Đi xe đường đèo: Những lỗi thường gặp dẫn đến tai nạn thương tâm và cách phòng tránh
Thời gian gần đây có rất nhiều vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở các đoạn đường đèo, núi. Điển hình là vụ tai nạn xảy ra vào sáng ngày 19/6 tại đường đèo Prenn (cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) khiến ít nhất 7 người thiệt mạng tại chỗ và hàng chục người khác bị thương.
Thông tin ban đầu xác định là do chiếc xe du lịch của Công ty Du lịch Lê Mỹ bất ngờ mất phanh khi đổ đèo và tông vào một công nhân đang làm trên đường, rồi tông thẳng vào hông một chiếc xe khách khác đang chạy ngược chiều.
Từ trước tới nay, đã có không ít vụ tai nạn tương tự xảy ra trên các cung đường đèo, núi khiến xe lao xuống vực. Dưới đây là những lỗi thường gặp khi lái xe đường đèo dẫn đến tai nạn và cách phòng tránh.
1. Một số lỗi cơ bản
Khi xuống đèo, xuống dốc lao nhanh và chạy theo quán tính. Xe trọng tải càng nặng, tốc độ càng nhanh thì quán tính của xe càng lớn. Hơn nữa nếu chạy bằng số càng cao thì quán tính của xe khi xuống dốc càng lớn.
Khi xuống dốc nhanh vượt quá ý muốn, theo trực giác nếu chúng ta phanh càng nhiều thì má phanh càng nóng dẫn tới cháy má phanh làm mất tác dụng phanh.
Má phanh cũ, đã bị mòn nhiều thì chất lượng càng kém hoặc má dán lỗi khi phanh gấp bong cả má gây nguy hiểm.
Trên đây là một số lỗi cơ bản thường gặp ở các tài xế khi lái xe đường đèo. Dưới đây là một số hướng dẫn cụ thể khi lái xe lên dốc và đổ đèo an toàn. Và tất nhiên, cách lên dốc, đổ đèo bằng xe số sàn và số tự động cũng hoàn toàn khác nhau.
2. Xe số sàn
Leo đèo
Leo đèo từ vị trí đứng yên
Đây là kỹ năng cơ bản mà các tài xế đều phải học khi thi sát hạch lái xe. Đầu tiên, hãy giữ chặt chân phanh và chân côn rồi vào số 1. Tiếp tục giữ chặt chân phanh, nhả côn từ từ rồi lắng nghe tiếng máy sao cho bạn có thể cảm giác đã bám côn. Tiếp sau đó, hãy nhả phanh, đệm ga và bắt đầu thả chân côn. Các bạn luôn nhớ rằng phải nhả chân côn bằng chân trái thật chậm rãi. Trong khi đó chân phải cũng nhấn ga từ từ cho phù hợp.
Tùy theo độ dốc của đèo mà chúng ta điều chỉnh số cho phù hợp. Chẳng hạn, nếu dốc thẳng đứng thì tốc độ động cơ khoảng 3.000 vòng/phút sẽ giúp xe khởi động dễ dàng hơn. Khi lên đỉnh đèo thì có thể chuyển sang số 2 hoặc số 3 tùy thuộc vào độ dốc.
Leo đèo khi xe đang chạy
Để leo đèo khi xe đang chạy một cách an toàn, bạn hãy quan sát và đánh giá độ dốc của đoạn đường đèo đó. Nếu độ dốc ở mức vừa phải, hãy giữ chặt chân côn và xuống một số trước khi leo đèo. Ví dụ, bạn chuyển từ số 5 về số 4 hay số 4 về số 3 và duy trì tốc độ cho phù hợp. Hãy giữ tốc độ ở khoảng từ 5.000 – 7.000 vòng/phút để xe có công suất cao hơn khi leo đèo. Nếu đoạn đèo dốc hơn thì tiếp tục nhấn ga và xuống số thêm một lần nữa.
Lưu ý: để có thêm nhiều kinh nghiệm lái xe đường đèo, bạn có thể tập ở những đoạn đường đèo vắng. Trong quá trình di chuyển bạn cũng nhớ quan sát tới các phương tiện khác chạy phía trước và phía sau bạn.
Đổ đèo
Một điều quan trọng mà các bạn nên nhớ khi đổ đèo là hạn chế dùng phanh liên tục. Vì phanh liên tục trên đoạn đường đèo dài sẽ khiến nhiệt độ của hệ thống phanh tăng cao. Và hậu quả là khiến phanh mất hoàn toàn tác dụng, khi đó bạn hoảng hốt và không xử lý kịp tính huống. Trong quá trình đổ đèo bạn cũng để ý đến những dấu hiệu cho thấy hệ thống phanh bị quá nóng như mùi khét hoặc khói bốc ra từ bánh xe.
Một kỹ năng cần thiết khi đổ đèo là nghe âm thanh động cơ để biết vòng tua máy. Điều này bạn cần học và tích lũy kinh nghiệm khi lái xe hàng ngày.
Khi xuống dốc, bạn hãm tốc độ bằng cách chuyển xuống số thấp nhưng cũng đừng quên quan sát vòng tua động cơ. Động cơ của xe lúc đó phải chạy ở tốc độ cao hơn mức trong điều kiện lái thông thường. Nếu cảm thấy tốc độ xe đang chạy nhanh hơn mức bạn muốn kiểm soát, hãy chuyển xuống một số.
Tới đoạn đường ôm cua, tốt nhất chúng ta nên chuyển xuống số thấp hơn. Nhấn chân ga để tăng vòng tua động cơ và thả côn. Lúc này bạn có thể nhấn phanh để hãm tốc độ khi ôm cua. Chúng ta vẫn thấy các tài khuyên nhau rằng lên đèo số nào thì xuống dốc số đó. Tuy nhiên, tùy từng vận tốc, điều kiện địa hình mà bạn nên linh hoạt áp dụng và có cách điều chỉnh cho phù hợp.
Khi tới đoạn đường thẳng, để tăng tốc bạn nên vào số cao hơn. Hãy chuẩn bị sẵn sàng để chuyển số thường xuyên hơn bình thường vì đường đèo đòi hỏi người lái phải điều chỉnh liên tục cho phù hợp. Nếu phát hiện hệ thống phanh có nhiệt độ cao thì hãy tấp xe vào lề đường hoặc khu vực an toàn để kiểm tra.
3. Xe số tự động
Leo đèo
Một số người cho rằng khi đi xe số tự động không cần phải điều chỉnh số như xe số sàn. Tuy nhiên, quan niệm này lại hoàn toàn sai lầm. Khi lên dốc xe cần nhiều công suất hơn so với bình thường. Do đó chúng ta cần biết cách tăng sức mạnh cho xe.
Đối với xe số sàn bạn chỉ cần điều chỉnh tốc độ bằng cách chuyển số là được. Nếu là xe số tự động bạn có thể dùng số 3 để leo đèo. Sau đó tăng tốc càng nhanh càng tốt. Khi cảm nhận được xe đang chạy chậm dần, bạn nên chuyển dần về số 2 và tiếp tục điều chỉnh chân ga cho phù hợp.
Có thể động cơ của xe phát ra âm thanh như muốn nổ tung. Tuy nhiên, bạn không nên quá lo lắng về điều này, vì tiếng động cơ như vậy mới đảm bảo an toàn cho bạn và xe khi lên dốc.
Đổ đèo
Phanh có tác dụng hãm tốc độ và dừng xe. Tuy nhiên, khi đổ đèo bằng xe số tự động chỉ sử dụng phanh thôi thì chưa đủ. Hơn nữa, nếu phanh bị mòn sẽ không còn tác dụng hãm tốc độ. Do đó chúng ta nên chuyển sang chế độ bán tự động để điều khiển xe được tốt hơn.
Trước tiên, hãy bỏ chân ra khỏi chân ga khi xe trên đỉnh đèo. Nếu xe của bạn có tích hợp hệ thống điều khiển hành trình, hãy tắt đi. Bạn có thể ngắt hệ thống điều khiển hành trình bằng nút điều khiển hoặc nhấn nhả phanh một cách từ tốn.
Nếu xe đang chạy ở tốc độ 50-60 km/h hoặc ở tốc độ nhanh hơn mức mà bạn cảm thấy an toàn, khi đó bạn hãy giảm số, nhấn phanh từ từ để giảm tốc độ. Trong quá trình nhấn phanh bạn cũng nên nhấn từ từ để điều chỉnh về tốc độ như mong muốn.
Trên đây là một số lỗi mà các tài xế hay mắc phải khi lái xe đường đèo cà cách phòng tránh để hạn chế tai nạn. Để có nhiều kinh nghiệm và nhuần nhuyễn trong việc lái xe đường đèo, chúng ta nên thực hành nhiều hơn nữa tại các đoạn đường đèo vắng.
Tổng hợp