Xe A-Z

5 dự án đường sắt đô thị đội vốn gần 5 tỷ USD

5 dự án đường sắt đô thị đội vốn gần 5 tỷ USD

Tình trạng các dự án - đặc biệt với các dự án đường sắt đô thị - phải điều chỉnh tổng mức đầu tư được Bộ Kế hoạch & Đầu tư nêu tại báo cáo đánh giá hiệu quả sử dụng vốn ODA.

5 dự án đường sắt đô thị xây dựng tại Hà Nội, TP HCM đều nằm trong danh sách bị đội vốn nhiều nhất. Ước tính, tổng vốn đầu tư tăng thêm của số dự án này khoảng 114.740 tỷ đồng, tương đương gần 5 tỷ USD.

"Quy trình, thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư thường mất rất nhiều thời gian, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới tiến độ do phải thẩm định, lấy ý kiến các cơ quan liên quan và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt", Bộ Kế hoạch nhận xét.

Mặt khác, việc thiết kế dự án và phê duyệt thiết kế, đấu thầu thi công... mất trung bình 2 năm kể từ khi ký Hiệp định vay. Trong thời gian này, sự biến động của giá nguyên, nhiên vật liệu và điều chỉnh tăng lương tối thiểu theo quy định, dẫn tới việc tăng tổng mức đầu tư.

Nguyên nhân chính theo Bộ Kế hoạch là giải phóng, bàn giao mặt bằng thi công chậm dẫn tới trượt giá nguyên vật liệu, nhân công, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Bộ Kế hoạch cũng cho rằng, việc tăng khối lượng xây dựng tại các dự án cũng dẫn đến tình trạng đội vốn. Việt Nam hiện chưa có các quy chuẩn, định mức, đơn giá áp dụng cho đường sắt đô thị nên việc xác định tổng mức đầu tư chủ yếu dựa trên suất đầu tư của các công trình tương tự đã và đang xây dựng tại châu Á. Điều này khiến việc tính toán không chính xác, thiếu tin cậy..., dẫn tới phải điều chỉnh tổng mức đầu tư như với các dự án đường sắt đô thị TP HCM tuyến số 1, tuyến số 2. 

Cuối cùng, năng lực tư vấn kém khi đưa ra các giải pháp thiết kế, tính toán chưa chính xác chi phí đầu tư hạng mục cũng là một lý do. Chẳng hạn, tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, quá trình thẩm tra tổng mức đầu tư đã phát hiện nhiều sai sót như sai khối lượng một số hạng mục kết cấu chính như hệ thống cơ điện đội đơn giá 2-7 lần so với dự án tương tự trong khu vực.

Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, với những ưu và nhược điểm của vốn ODA, vốn vay ưu đãi, cần đánh giá hiệu quả việc sử dụng nguồn vốn vay này trong mối quan hệ tổng thể với các nguồn khác, nhất là vay trong nước. “Phải thấy rằng hai nguồn này có tính chất bổ trợ lẫn nhau, không phải cạnh tranh và thay thế nhau. Vấn đề cốt lõi là hiệu quả sử dụng vốn”, Bộ này lưu ý. 

Theo: VNE 

 

Trò chuyện với tài xế Uber “6 sao” đầu tiên ở Việt Nam: Cõng khách vượt qua quãng đường ngập, trong xe lúc nào cũng có sẵn khăn ướt, nước uống, dù phòng bị cho khách

(Techz.vn) “Người tài xế taxi phải có thái độ phục vụ chuyên nghiệp, nhã nhặn, kiên nhẫn. Phải mềm như lạt, mát như nước, chứ chỉ nghĩ đến cái tôi thì không bao giờ làm được”.