Liên quan tới vấn đề này, PV Lao Động đã có cuộc trao đổi nhanh với TS kinh tế Lương Hoài Nam.
Người Hà Nội không phải ai cũng sống gần mặt phố, có những con ngõ sâu, nhỏ, không có xe buýt, nếu cấm xe máy thì sẽ rất khó khăn khi di chuyển. Ông bình luận gì về ý kiến này?
- Người dân trong ngõ sâu có thể đi ra các phố lớn bằng các phương tiện giao thông công suất nhỏ, bằng xe đạp, nếu dưới 1km thì có thể đi bộ.
Tôi có gần 10 năm sống ở Châu Âu, không có ôtô, chẳng có xe máy, mỗi ngày đi bộ mấy km khi sử dụng giao thông công cộng (GTCC) như xe buýt, tàu điện.
Đa số người dân ở đó cũng sống như vậy, không ôtô, không xe máy, chỉ biết đến GTCC.
Bến xe, bến tàu cách nhà, cách nơi làm việc trên dưới 1 km là bình thường, có thể đi bộ. Xa hơn thì dùng xe đạp. Ở Yangon (Myanmar) có xe lam. Ở Hong Kong có xe buýt mini...
Hà Nội cấm xe máy thời điểm này có quá muộn?
- Cấm xe máy và hiện đại hóa đô thị thành công nhất là ở Trung Quốc.
Không chỉ các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu,… mới cấm xe máy. Mấy thành phố nhỏ, thị xã, thị trấn gần biên giới Việt Nam cũng cấm xe máy. Sắp tới, Trung Quốc sẽ cấm cả xe đạp điện.
Chúng ta bây giờ mới bắt đầu là hơi muộn, khi số lượng xe máy đã quá lớn. Năm 1995, cả nước chỉ có 4 triệu chiếc xe máy, nhưng bây giờ đã gần 60 triệu chiếc.
Khi xe máy giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt vào Việt Nam cuối thập niên 90, ép xe máy Nhật hạ giá mạnh và diễn ra việc “bình dân hóa xe máy”, phù hợp với túi tiền của nhiều gia đình. Khi đó, chúng ta hồ hởi mà không biết rằng điều đó xảy ra là vì bên Trung Quốc bắt đầu cấm xe máy ở các đô thị lớn, xe máy ở họ “di cư” sang nước ta.
Giao thông công cộng ở Hà Nội hiện nay đã đáp ứng được nhu cầu của người dân không?
- Xe máy đã giết chết giao thông công cộng. Giao thông công cộng hiện rất èo uột, ở cả Hà Nội và TP HCM, chỉ đáp ứng được trên dưới 10% nhu cầu đi lại của người dân.
Hà Nội vốn có tàu điện từ thời Pháp thuộc. Thay vì hiện đại hóa tàu điện như ở châu Âu, Bắc Mỹ, Úc, HongKong, Nhật Bản…, chúng ta lại dỡ đường tàu điện để lấy đường cho xe máy chạy.
Không một nơi nào có tàu điện mà lại bỏ tàu điện như ở Hà Nội. Tàu điện vẫn chạy ở tất cả những nơi có nó, suốt hơn 100 năm qua. Nó rẻ và đẹp, đi lại bằng tàu điện rất thư giãn. Tàu điện rất phù hợp cho các thành phố du lịch.
Chúng ta cố gắng phát triển xe buýt, nhưng xe buýt đã không còn đường thông thoáng để chạy nhanh, nhiều, an toàn.
Xe buýt cũng không còn nhiều hành khách để bán vé và kinh doanh hiệu quả khi hơn 80% người dân đi lại bằng xe máy.
Tàu điện ngầm thì quá tốn kém, mà cũng không ở đâu tàu điện ngầm là phương tiện GTCC chủ lực. Xe buýt mới là phương tiện GTCC chủ lực, ở mọi nơi trên thế giới. Chỉ có xe buýt mới phủ kín được đô thị và thay thế được xe máy, còn tàu điện ngầm chỉ tạo được một số tuyến trục.
Người dân ở Singapore, HongKong không cần xe máy không phải vì họ có trên dưới 150 bến tàu điện ngầm, mà vì họ có trên dưới 5.000 bến xe buýt, phủ kín mọi nơi trong thành phố.
Đây là hai thành phố giàu trên thế giới, nhưng bình quân 12-15 người dân mới có 1 ôtô con. Nhiều người dân ở hai thành phố này cả đời chỉ đi lại bằng GTCC, không mua ôtô con.
Các nước khác thực hiện cấm xe máy như thế nào?
Quảng Châu bắt đầu “siết” xe máy từ đầu thập niên 90, đến 1.1.2007 thì cấm (trừ xe máy của quân đội, cảnh sát, bưu điện).
Khi đó Quảng Châu mới chỉ có vài ba tuyến tàu điện ngầm. Xe máy bị “siết” và giảm dần qua nhiều năm. Tại thời điểm cấm, cả Quảng Châu chỉ còn khoảng 400.000 xe máy (chưa bằng 1/10 số lượng xe máy ở Hà Nội hiện nay), nên không quá sốc với người dân.
Tôi cho rằng mục tiêu cấm xe máy vào năm 2030 là phù hợp với Hà Nội, TP.HCM.
Xin cảm ơn ông!
Theo: Autopro.com.vn
Siêu mô tô Tron Light Cycle trị giá 2,7 tỷ đồng của Đức "Tào Phớ" vận hành ra sao? Đây là câu trả lời
(Techz.vn) Siêu mô tô Tron Light Cycle có thiết kế rất đặc biệt nên cách vận hành và hoạt động của xe cũng không giống với các mẫu mô tô thông thường.