CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng và chiếc điện thoại BPhone. (Ảnh minh hoạ)
"Một cuộc chiến trường kỳ và đáng làm", đó là lời nhận xét của CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng khi nhớ lại về hành trình sản xuất BPhone của BKAV. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, đó là hành trình vượt lên định kiến của xã hội, giới hạn lòng tin rằng Việt Nam không thể sản xuất những sản phẩm công nghệ để cạnh tranh ra thế giới.
Câu chuyện nêu trên xuất hiện trong chương trình Cất cánh, với chủ đề "Cứ đi rồi sẽ đến", phát sóng trên kênh VTV1 tối 24/2/2019.
Trước đó, từng có một giai đoạn, các thương hiệu điện thoại Việt tiếp nối nhau ra đời, những thương hiệu này do người Việt làm chủ, đầu tư và mang thương hiệu Việt.
Trong hai năm 2009 - 2010, có ít nhất 10 doanh nghiệp Việt Nam kinh doanh điện thoại di động với thương hiệu riêng. Thậm chí, doanh nghiệp lớn trong ngành công nghệ - viễn thông là Viettel, FPT và BKAV đều đã tham gia vào thị trường điện thoại di động nội địa.
Những cái tên như Q-Mobile, HK-Phone, F-Mobile, Avivo từng “làm mưa làm gió” trên thị trường điện thoại phân khúc bình dân và dành cho người thu nhập khá.
Nhưng trải qua thời gian, những thương hiệu điện thoại Việt nêu trên, phần lớn không đạt được thành công như mong đợi, rồi dần biến mất trong tâm trí của người tiêu dùng Việt Nam. MobiiStar là một trường hợp ngoại lệ hiếm hoi, khi hãng gia nhập thị trường Ấn Độ vào năm 2018 và gặt hái được kết quả nhất định. Tuy nhiên đến giữa năm nay, Mobiistar đã rút khỏi thị trường này.
Trở lại với sản phẩm BPhone, trong một vài lần trò chuyện với người viết, CEO Nguyễn Tử Quảng bảo, dù lường trước khó khăn khi ra mắt sản phẩm, song bản thân ông cũng không ngờ mình bị "ném đá" nhiều thế. Đến nỗi, ông Quảng bị stress trong 1 năm. Đây cũng là nguyên nhân bản Bphone tiếp theo phải sau 2 năm mới tiếp tục ra mắt.
Đặt biệt, sau khi hai mẫu điện thoại Bphone 1 và Bphone 2 ra mắt, với những phát ngôn gắn với từ "chất" và "tuyệt vời", nhưng không đạt được thành công về doanh thu, biệt danh Quảng “nổ” dường như đã gắn chặt với CEO Nguyễn Tử Quảng, dù theo ông, cụm từ "Thật tuyệt vời", "Thật không thể tin nổi" là những cảm xúc tận đáy lòng phát ra từ sự kìm nén của bản thân trong 6 năm, nó không có trong kịch bản của chương trình ra mắt BPhone. Mà là sự tổng hợp của sự tự hào cá nhân và lớn hơn nữa là sự khẳng định người Việt Nam có thể sản xuất những sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới để cạnh tranh với các tập đoàn công nghệ hàng đầu.
Theo CEO Nguyễn Tử Quảng, nếu định kiến Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu. Đặc biệt, đây là định kiến của cả một xã hội thì không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải là một công việc trường kỳ.
"Việt Nam cần xóa bỏ định kiến là người Việt không thể làm ra những sản phẩm cạnh tranh với những nước hàng đầu. Kết quả 10 năm qua BKAV đã là ví dụ điển hình. Và chúng tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến trường kỳ này", vị CEO Nguyễn Tử Quảng khẳng định.
Theo ông Quảng, nếu cả đất nước cùng thúc đẩy, ủng hộ các doanh nghiệp như thì Việt Nam chỉ cần 50 doanh nghiệp mũi nhọn là đã đủ sức cạnh tranh thẳng với những tập đoàn hàng đầu trên thế giới.
Nhìn nhận cơ hội lớn từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại cho Việt Nam, ông Quảng đưa ra một ví dụ điển hình là Hàn Quốc, dù không tham gia các cuộc cách mạng công nghiệp lần 1, lần 2 và mới bắt đầu với cuộc cách mạng công nghiệp lần 3 nhưng đã có sự phát triển thần kỳ, trở thành cường quốc.
"Đứng sau tất cả các cuộc cách mạng công nghiệp trước tiên là cuộc cách mạng về tư duy và xóa bỏ định kiến. Nếu thay đổi định kiến, trong 10 năm tới Việt Nam có thể phát triển bùng nổ, cất cánh và trong 15 năm tiếp theo có thể trở thành cường quốc về công nghệ", CEO BKAV Nguyễn Tử Quảng khẳng định.
Sau sự xuất hiện và biến mất của các dòng điện thoại thương hiệu Việt trên thị trường, tháng 6/2018, Tập đoàn Vingroup đã tuyên bố sản xuất smartphone với thương hiệu Vsmart. Sau 6 tháng, công ty ra mắt thị trường bốn chiếc điện thoại có giá từ 2,5-6,3 triệu đồng. Sau đó, các nhà đầu tư tiếp tục được chứng kiến những nỗ lực tham gia vào thị trường châu Âu của Vinsmart. Sau khi ra mắt ở Tây Ban Nha, VinSmart đã tìm hướng mở rộng sang Đức, Bồ Đào Nha và Pháp. Công ty con của Vingroup đặt mục tiêu trở thành thương hiệu điện thoại thông minh đầu tiên của Việt Nam được công nhận trên toàn cầu. Công nghệ của VinSmart được phát triển trên nền tảng tiêu chuẩn cao của châu Âu. Hầu hết các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất các thiết bị điện tử thông minh từ thiết kế, nghiên cứu và phát triển sản phẩm đến sản xuất do công ty công nghệ hàng đầu Tây Ban Nha là BQ phát triển. Song việc mở rộng hoạt động và địa điểm kinh doanh một cách nhanh chóng của VinSmart được dự báo sẽ vấp phải cạnh tranh với các đối thủ mạnh, đang kiểm soát phần lớn thị phần. Nếu như thành công, VinSmart có thể củng cố vị thế của Việt Nam trên thị trường smartphone thế giới. |
Theo: Dân Việt
Bkav mang Bphone 3 đến Myanmar bán, tự tin cạnh tranh nhờ dịch vụ chăm sóc khách hàng
(Techz.vn) Người dùng Myanmar sắp được sử dụng điện thoại Bphone 3 với giá từ 7,7 triệu đồng.