Do đó, để tránh bị thiệt hại từ việc giả mạo thương hiệu doanh nghiệp, người tiêu dùng cần lưu ý: khi có nhu cầu sửa chữa, bảo hành thiết bị, nên tham khảo thông tin từ các nguồn tin cậy, có kiểm chứng, ví dụ, thông tin về đơn vị bảo hành, sửa chữa trên phiếu bảo hành do nhà sản xuất cung cấp; gọi điện thoại tới các Trung tâm chăm sóc khách hàng của các thương hiệu lớn để được tư vấn; gọi điện thoại trực tiếp tới siêu thị để được tư vấn…

Khi thực hiện bảo hành, sửa chữa nên yêu cầu doanh nghiệp lập phiếu tiếp nhận bảo hành, sửa chữa, trong đó, mô tả chính xác, đầy đủ tình trạng máy tại thời điểm tiếp nhận.

Trong trường hợp quyền lợi vị xâm phạm, người tiêu dùng có thể thực hiện phản ánh, khiếu nại tới các đơn vị liên quan để bảo vệ quyền lợi: Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công Thương: 25 Ngô Quyền, Q. Hoàn Kiếm, Hà Nội. Email: [email protected]; Tổng đài hỗ trợ, tư vấn người tiêu dùng (miễn phí cước gọi) 1800.6838.

Theo: ictnews.vn 

 

Mỗi ngày Thế Giới Di Động mở thêm 2 siêu thị mới

(Techz.vn) Dù vẫn duy trì tốc độ mở rộng, song quy mô phát triển từng chuỗi siêu thị của Thế Giới Di Động đã có sự thay đổi.