Nhịp sống số

Go-viet chính thức nhân giá giờ cao điểm, tương tự Grab

Từ ngày 18/7, Go-viet cho biết lần đầu tiên sẽ áp dụng việc nhân giá cước tuỳ theo nhu cầu người dùng. Đồng thời, công ty cũng nâng cao mốc điểm tài xế cần thực hiện để đạt được mức thưởng của công ty, nghĩa là tài xế cần chạy nhiều cuốc hơn mới nhận được điểm thưởng - đây chính là nguyên nhân dẫn đến cuộc đình công của hàng trăm tài xế tại TP.HCM hôm 18/7.

Một nhóm tài xế Go-viet đang trên đường đến địa điểm đình công tại TP.HCM hôm 18/7. Ảnh: Hải Đăng

Việc nhân giá được áp dụng trên cả nước, tuỳ vào từng thời điểm trong ngày. Thông thường, vào giờ cao điểm nhu cầu khách hàng tăng lên - chẳng hạn vào khung giờ đi làm, tan tầm, hoặc trời mưa - nhưng vào thời điểm này thường xảy ra kẹt xe, do đó các tài xế công nghệ sẽ không muốn nhận khách. Để đảm bảo kích thích tài xế nhận cuốc, Grab áp dụng tăng giá giờ cao điểm so với giá thông thường.

Trước đây, khi Uber còn hoạt động tại Việt Nam, hãng này cũng áp dụng giá cước tuỳ theo mức độ kẹt xe ở thời điểm chở khách.

Theo đại diện Go-viet, công ty đã gửi bảng khảo sát đến từng tài xế thông qua ứng dụng, và rất nhiều tài xế đồng tình với việc nhân giá giờ cao điểm và các khung giờ đặc biệt.

Go-viet không nêu rõ khung giờ nâng giá và mức nhân giá tối đa. Đối chiếu với Grab, hãng này thường tăng giá ở những thời điểm khách có nhu cầu đặt xe cao, chẳng hạn khi một hay nhiều chuyến bay đáp cùng lúc, khách có nhu cầu đặt xe cao; tại các nhà hàng tiệc cưới khi khách đồng loạt đổ ra và đặt xe; hoặc khi trời mưa mọi người có nhu cầu đặt xe ô tô,... Mức nâng giá có thể lên gấp đôi. Nhưng việc nâng giá chủ yếu thực hiện đối với xe ô tô, do lượng xe ít so với nhu cầu.

Cùng với việc nhân giá giờ cao điểm, Go-viet tung chương trình điểm thưởng mới. Trong đó, điểm thưởng mỗi cuốc xe được nhân lên 2 lần, có lợi cho tài xế. Tuy nhiên các mốc điểm thưởng được nâng lên, tức tài xế phải chạy nhiều hơn trước đây mới được các mốc thưởng.

Thu nhập của tài xế công nghệ dựa vào tiền thu về trên mỗi cuốc xe cộng với tiền thưởng từ điểm thưởng. Việc nhân giá, tăng yêu cầu về điểm thưởng của Go-viet mới đây về bản chất nhằm gia tăng khả năng tài xế nhận cuốc từ khách hàng, và yêu cầu tài xế chạy nhiều hơn. 

Việc một tài xế công nghệ chạy đồng thời vài ba ứng dụng cũng không hiếm. Một người am hiểu trong ngành cho rằng, giả sử Go-viet không áp dụng nhân giá giờ cao điểm, một số tài xế có thể chọn chạy cho ứng dụng khác có nhân giá tại thời điểm đó để gia tăng thu nhập. Việc yêu cầu tài xế chạy nhiều cuốc hơn mới nhận điểm thưởng cũng hạn chế tình trạng tài xế còn thời gian trống chạy cho ứng dụng khác.

Go-viet trước đó đã áp dụng chính sách điểm thưởng tương tự ở Hà Nội hồi tháng 5 nhưng không bị phản đối như tại TP.HCM hôm 18/7.

Hiện nay giá cước Go-bike của Go-viet áp dụng tại Hà Nội và TP.HCM khác nhau. Chẳng hạn, 2km đầu tiên tại Hà Nội tính giá 12.000 đồng, từ km thứ 3 trở đi tính giá 4.000 đồng/km. Trong khi đó tại TP.HCM, 2km đầu tính giá 10.000 đồng, km thứ 3 trở đi tính 3.600 đồng/km.

Trong cách tính thưởng mới, chương trình bảo đảm thu nhập cho tài xế giao đồ ăn, Go-food, tại Hà Nội cũng cao hơn TP.HCM 5.000 đồng.

Trong mốc tính điểm thưởng mới, yêu cầu về cuốc xe chạy là như nhau, nhưng tài xế tại Hà Nội sẽ được thưởng cao hơn so với tài xế tại TP.HCM.

Trong cách tính thưởng mới, tài xế tại Hà Nội được lợi hơn.

Hiện tại Grab cũng đang áp dụng chính sách tương tự, tức là sẽ ưu ái hơn cho tài xế công nghệ tại Hà Nội so với TP.HCM, hay nói cách khác, khách hàng tại TP.HCM sẽ trả tiền ít hơn so với khách hàng tại Hà Nội khi di chuyển cùng một khoảng cách.

Theo: ictnews.vn 

 

Tài xế Go-Viet tắt ứng dụng, biểu tình, kéo đến trụ sở công ty ở TP.HCM

(Techz.vn) Hàng trăm tài xế Go-viet kêu gọi tắt ứng dụng, đình công, kéo đến trụ sở công ty tại TP.HCM để biểu tình.