Linh kiện máy bay không người lái, điện thoại, thiết bị lập thể và nhiều sản phẩm khác nữa từ lâu đã được bán ở chợ điện tử Huaqiangbei, Thâm Quyến, Trung Quốc. Thế nhưng một phần "thiên đường công nghệ" này đang biến mất.
Vào tuần này, một trong những trung tâm thương mại nhiều tầng của Huaqiangbei bị đóng cửa để phá hủy: tòa nhà Điện tử Gaokede, nơi có khoảng 2.000 tiểu thương đã đóng cửa vào ngày 1/4.
Thiên đường hàng nhái
Huaqiangbei từng được xem là “đồng hồ đo tốc độ phát triển” của Trung Quốc. Khu vực này được biết đến với nguồn cung cấp linh kiện dồi dào từ các công ty phần cứng lớn đóng quân ở gần Thâm Quyến. Tuy vậy, điều thú vị khi ở đây cũng có rất nhiều sản phẩm được trưng bày là "hàng nhái chính hãng 100%", điều cốt lõi khiến danh tiếng nơi đây đồn xa.
Thiên đường công nghệ ở Trung Quốc Ảnh: Thomas Leung.
Bạn có thể tìm thấy ở đây iPhone X giá 100 USD, tai nghe Beats by Dre nhái và nhiều món đồ trên Kickstarter hết sức hấp dẫn, trước cả khi chúng ra mắt thị trường.
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Thâm Quyến đã cố gắng loại bỏ “danh tiếng” không mấy tốt lành này bằng cách tấn công hàng giả.
Jack Xie, Giám đốc Tiếp thị và Tư vấn IP tại công ty Sở hữu trí tuệ Borsam có trụ sở tại Thâm Quyến cho biết thành phố đang ra sức để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Mặc dù vậy, hàng nhái cũng không hẳn là một điều quá xấu xa. Sao chép cũng có nghĩa là chia sẻ kiến thức, và văn hóa công nghệ ở Thâm Quyến có danh tiếng thực sự về điều này.
Các robot ở chợ Huaqiangbei. Ảnh: Thomas Leung.
Văn hóa chia sẻ này đã khiến một số người so sánh ngành công nghiệp hàng nhái cũng giống như sản xuất phần cứng mã nguồn mở. Nhiều công ty công nghệ địa phương đã được hưởng lợi từ môi trường này.
Thâm Quyến cũng là một điểm nóng của vụ kiện sản xuất xe tay ga tự cân bằng. Nguồn gốc là từ công ty Segway có trụ sở tại Mỹ đã tố công ty Trung Quốc Ninebot vi phạm quyền sở hữu trí tuệ. Vào năm 2015, bị cáo có trụ sở tại Bắc Kinh chỉ đơn giản là mua luôn công ty đã kiện mình tại Mỹ.
Sau khi mua lại Segway của Mỹ, giờ đây Ninebot hoàn toàn làm chủ công nghệ xe điện tự cân bằng 2 bánh, 1 bánh, xe không trục, ván trượt tự cần bằng và cả robot. Công ty này trước đây là một trong những nhà cung cấp linh kiện chính cho cơn cuồng xe điện cân bằng tại Mỹ.
"Học hỏi" và "cải thiện"
“Làm nhái sản phẩm chỉ là một phần của quá trình học hỏi và cải thiện”, Xie cho biết. Sau quá trình "học hỏi" này, hiển nhiên Trung Quốc có “cải thiện” và sáng tạo ra những sản phẩm tốt hơn.
Việc thúc đẩy bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ chặt chẽ hơn không phải là lý do duy nhất làm Huaqiangbei chùn bước. Thậm chí đây cũng chẳng phải một trong những lý do chủ đạo.
Vô số các loại đèn tại chợ điện tử Huaqiangbei. Ảnh: Thomas Leung.
Nhiều người vẫn thích tìm kiếm các thiết bị giá rẻ như găng tay Bluetooth và điện thoại siêu nhỏ, song giờ họ có thể mua sắm trên các trang web thương mại điện tử.
Doanh nghiệp cũng chuyển sang buôn bán trực tuyến làm giảm tầm quan trọng của khu chợ truyền thống. Việc tăng mức lương trung bình cũng làm cho các loại hàng mua trực tiếp giá rẻ ở chợ trở nên ít hấp dẫn hơn. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp của Thâm Quyến, một trong những thành phố tăng trưởng nhanh nhất Trung Quốc.
Lương tăng, tiền thuê nhà cũng tăng. Mặc dù khu vực này vẫn có khoảng 65.000 doanh nghiệp với 220.000 nhân viên, tỷ lệ thuê sạp bán đã giảm. Kết quả là vùng đất thánh của dân thích đồ giả sắp sửa được cải tạo cho một dự án khác “kinh tế” hơn.
Theo: Zing.vn
Lý do xe Trung Quốc nhái thiết kế mà không bị phạt
(Techz.vn) Không có luật bản quyền quốc tế, chỉ có công ước quốc tế là lý do để các hãng xe Trung Quốc ngang nhiên copy thiết kế từ nước ngoài.