Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam, doanh nghiệp sở hữu hãng taxi Vinasun, vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý II với kết quả kinh doanh tiếp đà tăng trưởng.
Trong quý II, Vinasun đạt doanh thu thuần 524 tỷ đồng, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước là 530 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhờ tiết giảm giá vốn hàng bán, chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, Vinasun tăng trưởng lợi nhuận trước thuế tới 125%, đạt mức 36 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinasun ghi nhận doanh thu thuần 1.058 tỷ đồng, tăng 4% so với nửa đầu năm 2018. Trong đó, dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi đóng góp hơn 918 tỷ đồng, cao hơn 6% so với cùng kỳ năm trước.
Vinasun cũng có lợi nhuận 37 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh sau hai quý đầu tiên. Trong khi đó, hãng taxi này hạch toán chỉ tiêu trên lỗ tới 22 tỷ đồngsau 6 tháng đầu năm ngoái. Nếu tính cả năm 2018, Vinasun cũng chỉ thu lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh.
Ở chiều ngược lại, khoản thu từ hoạt động thanh lý tài sản cố định là các taxi cũ của hãng tiếp tục giảm. Nửa đầu năm 2019, Vinasun chỉ thu 16 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định trong khi cùng kỳ 2018 là 30 tỷ đồng. Ngoài ra, hãng vẫn có doanh thu không thay đổi từ hoạt động quảng cáo trên taxi là hơn 20 tỷ đồng.
Doanh thu từ hoạt động kinh doanh chính là vận tải hành khách tăng trưởng trong khi việc thanh lý đội xe giảm dần cho thấy dấu hiệu khả quan trong hoạt động vận hành của Vinasun.
Sau khi trừ các chi phí vận hành, quản lý doanh nghiệp và thuế thu nhập doanh nghiệp, Vinasun báo lãi sau thuế 61 tỷ đồng, cao gấp 2,5 lần so với cùng kỳ bán niên 2018.
So với kế hoạch doanh thu thuần và lãi sau thuế của năm nay, Vinasun đã hoàn thành 49% mục tiêu doanh thu và 61% mục tiêu lợi nhuận.
Sau năm 2018 tụt dốc với kết quả lợi nhuận chạm đáy, hoạt động kinh doanh của Vinasun đang dần trên đà tăng trưởng trở lại. Năm 2018 cũng là thời điểm Vinasun tập trung theo đuổi vụ kiện kéo dài với Grab. Vụ này sau đó được TAND TP.HCM tuyên chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của Vinasun và Grab bị yêu cầu phải bồi thường 4,8 tỷ đồng cho hãng taxi Việt.
Sau đó, cả Vinasun và Grab đều kháng án. Vinasun yêu cầu tòa cấp phúc thẩm buộc Grab phải bồi thường thêm số tiền 36,3 tỷ đồng. Trong khi đó, Grab đề nghị hủy bản án sơ thẩm. VKSND Cấp cao cũng đề nghị TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm theo hướng sửa bản án sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun. Vụ kiện đến nay chưa được mở lại.
Theo: Zing.vn
Cùng nhìn lại 5 lần "phản đòn vật vã" của Vinasun từ ngày Grab vào Việt Nam
(Techz.vn) Giống như nhiều hãng taxi truyền thống khác, Vinasun nhiều lần tỏ ra “chật vật” khi đối đầu với các hãng taxi công nghệ như Grab, Uber. Cùng điểm lại những cố gắng và cả những lần “dằn mặt”của Vinasun trước sự soán ngôi của Grab.