Bạn có sở trường thiết kế ở lĩnh vực nào?
Thiết kế đồ họa là lĩnh vực rộng trong đó có nhiều mảng: Thiết kế sách, báo, tạp chí, thiết kế poster, bao bì, thiết kế web, thiết kế nhận diện thương hiệu, đồ họa, công trình xây dựng, nội thất (3D), game, phim ảnh, phim hoạt hình (thiết kế đồ họa chuyển động) …
Dù là tìm việc làm ở TPHCM hay Hà Nội, bạn đều cần xem xét công việc chính mà mình đang ứng tuyển. Từ đó có thể nêu sở trường liên quan đến lĩnh vực công việc. Điều này sẽ giúp nhà tuyển dụng yên tâm vì tìm đúng ứng viên có tay nghề họ đang cần.
Chẳng hạn, khi ứng tuyển vị trí nhân viên thiết kế đồ họa cho một hãng phim, bạn nên trả lời như “Tôi có sở trường thiết kế ở mảng phim ảnh, phim truyền hình hay hoạt hình. Trước đây tôi đã làm công việc này và nhận ra mình thực sự yêu thích, muốn gắn bó lâu dài…”.
Bạn thường sử dụng phần mềm thiết kế nào? Vì sao? Bạn có đánh giá gì?
Đây là câu hỏi phỏng vấn thuộc về chuyên ngành mà một nhân viên thiết kế đồ họa có thể trả lời dễ dàng. Là người trong ngành, hẳn bạn biết rõ các phần mềm hữu ích cho từng mảng riêng biệt. Mẹo là chỉ nên đề cập đến phần mềm chuyên lĩnh vực công việc mà bạn ứng tuyển.
Chẳng hạn công việc chuyên môn là thiết kế banner quảng cáo, sách báo tạp chí thì đề cập đến công cụ Adobe CS, thiết kế nội thất, thời trang thì dùng phần mềm 3Dstudio Max… không nên liệt kê quá nhiều để phô bày kiến thức mà quên đi ý chính của câu hỏi.
Quy trình làm việc của bạn như thế nào?
Cũng như một số công việc liên quan đến sự sáng tạo và quản lí thời gian, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về cách thức làm việc của bạn. Với công việc thiết kế đồ họa, sự sáng tạo và tính kỷ luật là hai yếu tố quan trọng giúp cho ra đời những sản phẩm chất lượng và đảm bảo đúng deadline.
Mục đích của câu hỏi này là nhà tuyển dụng muốn xem xét bạn có tư duy logic hay không, có đưa ra quy trình làm việc hợp lí để đảm bảo đúng deadline hay không.
Bạn có thể trả lời như “Sau khi nhận dự án / yêu cầu thiết kế, tôi sẽ xem xét và vạch ra một mốc thời gian cụ thể cần thiết để thực hiện từng bước một. Tôi sẽ phải dành ra một khoảng thời gian dự phòng cho những lần sửa của khách hàng để bản thiết kế cuối cùng hoàn hảo nhất mà không bị trễ hạn”.
Bạn đã từng tham gia thiết kế một dự án lớn/ có giá trị nổi bật nào chưa? Nhờ đâu mà bạn thiết kế thành công?
Với câu hỏi này nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu về thành tích trước đây của bạn và liệu bạn có phải là nhân viên thiết kế đồ họa tiềm năng hay không.
Bạn nên chọn một đến hai dự án thành công đáng kể nhất liên quan đến mảng thiết kế đang ứng tuyển. Kèm theo đó là đề cập đến việc bằng cách nào để làm được bao gồm cả năng lực chuyên môn, kỹ năng mà bạn đã áp dụng. Qua đó bạn đã học hỏi được gì, trải nghiệm/ kinh nghiệm quý giá cho công việc về sau thế nào.
Chẳng hạn, một cách trả lời gợi ý nếu như bạn ứng tuyển vị trí nhân viên thiết kế mảng nhận diện thương hiệu: “Tôi là người tham gia thiết kế bộ nhận diện thương hiệu mới của tập đoàn X. Để hoàn thành và có hiệu ứng tốt như vậy, tôi đã bỏ công sức 2 tuần nghiên cứu đặc thù, lịch sử phát triển, và sứ mệnh của thương hiệu này để làm tư liệu cho việc thiết kế, đưa ra thông điệp đúng nhất và phù hợp nhất”.
Đã khi nào bạn phải đối mặt với áp lực lớn trong công việc chưa?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng kiểm tra cách vượt qua áp lực trong công việc bởi vì một nhân viên thiết kế thường phải trải qua và phải tự cân bằng nó.
Bạn đừng vội tỏ ra “được lời như cởi tấm lòng” mà kể lể các khó khăn đã gặp phải. Điều này chỉ khiến bạn bị mất điểm. Thay vào đó hãy nhắc lại một thời điểm khó khăn, áp lực lớn mà bạn trải qua, nhưng cũng nhờ đó mà bạn đã học được cách quản lý thời gian khoa học, làm chủ kế hoạch, biết thêm các kỹ năng như chia sẻ công việc và nhận ra giá trị của sự nỗ lực.
Chẳng hạn, “Tôi và đồng nghiệp đã cùng thực hiện một dự án mà nhiều lần đều bị khách hàng từ chối. Thậm chí chúng tôi phải ở lại công ty làm thêm giờ mà không được trả lương. Đôi khi chúng tôi cảm thấy bất lực. Và rồi sau 2 tuần nỗ lực sản phẩm của chúng tôi được duyệt, tạo được giá trị lớn cho khách hàng. Chúng tôi vui sướng vô cùng. Nhờ quá trình đó mà tôi học được tính kiên trì, biết cách xem xét lại các điểm yếu để cải thiện tốt hơn. Tôi có thể tự tin làm việc với khách hàng khó tính nhất”.
Thiết kế đồ họa đang là ngành “hot” hiện nay trên thị trường. Nó tập trung nguồn nhân lực trẻ, sáng tạo và nhanh nhạy bắt kịp xu hướng. Để có được việc làm trong ngành, hãy chuẩn bị các câu hỏi phỏng vấn trên đây. Tuy chúng không phải là tất cả những gì nhà tuyển dụng sẽ hỏi nhưng được trang bị tốt sẽ giúp bạn tự tin và thể hiện bản thân tốt hơn.