Các dự án giao thông theo hình thức BOT có ý nghĩa góp phần vào phát triển cơ sở hạ tầng, rút ngắn thời gian và chi phí lưu thông đường bộ. Tuy nhiên, để không ảnh hưởng tới việc hoạt động kinh doanh và nhu cầu đi lại của các phương tiện nhà đầu tư cũng phải cân đối giữa mức thu và điều chỉnh lộ trình cho phù hợp.
Dân bức xúc vì phí đường bộ tăng
Mức phí qua trạm BOT đồng loạt tăng cao.
Với lý do phải hoàn vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hàng loạt các trạm thu phí BOT đã thực hiện điều chỉnh tăng phí khi lưu thông qua trạm. Theo đó, hầu hết các trạm BOT trên cả nước điều được điều chỉnh tăng giá vé. Điển hình là trạm thu phí Bến Thủy (Nghệ An) đã chính thức tăng giá vé từ 30.000 đồng/lượt lên 45.000 đồng/lượt. Trên các tuyến đường cao tốc khác cũng được điều chỉnh tăng mức phí so với hiện hành.
Việc điều chỉnh tăng mức phí BOT không chỉ khiến người dân xung quanh nơi đặt trạm thu phí mà các doanh nghiệp vận tải khác cũng rất bức xúc và phản ứng dữ dội. Đồng loạt các ý kiến đã kiến nghị Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT giảm phí lưu thông đường bộ.
Nhà xe kêu phí cao, bảo hộ nói thấp
Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Hồng Trường phát biểu tại buổi họp báo.
Thứ trưởng Bộ GTVT – ông Nguyễn Hồng Trường cho biết: khi xây dựng các dự án BOT, cả Bộ GTVT và Bộ Tài chính đều đã có phương án tài chính, điều chỉnh mức tăng phí qua trạm BOT để hoàn vốn nhằm đảm bảo lợi ích của các bên.
Bộ cho rằng hiện nay, hầu hết các trạm thu phí trên cao tốc đều thu với mức phí 1.500 đồng/km, trừ đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, vì cao tốc này mở đường mới 100%, tiền phần lớn của doanh nghiệp đi vay và Nhà nước hỗ trợ một phần. Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam cũng đề xuất tăng phí lên 2.000 đồng/km trên cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình nhưng Bộ đang cân nhắc và tạm thời chưa phê duyệt.
Trạm thu phí trên đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.
Đối với các trạm trên quốc lộ mức phí phổ biến từ 30.000 – 35.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn, một số trạm là 45.000 đồng/lượt xe tiêu chuẩn. Khoảng cách tiêu chuẩn giữa các trạm thu phí là 70 km/trạm. Tuy nhiên có một số trạm có khoảng cách gần hơn, Bộ GTVT cũng đã rà soát và di rời cho hợp lý.
Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết, thời gian thu hồi vốn ở một số nước cho mỗi trạm BOT khoảng 20-30 năm. Trong đó Việt Nam là 25 năm, nếu so sánh với hầu hết các nước thì mức phí đường bộ BOT của Việt Nam rẻ nhất Đông Nam Á, ví như Trung Quốc là 1 nhân dân tệ/km, còn các nước châu Âu từ 0,5 – 1 USD/km.
Liên quan tới bức xúc của người dân cũng như các doanh nghiệp vận tải, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ xem xét, tính toán lưu lượng xe ở các trạm thu phí cũng như sức chịu đựng của người dân xung quanh khu vực trạm BOT để đưa ra lộ trình tăng phí một cách phù hợp nhất.
Tham khảo: Anninhthudo