Vào thời điểm mới ra mắt, chiếc notebook của Apple đã nhận được sự tán dương từ rất nhiều bài đánh giá, với những điểm số cao ngất ngưởng nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa tính năng và độ tiện lợi. Marco Arment, một nhà phát triển nổi tiếng, thậm chí còn gọi đây là "chiếc laptop tốt nhất từng được tạo ra", với một "thiết kế làm hài lòng mọi người".
"Được giới thiệu vào năm 2012, chưa đầy một năm sau khi Steve Jobs mất, tôi nhìn nhận nó là đỉnh cao của tầm nhìn của Jobs đối với dòng máy Mac" - Arment nói trong bài viết trên blog vào năm ngoái.
Ngoài việc là mẫu MacBook Pro đầu tiên được trang bị màn hình Retina, chiếc MacBook Pro 2012 này còn có thiết kế mỏng hơn so với các đời máy trước đó, bởi Apple đã loại bỏ cổng Ethernet tích hợp và ổ đĩa quang CD/DVD. Ngoại hình máy từ đó đến hết năm 2015 hầu như không có nhiều thay đổi lớn.
Dù mỏng hơn, nhưng MacBook Pro từ 2012 đến 2015 vẫn có một loạt các cổng kết nối phổ biến, gồm một cặp cổng Thunderbolt và USB-A, một cổng HDMI, một khe thẻ nhớ SD, và một cổng sạc MagSafe trứ danh có thể bung ra một cách an toàn khi người dùng lỡ tay vướng phải.
Các cổng kết nối trên MacBook Pro Retina 2012 - 2015
Nếu so sánh với MacBook Pro 2016 đến nay, thì các đời máy sau này chỉ có 2 hoặc 4 cổng Thunderbolt 3 tùy vào mẫu máy. Các cổng Thunderbolt 3 này kiêm nhiều vai trò, từ cổng sạc, USB, DisplayPort, HDMI và VGA thông qua một sợi cáp duy nhất. Với cổng kết nối mới này, Apple đã loại bỏ các cổng USB-A, HDMI, khe thẻ SD và cổng sạc MagSafe.
Các cổng kết nối trên MacBook Pro 2016 trở về sau
Dù các dòng MacBook Pro sau này không khiến doanh số Mac giảm đáng kể, theo báo cáo hàng quý của Apple, nhưng một bộ phận khách hàng vẫn tiếp tục ưa chuộng các dòng MacBook Pro cũ hơn. Trên thực tế, Apple vẫn tiếp tục bán một mẫu MacBook Pro 2015 với giá từ 1.999 USD tại Mỹ.
Nếu bạn vẫn đang sử dụng MacBook Pro Retina 2012, có một tin xấu và không thể tránh khỏi: chỉ hơn 6 năm sau khi Apple tung ra mẫu MacBook Pro Retina 15-inch Mid-2012, mẫu máy này đã chính thức bị xếp vào danh mục "đồ cổ" hoặc "lỗi thời" tùy vào từng khu vực.
Điều này có nghĩa là sau ít nhất 5 năm kể từ khi mẫu máy này được sản xuất, Apple và các nhà cung cấp dịch vụ nhượng quyền của Apple không còn nghĩa vụ sửa chữa hoặc thay thế phần cứng cho nó nữa, trừ khi bạn ở California hoặc Thổ Nhĩ Kỳ - nơi luật pháp bắt buộc Apple phải sửa chữa.
Tất nhiên, nếu sở hữu chiếc máy đã cổ này, bạn cũng chẳng nên ngại ngùng gì khi tự mình sửa chữa theo hướng dẫn của iFixit.
Apple đều đặn cập nhật danh sách các sản phẩm đã lỗi thời khi chúng đã "đến tuổi", do đó bạn không nên bất ngờ về thông tin này, dù nó là một lời nhắc buồn rằng chiếc MacBook Pro Retina đầu tiên đã sắp đi đến cuối cuộc đời. Bất kỳ ai đang sử dụng mẫu máy này nay sẽ phải tự mình giải quyết mọi vấn đề về phần cứng.
Tất nhiên, đội ngũ hỗ trợ của Apple vẫn sẽ trả lời mọi câu hỏi liên quan macOS và vẫn sẽ tìm cách sửa lỗi phần mềm nếu cần thiết.
Website Apple không liệt kê mẫu MacBook Pro Retina 13-inch Late-2012 vốn ra mắt vào tháng 10/2012 vào danh mục đồ cổ, chỉ có mẫu 15-inch ra mắt vào tháng 6/2012 chịu "số phận hẩm hiu" mà thôi.
Theo: Genk
Apple thừa nhận lỗi bàn phím trên Macbook và Macbook Pro, sẽ nhận sửa miễn phí và hoàn lại tiền
(Techz.vn) Dù cơ chế phím mới giúp MacBook mỏng đi đáng kể, song nó cũng gây ra nhiều vấn đề phiền phức với người dùng.