Trong một cuộc trả lời phỏng vấn với Zing.vn, ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, cho biết sẵn sàng nhập nguyên liệu từ Trung Quốc nếu sản phẩm đạt chất lượng và giá thành cạnh tranh.
Ông chủ doanh nghiệp sản xuất hàng gia dụng cho rằng tại Trung Quốc có những nguồn nguyên liệu, linh kiện chất lượng tốt, giá thành phải chăng, phù hợp với những giai đoạn và sản phẩm nhất định.
5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi gần 30 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc. Ảnh: PBS.
Hàng Trung Quốc chiếm 29% tổng kim ngạch nhập khẩu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm 2019, Việt Nam chi gần 30 tỷ USD nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc.
Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc những tháng qua tăng rất cao, lên tới 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Hàng hóa Trung Quốc chiếm tới 29% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước.
Tổng cục Hải quan cho biết tốc độ tăng trưởng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc cũng nằm trong nhóm các thị trường có tốc độ tăng cao nhất trong những tháng đầu năm.
Trong đó, Việt Nam nhập khẩu nhiều sản phẩm điện tử, linh kiện, máy vi tính, dụng cụ, nguyên phụ liệu giày dép, điện thoại và linh kiện, chất dẻo nguyên liệu, sắt thép… từ Trung Quốc.
Cụ thể, Việt Nam đã chi 5 tỷ USD nhập khẩu nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện từ Trung Quốc (tốc độ tăng 81% so với cùng kỳ). Kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này từ Trung Quốc chỉ đứng thứ hai sau Hàn Quốc.
Nhập khẩu máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng từ Trung Quốc cũng đạt 5,7 tỷ USD (tăng 29% so với cùng kỳ năm ngoái). Các doanh nghiệp Việt cũng chi 4,7 tỷ USD để nhập các mặt hàng nguyên phụ liệu dệt may, da, giày bao gồm bông, xơ sợi dệt, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày.
Điện thoại các loại và linh kiện nhập từ Trung Quốc cũng đạt 2,7 tỷ USD.
Ở mặt hàng sắt thép, Việt Nam cũng nhập 2,6 triệu tấn, trị giá đạt 1,6 tỷ USD từ nước láng giềng khổng lồ.
“Ứng xử khéo léo”
Không chỉ phụ thuộc vào hàng nhập từ Trung Quốc, nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng đang trông chờ vào thị trường 1,3 tỷ dân này.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung Quốc đang nhập 70-80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam. Đây là thị trường xuất khẩu nông sản lớn nhất của Việt Nam trong nhiều năm qua. Tuy nhiên, có tới 60-70% nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc thông qua đường tiểu ngạch,
Theo Tổng cục Hải quan, lũy kế từ đầu năm đến hết tháng 5, Việt Nam xuất khẩu 1,8 tỷ USD hàng rau quả xuất khẩu sang tất cả các thị trường. Trong đó, xuất khẩu sang Trung Quốc đạt 1,28 tỷ USD (chiếm 71% thị phần).
70-80% nông sản xuất khẩu của Việt Nam là sang thị trường Trung Quốc. Ảnh: Hoàng Đông.
Một trong những mặt hàng rau quả nổi tiếng của Việt Nam xuất sang Trung Quốc là vải thiều. Theo tính toán, 50% sản lượng vải thiều của Việt Nam được xuất sang đất nước 1,3 tỷ dân. Tính đến giữa tháng 6, 13.000 tấn vải quả tươi đã xuất sang Trung Quốc qua Lạng Sơn, với kim ngạch đạt gần 3,5 triệu USD.
Trao đổi với Zing.vn, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, Việt Nam phải ứng rất khéo léo với thị trường 1,3 tỷ dân. Lý do bởi kim ngạch thương mại 2 chiều đạt tới 140 tỷ USD, và là một trong những bạn hàng lớn nhất của Việt Nam.
"Cần ứng xử khéo léo với thị trường Trung Quốc", ông nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng một mặt Việt Nam sẽ quản lý không có công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng môi trường của Trung Quốc vào Việt Nam. Mặc khác, sẽ quản lý hàng lậu, hàng kém chất lượng tuồn vào Việt Nam.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý nếu hàng Trung Quốc có chất lượng đáp ứng đủ tiêu chuẩn thì có thể vào Việt Nam bình đẳng như các nước khác.
TS Trần Toàn Thắng, Trung tâm Thông tin và Dự báo Xã hội Quốc gia (NCIF) thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cần nâng cao năng lực của mình, tăng cường khả năng cạnh tranh, gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn có thể chọn lọc và tận dụng nguồn nguyên liệu chất lượng tốt, giá rẻ từ thị trường Trung Quốc, làm gia tăng lợi thế cạnh tranh.
Ông cũng cho biết cơ quan chức năng cần có chính sách kiểm soát tốt xuất xứ hàng hóa, tránh việc hàng hóa “đột lốt” Việt Nam. Doanh nghiệp có thể dùng nguồn nguyên liệu hay linh kiện ở bên ngoài nhưng phải ghi rõ để người tiêu dùng có thể phân biệt.
“Cần kiểm soát tốt quy định về xuất xứ hàng hóa. Bao nhiêu % sản xuất ở Việt Nam thì gọi là hàng Việt. Tránh chuyện nhập nhèm, khó phân biệt hàng Việt Nam hay hàng nước ngoài đột lốt”, ông nói.
Theo: Zing.vn
Sunhouse lên tiếng về hình ảnh nồi cơm điện xuất xứ Trung Quốc nhưng dán tem hàng Việt: Do đối tác ghi nhầm thông tin
(Techz.vn) Công ty của Shark Phú cũng khẳng định đây là sản phẩm Made in Vietnam, được sản xuất trên chính dây chuyền công nghệ của Sunhouse.