Doanh nghiệp

Biểu tượng của sự chăm chỉ là đây: Shark Linh từ chối học bổng toàn phần, chỉ nhận học bổng một phần để có động lực "cày cuốc" kiếm tiền, đi làm bao nhiêu năm vẫn chưa trả hết nợ

"Bạn không thể ăn gian với cuộc đời. Mình muốn cái gì cũng phải bỏ công sức làm", chị Thái Vân Linh - Giám đốc chiến lược và vận hành Công ty quản lý Quỹ đầu tư VinaCapital (thường được gọi là Shark Linh) chia sẻ trên chương trình Tôi chọn hạnh phúc của HTV.

"Để Linh tiến tới ngày hôm nay, Linh thấy tài năng chỉ là một phần nhỏ, đa số bởi mình đã chịu khó làm việc chăm chỉ… Linh rất tin vào câu thành công chỉ 1% là thông minh, còn 99% là chăm chỉ", Shark Linh nói.

Tính cách chăm chỉ của Shark Linh được xây dựng từ nền tảng nghèo khó của gia đình. Khi còn nhỏ, mẹ là thợ may gia công, ba là thợ cắt cỏ. Khi chiều cao đủ để sử dụng máy móc, chị bắt đầu bổ sung nhiệm vụ kiếm tiền vào thời gian biểu của mình: Ngày đi học, tối về may, cuối tuần đi cắt cỏ.

Bỏ trường cấp học bổng toàn phần, chọn trường cấp học bổng một phần để có cơ hội "cày cuốc" kiếm tiền

Biểu tượng của sự chăm chỉ là đây: Shark Linh từ chối học bổng toàn phần, chỉ nhận học bổng một phần để có động lực cày cuốc kiếm tiền, đi làm bao nhiêu năm vẫn chưa trả hết nợ - Ảnh 1.

Hiểu rằng với hoàn cảnh gia đình như vậy, học phí học đại học chị sẽ phải tự lo. Thuở ghi danh nộp đơn học đại học, chị có 2 trường chấp nhận. Một trường cấp học bổng toàn phần, một trường uy tín hơn, chỉ hỗ trợ tài chính một phần.

"Lúc đó, hẳn nhiều học sinh khác sẽ chọn hướng 100% được tài trợ. Linh nghĩ hướng đó hơi sai lầm, mình phải nghĩ lâu dài, thà chịu khó ngay lúc này... Khi họ tài trợ phân nửa thì mình phải đi làm để trả tiền phân nửa kia. Đừng chọn hướng đi quá dễ!", Shark Linh kể lại.

Lựa chọn ngôi trường không tài trợ học bổng toàn phần, cô gái chưa đến đôi mươi sau khi học hết tất cả các môn cần học lại làm việc thêm 40 giờ/tuần.

Một ngày của chị bắt đầu từ 8 - 9 giờ sáng, kết thúc cũng 8 - 9 giờ tối, sau đó là ôn bài, đi họp nhóm để làm dự án chung trong lớp. Một tuần chỉ còn vài tiếng coi truyền hình hoặc giải trí.

Thời điểm quyết định học lên thạc sỹ, Shark Linh cũng lên một kế hoạch tương tự kế hoạch học đại học ngày xưa: Tình hình kinh tế không quá khả quan, ngôi trường nào sẽ chấp nhận và phù hợp với mình?

Một trong những yếu tố các trường đòi hỏi là điểm rất cao trong cuộc thi GMAT (Graduate Management Admission Test) - là bài kiểm tra được các trường kinh tế sử dụng như một tiêu chí lựa chọn đầu vào chương trình quản trị kinh doanh bậc trên đại học.

Thời điểm ấy, điểm GMAT các trường yêu cầu phải ở mức 700, nhưng khi làm thử chị chỉ đạt 500. Thời điểm ấy, người phụ nữ chăm chỉ tự gò ép mình ngày làm 2 bài test, mỗi bài mất chừng 2,5 - 3 tiếng. Tức ngoài 10 tiếng đi làm, chị phải bỏ ra thêm 5-6 tiếng làm bài test. Mỗi ngày học và làm việc trở nên dài hơn, kéo dài từ 6 giờ sáng đến 1 giờ sáng, kéo dài ròng rã 6 tháng trời.

Sau 6 tháng khổ luyện, chị đạt 720 điểm.

Thành công luôn phải đánh đổi, lựa chọn là phải hy sinh. Hai thứ Linh chọn hy sinh lúc ấy là Tiền và Gia đình

Biểu tượng của sự chăm chỉ là đây: Shark Linh từ chối học bổng toàn phần, chỉ nhận học bổng một phần để có động lực cày cuốc kiếm tiền, đi làm bao nhiêu năm vẫn chưa trả hết nợ - Ảnh 3.

Shark Linh lên kế hoạch học Thạc sỹ cũng như kế hoạch học đại học, vạch ra 7 trường gửi đơn. Mỗi trường cần vài bài viết, mỗi bài 4-5 trang và 2 người giới thiệu. Trong 7 trường ấy, có trường đã cấp cho chị 100% học bổng. Nhưng sau khi cân nhắc, chị đã không chọn ngôi trường ấy.

"Trường Linh chọn thì không cho học bổng toàn phần, nhưng Linh nhận thấy trường đó nếu học được thì sau này sẽ ảnh hưởng đến tương lai của mình khá nhiều. Cho nên, Linh chọn trường mà mình phải trả hết tiền. Đó là ĐH Wharton, tên đầy đủ là University of Pennsylvania - luôn nằm trong Top 3 đại học danh tiếng của Mỹ về lĩnh vực tài chính", Shark Linh kể.

Chia sẻ về những điều mình phải hy sinh, chị Thái Vân Linh cho biết có 2 điều: Điều phải hy sinh đầu tiên là Tiền. Để đi học trường danh giá đó, Shark Linh phải mượn tiền để đi học.

"Nói thật đến ngày hôm nay, Linh vẫn còn trả tiền trường", Shark Linh nói.

Điều hy sinh thứ 2, Giám đốc chiến lược và vận hành VinaCapital rơm rớm nước mắt nhắc đến Gia đình. Trước đó, chị là người đã nuôi ba, mẹ và em gái. Thời điểm lựa chọn học thạc sỹ, ba lại vừa mất, trường Wharton ở rất xa nhà. Lựa chọn ngôi trường này, chị phải bỏ lại mẹ và em gái ở quê.

"Khi đi học cũng không có tiền lương, bởi lần này học Thạc sỹ rất khó, vừa học vừa làm là không thể", chị nghẹn ngào.

"Linh bàn với mẹ về quyết định mình buộc phải đi xa. Vì tương lai của gia đình, mình buộc phải làm. Mình biết ngay lúc đó đây là quyết định ngắn hạn, gia đình phải chịu cực, nhưng sau đó mình sẽ phát triển hơn".

Có những quyết định khi đưa ra vừa phải nghĩ tới bản thân, vừa phải chu toàn cho gia đình. Quyết định ngày ấy chị cho rằng nghĩ lâu dài thì vừa tốt cho gia đình, vừa tốt cho bản thân chị, có những lúc khi nghĩ ngắn hạn thì có thể giống như chị đã chọn bản thân của mình hơn là gia đình, bởi nếu chọn ngôi trường cấp học bổng 100% ấy, chị sẽ không tốn thêm chi phí, lại được ở gần gia đình hơn.

"Nhưng trường đó không tốt bằng trường Wharton, Wharton về lâu dài tốt hơn. Đến ngày hôm nay, Linh vẫn thấy quyết định đó là đúng, nhưng ngay lúc đó khi đưa ra quyết định rất khó", Shark Linh kể.

Nhiều người hỏi chị bí quyết thành công là gì, và chị luôn trả lời bí quyết thành công là chăm chỉ. "Nhiều lúc Linh nói ra điều đó thấy mặt họ xị liền. Họ hỏi: "Thực sự hả, đang giấu gì vậy?" Thực sự không giấu gì hết. Mình chỉ vô sớm, về trễ, tiếp tục làm việc tìm hiểu. Đó là bí quyết", Shark Linh chia sẻ.

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

"Giật mình" với mức giá 34 triệu cho siêu phẩm chơi game Black Shark 2

(Techz.vn) Mới đây, siêu phẩm chuyên game mới của Xiaomi, Black Shark 2 đã có giá bán chính thức trên trang chủ hãng với mức giá lên tới 34 triệu đồng.