Trong buổi phỏng vấn với Bloomberg hôm 24/5, ông Nhậm Chính Phi, người sáng lập tập đoàn Huawei, thừa nhận lệnh hạn chế xuất khẩu từ chính quyền Trump khiến công ty bị kéo lùi lại 2 năm so với các đối thủ như Ericsson hay Nokia trên thị trường viễn thông.
Hãng cho biết sẽ tăng cường cung cấp chip hoặc tìm cách khác nhằm giữ lợi thế trong ngành công nghiệp smartphone và 5G.
Ông Nhậm nói công ty đã có những giải pháp riêng để hạn chế tác động từ lệnh cấm của Mỹ. Nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới đã tự tạo ra bộ xử lý riêng trong nhiều năm, sử dụng trên những thiết bị của hãng.
Huawei cũng sẽ giới thiệu nền tảng hệ điều hành riêng sau khi bị Google đình chỉ hợp tác. Tuy nhiên, khi được hỏi về tiềm năng của những sản phẩm thay thế trên và liệu công ty có thể phát triển mạnh trong tương lai, ông chủ Huawei không trực tiếp trả lời vấn đề.
Hình ảnh ông Nhậm trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào ngày 24/5. Ảnh: Bloomberg.
“Điều đó phụ thuộc vào những người thợ của chúng tôi có thể sửa chữa được máy bay nhanh đến mức nào. Bất kể họ sử dụng vật liệu gì, có thể bằng kim loại, vải hoặc giấy, mục đích cuối cùng là giữ cho máy bay tiếp tục ở trên bầu trời”, ông Nhậm nói. Từ máy bay được các lãnh đạo Huawei dùng để ám chỉ về chính công ty này.
Từ một con người sống khép kín, ông Nhậm dần trở nên cởi mở và xuất hiện nhiều hơn trước truyền thông. "Khi các nền kinh tế hàng đầu thế giới tranh giành quyền thống trị, không gì có thể tồn tại trên đường đi của họ. Công ty của tôi chỉ giống như một hạt vừng", ông Nhậm chia sẻ trong cuộc phỏng vấn đầu tháng 1.
“Điều này có thể khiến một trong những gã khổng lồ của Trung Quốc gục ngã”, Chris Lane, nhà phân tích tại Sanford C. Bernstein & Co nhận định. “Mặt khác, nếu Trung Quốc đóng cửa tất cả nhà máy của Apple, Mỹ cũng phải đối mặt với điều tương tự. Đây có thể là bước đi bất đắc dĩ trong tương lai”.
Theo Bloomberg, việc bị liệt vào danh sách đen có thể đã được Huawei dự đoán từ giữa năm 2018, khi các lệnh trừng phạt tương tự từng đe dọa nhấn chìm công ty đồng hương là ZTE. Huawei cho biết hãng đã dự trữ đủ số lượng chip và các thành phần quan trọng khác để duy trì hoạt động kinh doanh của mình một cách bình thường ít nhất 3 tháng.
“Chúng tôi đã tạo ra những con chip thực sự tốt. Nó được phát triển trong môi trường cạnh tranh khắc nghiệt. Điều đó cho thấy chúng tôi tuyệt vời như thế nào”, ông Nhậm nói.
Nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc sẽ sớm đưa ra biện pháp riêng nhằm trả đũa lệnh cấm đối với Huawei, một trong số đó có thể là chặn các tập đoàn lớn nhất của Mỹ như Apple. "Nếu điều đó thực sự xảy ra, Táo khuyết có thể mất đi một phần ba lợi nhuận trong năm tới", các nhà phân tích tại Goldman Sach ước tính.
“Trước hết, điều đó sẽ không xảy ra. Thứ hai, nếu điều đó xảy ra tôi sẽ là người đầu tiên phản đối. Apple giống như người thầy của tôi. Đây luôn là công ty dẫn đầu", ông Nhậm nói trong một cuộc phỏng vấn.
Ông Nhậm khẳng định Huawei chưa bao giờ ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ. Ông cũng cho biết, hãng đang sở hữu những công nghệ mà Mỹ chưa có. Ảnh: BBC.
Trong nhiều năm, Huawei bị Mỹ cáo buộc có quan hệ với chính quyền Bắc Kinh. Đồng thời, hãng cũng bị buộc tội ăn cắp tài sản trí tuệ từ nhiều gã khổng lồ công nghệ Mỹ như Cisco Systems, Motorola hay T-Mobile.
“Tôi chỉ có thể đánh cắp các công nghệ của Mỹ vào ngày mai. Mỹ thậm chí còn chưa có được những công nghệ đó. Chúng tôi đang đi trước Mỹ bởi nếu không, ông Trump sẽ không phải cố gắng tấn công chúng tôi”.
Bloomberg cho biết doanh số của Huawei cao hơn cả 2 gã khổng lồ Internet là Alibaba và Tencent cộng lại. Năm 2018, công ty Trung Quốc đã vượt qua Apple để trở thành nhà sản xuất smartphone lớn thứ 2 thế giới.
“Mỹ chưa bao giờ mua sản phẩm từ chúng tôi. Ngay cả khi Mỹ muốn mua sản phẩm của Huawei trong tương lai, tôi có thể sẽ không bán cho họ. Sẽ không có bất cứ cuộc đàm phán nào”, ông Nhậm cho biết.
Theo: Zing.vn
Yên tâm! Điện thoại Huawei tiếp tục được cập nhật phần mềm và dịch vụ hậu mãi
(Techz.vn) Các smartphone hiện tại của Huawei vẫn được cung cấp các bản vá bảo mật từ Google cũng như nhận các chương trình sau bán hàng từ nhà sản xuất.