Scorpius

Thứ trưởng Bộ Công Thương: Big C sẽ sớm nhận trở lại hàng may mặc

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngay trong sáng nay, ông cùng lãnh đạo Vụ Thị trường trong nước đã có cuộc làm việc với Tổng giám đốc Tập đoàn Central Group Việt Nam, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam và đại sứ Thái Lan tại Việt Nam.

Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, đại diện Central Group khẳng định việc tạm dừng nhập hàng may mặc Việt Nam nhằm phục vụ cho chiến lược mới của họ trong thời gian tới. “Họ đang xác lập lại hệ thống các ngành hàng tại siêu thị. Do vậy nên phải tạm dừng mua hàng của một số doanh nghiệp Việt Nam, nhưng việc này chỉ diễn ra trong tầm 15 ngày”, ông Hải nói.

“Đại diện Big C cam kết ngay trong hôm nay sẽ mở lại đơn hàng cho 50/200 nhà cung cấp dệt may Việt Nam. Trong 2 tuần tới, Big C sẽ tiếp tục làm việc chặt chẽ với nhà cung cấp Việt Nam. Sẽ có khoảng 100 nhà cung cấp nữa được mở lại đơn hàng. Còn lại khoảng 50 doanh nghiệp sẽ được đàm phán tiếp và thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn”, ông Hải cho biết thêm.

Cũng theo báo cáo của Tập đoàn Central Group tại cuộc làm việc, họ đã gửi thư cho từng nhà cung ứng và khẳng định việc dừng mua hàng này chỉ “tạm thời”. Hiện Tập đoàn này có 4.000 nhà cung cấp Việt Nam, trong đó chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp chuyên hàng may mặc.

Đại diện Central Group cho biết, có tình trạng "một số doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được quy định cam kết theo hợp đồng đã ký với Big C".

Về quan điểm của Bộ Công Thương, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết: Việc giải quyết giữa Big C đối với 200 doanh nghiệp Việt Nam là chuyện giữa doanh nghiệp với nhau và trên cơ sở hợp đồng đã ký, cũng như sự tuân thủ các quy định khác của pháp luật Việt Nam.

“Chúng tôi bảo vệ, tôn trọng lợi ích nhà đầu tư nước ngoài nhưng cũng kiên quyết bảo vệ quyền lợi doanh nghiệp Việt Nam cũng như người tiêu dùng”, người phát ngôn Bộ Công Thương khẳng định.

Hiện Tập đoàn Central Group Việt Nam tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động trực tiếp và hàng chục nghìn lao động gián tiếp, đóng góp hơn 1.000 tỷ đồng tiền thuế trong năm 2018.

Vụ việc Big C tạm dừng nhập hàng của các nhà cung cấp hàng may mặc trở nên lùm xùm từ chiều ngày 2/7, khi hơn 40 doanh nghiệp cung cấp hàng may mặc cùng nhân công của họ kéo đến trụ sở chính của Big C Việt Nam trên đường Phan Đăng Lưu (quận Phú Nhuận, TP Hồ Chí Minh) căng băng rôn phản đối việc ngưng nhập hàng này.

Trong chiều 3/7, Big C Việt Nam đã gửi thông cáo báo chí giải thích việc "phát triển mô hình kinh doanh may mặc mới". Trong thông cáo này, Big C khẳng định "việc tạm dừng các đơn đặt hàng chỉ là tạm thời và Big C Việt Nam khẳng định không dừng hoạt động kinh doanh của ngành hàng may mặc tại Việt Nam".

Theo Big C, hệ thống bán lẻ này đang phát triển các thương hiệu mới, trong đó có ngành hàng may mặc. Để bảo đảm mô hình kinh doanh mới này có thể phát triển thành công, Big C Việt Nam đang xây dựng lộ trình cụ thể để hiện thực hóa kế hoạch này, trong đó việc ưu tiên hàng đầu là tìm kiếm các nguồn cung ứng là nhà cung cấp Việt Nam.

"Big C Việt Nam đang xem xét lại danh mục hàng hóa và tính khả thi từ nhà cung cấp nhằm đem đến các sản phẩm Việt Nam chất lượng cao nhất để phục vụ khách hàng" - đại diện Big C cho hay.

Theo: baotintuc.vn 

 

Hé lộ nhân thân và những bí ẩn đằng sau tỷ phú Thái Lan sở hữu Big C Việt Nam là ai?

(Techz.vn) Central Group - chủ sở hữu Big C Việt Nam được biết đến là tập đoàn gia đình nổi tiếng tại Thái Lan hoạt động trong nhiều lĩnh vực liên quan đến bất động sản, bán lẻ, khách sạn, nhà hàng.