Thủ tướng vừa giao Bộ Tài chính, Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan khẩn trương kiểm tra, xác minh thông tin báo chí phản ánh vụ việc Công ty Cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán tại thị trường trong nước, làm rõ vi phạm nhằm xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Trả lời Zing.vn, luật sư Phạm Duy Khương, Giám đốc khối SHTT công ty SB Law, cho biết Điều 9, Nghị định 31/2018/NĐ-CP có nêu rõ việc lắp ráp chỉ được xem là công đoạn đơn giản không được xét là nơi xuất xứ hàng hóa.
"Nếu đơn thuần dùng toàn bộ những linh kiện nhập khẩu để tạo thành một sản phẩm hoàn chỉnh bằng quy trình lắp ráp đơn giản sẽ không được xem là "made in Vietnam"", luật sư Khương nói.
Ngày 23/6, Asanzo tổ chức buổi gặp gỡ báo chí để nói về sản phẩm của mình.
Cũng theo luật sư Khương, việc thẩm định phần trăm tỷ lệ nội địa hóa không phải dễ dàng. Đồng thời, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định gì về tỷ lệ phần trăm để có thể gọi là "xuất xứ Việt Nam" hay "made in Vietnam".
"Chỉ cần doanh nghiệp chứng minh được: quy trình lắp ráp của họ có những đặc trưng kỹ thuật đòi hỏi độ khó cao hoặc có một lượng nhất định những chi tiết có nguồn gốc từ Việt Nam thì rất khó để phủ nhận quyền ghi 'xuất xứ Việt Nam' hay 'made in Vietnam' lên tổng thể sản phẩm", ông Khương nói thêm.
Có một thực tế là ngành công nghiệp phụ trợ trong nước được cho là chưa thực sự đáp ứng tốt nhu cầu của các thương hiệu. Những thành phần quan trọng của một chiếc TV như bảng mạch điện tử, tấm nền LCD, khung sườn, chân đế, vỏ nhựa đều phải nhập khẩu.
Việc khó xác định thế nào là "Made in Vietnam" đã khiến trong 3 năm trở lại đây, ngành điện tử gia dụng trong nước chứng kiến sự ra đời của hàng loạt "TV thương hiệu Việt" với hàm lượng công nghệ khó kiểm soát.
Gần đây nhất là Sanco vừa ra mắt mẫu TV đầu tiên của hãng dưới danh "thương hiệu Việt" vào ngày 22/6. Sắp tới có thể VinGroup cũng tham gia cuộc chơi này.
Sanco - thương hiệu con của "ông trùm phân phối"
Sanco là thương hiệu TV vừa mới ra mắt lần đầu ngày 22/6, giữa tâm bão của vụ việc Asanzo bị tố "hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt". Thương hiệu TV này thuộc sở hữu của công ty Cổ phần Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (PSD).
Với mức giá từ 3,2-12 triệu đồng, phân khúc khách hàng Sanco hướng tới là người dùng bình dân mong muốn trải nghiệm smartTV. Đây chính là đối thủ trực diện nhất với Asanzo, thương hiệu của "Shark Tam" vốn đã đánh chiếm thành công các khách sạn, nhà nghỉ bình dân và thị trường nông thôn.
Giữa tâm bão "TV thương hiệu Việt", PSD ra mắt thương hiệu Sanco. Ảnh: Techsignin.
Theo đại diện Sanco, TV của hãng được lắp ráp tại Việt Nam với tỷ lệ nội địa hóa 50%. Linh kiện quan trọng nhất là tấm nền màn hình được mua từ Samsung. Các linh kiện khác được nhập từ Đài Loan, Trung Quốc. Quy trình lắp ráp các sản phẩm Sanco dựa trên tiêu chuẩn của Hàn Quốc. Yếu tố 50% nội địa của Sanco không được nêu bật trong buổi ra mắt và chưa được kiểm chứng độc lập.
PSD từ lâu được biết đến là đơn vị nhập khẩu và phân phối các mặt hàng công nghệ từ các hãng như Lenovo, WD, Samsung, Dell, Asus... Sanco là thương hiệu TV đầu tiên mà "ông trùm phân phối" này sở hữu.
Asano - thương hiệu truyền cảm hứng cho "Shark Tam"
Tháng 5/2016, thương hiệu Asano thuộc công ty Cổ phần Asano Việt Nam chính thức được thành lập và tham gia ngày vào thị trường điện gia dụng trong nước.
Theo website của Asano, công ty hoạt động ở các lĩnh vực liên quan đến điện tử như cung cấp TV LED thương hiệu Việt, nhập khẩu và cung cấp sản phẩm điện lạnh, kinh doanh vật tư và thiết bị công nghệ.
Tất cả TV mang thương hiệu Asano đều ghi xuất xứ hoặc sản xuất ở Việt Nam. Tuy vậy, tỷ lệ nội địa hóa của các model TV không được Asano công bố.
Sau sự kiện trình làng TV màn hình cong năm 2016, Asano không tổ chức thêm buổi ra mắt nào. Tuy vậy, Asano vẫn đều đặn ra mắt các sản phẩm mới và bán qua đại lý bán lẻ và trang thương mại điện tử.
Nhiều người lầm tưởng Asano cố tình đặt tên thương hiệu để ăn theo Asanzo. Thực tế, mọi chuyện hoàn toàn ngược lại.
Lần gần nhất Asano xuất hiện trên mặt báo là vụ kiện thương hiệu "Shark Tam" vi phạm nhãn hiệu của công ty hồi giữa tháng 5. Kết quả vụ kiện khiến Asanzo phải bồi thường thiệt hại cho Asano 100 triệu đồng.
Akino - thương hiệu Việt, sản xuất tại Thái Lan
Tháng 11/2018, thương hiệu Akino ra mắt tại thị trường Việt Nam. Dù được sản xuất, lắp ráp hoàn toàn tại Thái Lan, Akino vẫn tự tin sử dụng slogan "Thương hiệu Việt dành cho người Việt".
Akino là thương hiệu Việt nhưng được sản xuất và lắp ráp tại Thái Lan.
Akino là thương hiệu TV thuộc Công ty CP Phúc Ngọc Anh. Theo Nguyễn Văn Vui, Giám đốc Xuất nhập khẩu của công ty Phúc Ngọc Anh, công ty ông hợp tác với Tập đoàn Treeview (Thái Lan) - chuyên gia công máy móc, thiết bị điện tử để làm ra các model TV mang thương hiệu Akino.
Yếu tố Việt Nam được Akino thể hiện trong sản phẩm ở khâu thiết kế và bổ sung các tính năng sử dụng phù hợp với thói quen sử dụng, yếu tố môi trường, thời tiết Việt Nam.
Các sản phẩm của Akino nhắm vào phân khúc giá dưới 5 triệu đồng. Kênh phân phối chính của Akino là các cửa hàng điện dân dụng nông thôn và một vài trang bán hàng trực tuyến.
VTB, Ariang - những thương hiệu TV Việt đã cũ
Công ty Cổ phần Viettronics Tân Bình (VTB) thành lập năm 1981. Công ty kinh doanh trong lĩnh vực điện tử được biết đến khi từng liên doanh với Sony, VJC. Từ năm 2004, VTB đã bắt đầu ra mắt nhiều model TV với tem mác xuất xứ Việt Nam.
Năm 2018, VTB ra mắt mẫu TV LED 55 inch độ phân giải 4K với giá chỉ bằng một nửa với các thương hiệu nổi tiếng khác trên thị trường. Hiện các sản phẩm của VTB vẫn đang được phân phối trong nước. Phân khúc dưới 10 triệu đồng được hãng này tập trung.
Đa phần thương hiệu Việt tập trung vào phân khúc TV giá rẻ hơn các công nghệ tiên phong.
Trong khi VTB là thương hiệu Việt từng liên doanh với nước ngoài thì Ariang lại được nội địa hóa từ thương hiệu Hàn Quốc. Ariang thuộc sở hữu của Maseco. Trước đây, Maseco phân phối sản phẩm từ Ariang Hàn Quốc. Sau đó, Maseco đăng ký thương hiệu này tại Việt Nam và dần chuyển Ariang thành thương hiệu Việt.
Trong lĩnh vực sản xuất TV, tương tự những cái tên bên trên, Ariang cũng dùng công thức: định vị mình là thương hiệu Việt, tập trung phân khúc TV giá rẻ. Theo Maseco, nguồn linh kiện sản xuất TV trước đây của công ty được nhập khẩu 90%. Nhưng từ năm 2009, Maseco đã giảm tỷ lệ này xuống còn 50%.
VinSmart - Vingroup có tham gia mảng điện gia dụng?Ngày 9/5, bà Lê Thị Thu Thủy, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup, cho biết sẽ ra mắt máy tính bảng và đang nghiên cứu sản xuất điều hoà, TV, tủ lạnh, thiết bị IoT, camera... và hợp tác với công ty Mỹ để sản xuất điện thoại 5G... Theo Cổng Thông tin Quốc gia về Đăng ký Doanh nghiệp, công ty Cổ phần Nghiên cứu và Sản xuất VinSmart được thành lập ngày 10/12/2018. Đây là công ty thuộc sở hữu của tập đoàn VinGroup. Lĩnh vực kinh doanh chính của công ty này là "Sản xuất thiết bị truyền thông". Bên cạnh đó, VinSmart còn đăng ký sẵn các lĩnh vực như sản xuất đồ điện dân dụng, thiết bị điện, linh kiện điện tử, sản phẩm điện tử dân dụng, bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi... |
Theo: Zing.vn
Điện máy Xanh cho đổi TV Asanzo lấy TV khác
(Techz.vn) Khách đã mua TV Asanzo tại Điện máy Xanh còn trong thời hạn bảo hành sẽ được đổi sang TV hãng khác.