Scorpius

'Ân oán' giữa Phạm Nhật Vũ và bầu Kiên

Lần hiếm hoi Phạm Nhật Vũ xuất hiện khá nóng trên truyền thông là vào năm 2011, trong một vụ 'va chạm' với ông bầu Nguyễn Đức Kiên.

Ông Phạm Nhật Vũ và bầu Kiên khi còn "tung hoành ngang dọc".

Đó là khi bầu Kiên đứng ra thành lập CTCP Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và tranh giành quyền phát sóng V-League với CTCP Nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) sau khi AVG ký hợp đồng độc quyền phát sóng V-League với thời hạn 20 năm.

Khi đó, bầu Kiên và công khai phản đối hợp đồng vô lý này và liên tục chỉ trích cá nhân ông Phạm Nhật Vũ. Ngay sau khi VPF thỏa thuận với VTV về việc phát sóng các trận đấu thuộc V-League, ông Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ tịch VPF, cho biết: "Tôi không biết gì về bản hợp đồng của người khác. Tôi chỉ biết việc của chúng tôi, của VPF. Tôi chỉ làm trong phạm vi và quyền hạn mà công ty VPF được phép. Cái gì liên quan giữa AVG và VFF là chuyện riêng giữa hai bên".

Ông Kiên phớt lờ AVG và nói: "Tôi bảo đảm một điều là VPF sẽ có một hợp đồng bản quyền truyền hình giá trị cao hơn nhiều lần so với hợp đồng đã có".

Ông Phạm Nhật Vũ khi còn chưa vướng vòng lao lý

Ngay sau đó, phía AVG tuyên bố không coi VPF là đối tác đàm phán, cũng như không chấp nhận việc VFF đơn phương chuyển giao hợp đồng của mình với VPF. AVG chỉ cho phép VPF tiếp cận hợp đồng sau khi có văn bản đồng ý của cả công ty này cùng VFF.

Khi tranh chấp giữa VFF và VPF tới đỉnh điểm căng thẳng, khi đó Phạm Nhật Vũ, với tư cách là Chủ tịch AVG đã có bài viết gửi một số báo với tựa đề “Tôi không tin bầu Kiên”.

“Trở lại với bản quyền bóng đá, kể từ khi anh Kiên nói và khởi động việc thành lập VPF, tôi đã quan sát, đã lắng nghe rất kỹ. Nhưng mãi đến ngày hôm nay tôi vẫn chưa hiểu động cơ và tính mục đích của việc đòi xem lại hợp đồng mà VFF đã ký với AVG. Chưa thấy mối liên quan nào giữa việc xây dựng và phát triển bóng đá (là một trong các mục tiêu của việc thành lập ra VPF) với việc đòi xem xét và lấy lại bản quyền của AVG”, ông Vũ viết. 

Tuy nhiên, sau đó ông Phạm Nhật Vũ xuống nước và nói rằng mình là một Phật tử nên không “đôi co” với bầu Kiên.

"Có nhiều thông tin khác nhau về AVG. Cá nhân tôi không sợ người ta nghĩ xấu hay nghĩ sai về mình. Tôi chỉ sợ cái tâm mình sai, tâm mình xấu thôi".

AVG được ông Vũ thành lập vào năm 2010 với vốn điều lệ 1.800 tỷ đồng. Sau thương vụ giành quyền phát sóng 20 năm bằng một bản hợp đồng chưa từng có trong lịch sử phát sóng các giải đấu trên thế giới, AVG càng được biết đến nhiều hơn khi kéo được ông Trần Đăng Tuấn (Phó TGĐ Đài truyền hình Việt Nam) về làm Tổng giám đốc.

Ngoài chức danh Chủ tịch AVG, ông Phạm Nhật Vũ còn được biết đến là một Phật tử ăn chay trường với pháp danh Từ Vân.

Cư sỹ Từ Vân - Phạm Nhật Vũ từng có thời gian đảm nhiệm chức vụ Phó Trưởng Ban thường trực Ban Truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Với vai trò này, ông Vũ từng xuất hiện trước truyền thông để trả lời những vấn đề liên quan đến Giáo hội, như vấn nạn sư giả, giới luật nhà Phật,…

Ngày 13/4/2019, ông Phạm Nhật Vũ bị khởi tốbắt tạm giam về tội "Đưa hối lộ" quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Ông Phạm Nhật Vũ sinh năm 1972. Suốt thập niên 90 và đầu những năm 2000, ông làm ăn tại Liên Xô, sau đó trở về nước kinh doanh bất động sản. Là một doanh nhân kín tiếng, tuy nhiên xung quanh ông Vũ cũng có khá nhiều câu chuyện đời tư khác thường được người đời rỉ tai nhau.

Theo: Vietnamnet 

 

AVG thời ông Phạm Nhật Vũ được “thổi giá” ra sao khi về tay MobiFone

(Techz.vn) Qua bàn tay của các công ty tư vấn, giá trị của Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) đã bị đẩy lên gấp nhiều lần. Kết quả, khiến MobiFone chịu thiệt hại do mua nợ phải trả của AVG là 1.134 tỷ đồng và đối mặt nguy cơ hiện hữu thiệt hại nghiêm trọng vốn của Nhà nước tại MobiFone khoảng 7.006 tỷ đồng.