Doanh nghiệp

Asanzo, linh kiện Trung Quốc còn công nghệ Nhật thì chưa thể tiết lộ

“Chúng tôi tự tin sản phẩm TV và máy lạnh mang thương hiệu Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam và công nghệ Nhật Bản là có căn cứ, phù hợp với thông lệ thị trường và không trái với pháp luật Việt Nam”, văn bản do ông Phạm Xuân Tình, đại diện Công ty CP tập đoàn Asanzo, vừa ký khẳng định. Các linh kiện, nguyên liệu mà Asanzo nhập khẩu đều được thực hiện theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Asanzo, công ty sử dụng những linh kiện, nguyên liệu từ các nhà cung cấp có chất lượng và giá tốt ở trong nước và nước ngoài (Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc,... ) cho việc lắp ráp các sản phẩm tại các nhà máy tại Việt Nam.

Theo văn bản này, giá trị cốt lõi của sản phẩm TV mang thương hiệu Asanzo là hệ điều hành và thiết kế mẫu mã sản phẩm được phát triển bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam của công ty. Với sự đầu tư chất xám và dày công nghiên cứu, công ty đã đặt hàng các nhà sản xuất tại Việt Nam hoặc nước ngoài cung ứng linh kiện, nguyên liệu theo đúng tiêu chuẩn mà Asanzo yêu cầu.

Quy trình lắp ráp, kiểm soát chất lượng và bảo hành TV mang thương hiệu Asanzo được tư vấn và chuyển giao công nghệ bởi các chuyên gia của tập đoàn Nhật Bản và có thương hiệu hàng đầu thế giới cách đây 5 năm.

Vì lý do đã ký hợp đồng bảo mật nên Asanso đang xin phép tập đoàn phía Nhật Bản để công bố điều này với thị trường Việt Nam. Thời điểm hiện tại, Asanzo chưa thể công bố - văn bản nêu rõ.

Trước nghi vấn nêu trên, ông Phạm Văn Tam, CEO của Asanzo, đã tổ chức cuộc gặp gỡ cũng cấp thông tin cho báo chí vào chiều 23/6. Ông Tam thừa nhận sử dụng tới 70% linh kiện của Trung Quốc để lắp ráp các sản phẩm ở Việt Nam.

Ông Phạm Văn Tam cho rằng, việc Asanzo nhập các linh kiện từ Trung Quốc về để lắp ráp thành sản phẩm không có gì là mới. Tuy nhiên, khi gắn nhãn, bao bì cũng như trong giấy bảo hành, Asanzo ý thức được việc đó nên chỉ ghi “Xuất xứ Việt Nam” thay vì “Made in Việt Nam” trên sản phẩm của mình.

Liên quan phản ánh của Tuổi Trẻ về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam chia sẻ: "Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không? Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa".

Về việc nhà máy Asanzo cho công nhân bóc tem made in China khỏi sản phẩm, ông Tam nói ông không có chủ trương này: "Tem đó trên linh kiện chứ không phải trên tivi. Công nhân có thể bóc cũng có thể không vì nó nằm bên trong tivi".

Theo: Vietnamnet 

 

Từ nghi án Asanzo nhập hàng nước khác gắn nhãn Việt Nam, nhìn nhận “Made in Vietnam” như thế nào?

(Techz.vn) Chưa có một thước đo rõ ràng để xác định quá trình sản xuất thế nào, hàm lượng giá trị bao nhiêu thì doanh nghiệp có thể tự tin dán nhãn "made in Vietnam" lên sản phẩm…