Thủy sản thành danh, đại gia làm mạnh
Năm 2018, Tập đoàn Minh Phú (MPC) của ông Lê Văn Quang tiếp tục ghi nhận nhiều kết quả tích cực. MPC trở thành công ty chế biến tôm lớn nhất thế giới, nắm giữ gần 5% thị phần tôm toàn cầu. Giấc mơ doanh thu xuất khẩu tỷ USD đang dần trở thành hiện thực sau nhiều năm gặp khó khăn.
MPC trở thành một DN trong lĩnh vực thủy sản và ghi nhận những kết quả ấn tượng trong bối cảnh nền kinh tế thế giới năm 2018 gặp nhiều khó khăn. Giá tôm - mặt hàng xuất khẩu chính của Thủy sản Minh Phú - giảm tới 25% do nguồn cung lớn từ Ấn Độ.
Trong năm 2019, Minh Phú có thể còn gặp thuận lợi hơn nữa và tiếp tục giữ vững vị trí “vua tôm” bởi nhiều khả năng giá tôm nguyên liệu còn giảm thấp nữa nhờ công nghệ nuôi mới của Minh Phú chuyển giao cho người nuôi tôm (nuôi trong ao nổi, khung thép, đáy lót bạt).
Lợi thế về nguồn vốn mới và đối tác Mitsui có thể giúp MPC mở rộng thị trường tại Nhật và hệ thống phân phối trên khắp thế giới. Khi thời cơ và vận may đến dồn dập, MPC của ông Lê Văn Quang đang đẩy mạnh dự án đầu tư nhà máy mới và đầu tư kho lạnh ngay tại nước Mỹ.
Thủy sản là thế mạnh của Việt Nam.
Cùng trong lĩnh vực thủy sản, Vĩnh Hoàn (VHC) của bà Trương Thị Lệ Khanh cũng chứng kiến một năm 2018 tăng trưởng ngoạn mục, với vị thế là doanh nghiệp xuất khẩu cá tra số 1 Việt Nam.
VHC là doanh nghiệp được hưởng lợi lớn từ căng thẳng Mỹ - Trung. Xuất khẩu của VHC sang cả hai thị trường này đều tăng mạnh. Triển vọng tương lai của Vĩnh Hoàn càng trở nên rõ ràng hơn khi Việt Nam chính thức được đưa vào danh sách các nước đủ điều kiện xuất khẩu cá da trơn vào Mỹ.
Việc Mỹ mới đây công nhận cá tra của Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang Mỹ trong khi 11 nước không đủ điều kiện được xem là một thông tin hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp nội địa. Tất cả là nhờ sự nỗ lực và sự làm ăn bài bản của chính các doanh nghiệp Việt.
Trung Quốc và Thái Lan là hai nước khác cũng đủ điều kiện. Tuy nhiên, trong gói đánh thuế mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump áp mức thuế 10% lên sản phẩm thủy sản nhập khẩu từ Trung Quốc. Trong khi cuộc chiến Mỹ - Trung được dự báo sẽ kéo dài thì đây được xem là cơ hội hiếm có để các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, cá basa Việt Nam giành nốt thị phần nhỏ còn lại tại nước Mỹ.
Vĩnh Hoàn và Hùng Vương thậm chí còn được hưởng lợi lớn hơn bởi nằm trong số ít các doanh nghiệp hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0. Nếu kết quả cuối cùng của POR14 (có hiệu lực từ tháng 4/2019) không có gì thay đổi, Thủy sản Hùng Vương của ông Dương Ngọc Minh và Thủy sản Vĩnh Hoàn của bà Trương Thị Lệ Khanh sẽ tiếp tục bùng nổ trong năm 2019.
Vợ chồng vua tôm Lê Văn Quang - Chu Thị Bình.
Du lịch: Mũi nhọn tiên phong
Trong lĩnh vực du lịch, Hạ Long, Vân Đồn, Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng,... giờ trở nên nổi tiếng và trở thành điểm đến của nhiều dự án tỷ USD.
Với chính sách thông thoáng, các đại gia Việt đã rót hàng nghìn tỷ đầu tư vào du lịch và phát triển hạ tầng, đem lại diện mạo mới cho ngành du lịch. Riêng trong năm 2018, Sungroup của tỷ phú USD ẩn danh Lê Viết Lam đã hoàn thành dự án sân bay Vân Đồn với tổng đầu tư gần 8 ngàn tỷ đồng. Đây là động lực mới để phát triển du lịch Quảng Ninh.
Sungroup còn đang triển khai dự án khu phức hợp giải trí nghỉ dưỡng cao cấp có quy mô lớn chưa từng có cũng tại Vân Đồn với quy mô 2.000 ha và tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2025.
Ông Lê Viết Lam, chủ Tập đoàn Sungroup.
Nhiều ông lớn bất động sản trong nước đã mạnh dạn đầu tư các dự án du lịch, vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng tầm cỡ quốc tế như: Phoenix Legend Ha Long Bay Villas and Hotel; Biệt thự và sân golf FLC Hạ Long; Sun World Halong Complex; Vinhomes Dragon Bay hay; Tuần Châu Marina Hạ Long; Syrena Việt Nam của Bim Group.
Ở Thanh Hóa, các tập đoàn lớn như Vingroup, FLC,... cũng đã và đang phát triển khai nhiều tổ hợp BĐS nghỉ dưỡng và khách sạn lớn. FLC Samson Beach & Golf Resort 18 hố và khách sạn 5 sao có quy mô vốn nhiều ngàn tỷ đồng đã đi vào hoạt động và đã tạo thêm điểm thu hút khách cho địa danh du lịch biển Sầm Sơn.
Tại Phú Quốc, hàng trăm dự án du lịch đã và đang được triển khai trên diện tích cả chục ngàn hecta với tổng vốn đầu tư cả chục tỷ USD. Nhiều khách sạn, khu nghỉ dưỡng, bệnh viện, casino, safari,... ngang tầm quốc tế dồn dập xuất hiện.
Ở phía Nam đảo Phú Quốc, Tập đoàn Sungroup đã đầu tư nhiều tỷ USD, trong đó có tổ hợp vui chơi giải trí Sun World Hon Thom Nature Park với cáp treo dài nhất thế giới, khu nghỉ dưỡng hai mặt biển hiếm có ở Mũi Ông Đội - Premier Village Phu Quoc Resort, khu resort JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay với 4 giải thưởng World Travel Awards và condotel 5 sao Premier Residences Phu Quoc Emerald Bay ở Bãi Kem...
Các đại gia dồn dập đầu tư vào du lịch - thế mạnh của Việt Nam.
Trước đó, tập đoàn của ông Lê Viết Lam cũng đã rất nổi tiếng với hàng loạt tổ hợp du lịch giải trí với quy mô, tầm vóc tương đương, thậm chí còn lớn hơn một số tổ hợp tương tự trong khu vực như InterContinental Danang Sun Peninsula Resort, Sun World Danang Wonders, Sun World Ba Na Hills, Sun World Ha Long Complex, Sun World Fansipan Legend,...
Việt Nam đang phấn đấu trở thành một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới. Sự hiện diện của các nhà đầu tư lớn là động lực thúc đẩy Việt Nam tiến về phía trước và phát huy tối ưu tiềm lực du lịch quốc gia, đạt mục tiêu du lịch chiếm 10% GDP như kỳ vọng của Chính phủ.
Tiềm năng cũ và những tỷ phú tiềm ẩn
Không chỉ thủy sản và du lịch, làn sóng đầu tư của các đại gia Việt vào thế mạnh nông sản Việt Nam như café, cao su, mía đường, gạo,... cũng không ngừng nghỉ, hứa hẹn mang đến nhiều tỷ phú mới trong tương lai.
Trong năm 2018, Tập đoàn Thaco của ông Trần Bá Dương đã có thỏa thuận hợp tác với doanh nghiệp của ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức). Theo đó, Thaco sẽ đầu tư cả tỷ USD vào doanh nghiệp của Bầu Đức với định hướng xây dựng một đế chế nông nghiệp, sản xuất cây trái cũng như cao su lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức có thể bứt phá thành 1 đế chế nông nghiệp.
Sau thời gian dài chật vật, HAGL Agrico có thể sẽ bứt phá đi lên khi mà giá cao su đang khởi sắc trở lại. Các sản phẩm thanh long, chanh dây, chuối, xoài,... của doanh nghiệp của Bầu Đức cũng đang có lợi thế cạnh tranh lớn trong khu vực và trên thế giới.
Ông lớn Vingroup của tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng cũng đã khá thành công với thương hiệu nông sản VinEco. Định hướng đầu tư nông sản sạch, theo chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng công nghệ cao,... đang góp phần nâng cao giá trị và thế mạnh nông sản Việt.
Trong khi đó, Chứng khoán SSI của ông Nguyễn Duy Hưng cũng có những bước đột phá trong lĩnh vực nông sản thế mạnh của Việt Nam với một bước đi khác hoàn toàn: thông qua con đường mua bán sáp nhập (M&A).
PAN Group của ông Hưng là một trong các công ty nông nghiệp - thực phẩm có quy mô lớn với hàng chục công ty con, công ty liên kết như Bibica, Giống cây trồng Trung ương, Thực phẩm Sao Ta...
Đại gia mía đường Thành Thành Công đã có thương vụ bạc tỷ, thực hiện mua bán, sáp nhập doanh nghiệp (M&A) để hình thành một đế chế mía đường có vốn hóa lên tới nửa tỷ USD, quy mô và thị phần tăng mạnh, kèm theo đó là cuộc sống sung túc của hàng ngàn hộ dân trồng mía.
Hiện, ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn Thành Thành Công, có trong tay doanh nghiệp lớn nhất ngành mía đường Việt Nam, với số vốn và doanh thu đạt cả chục ngàn tỷ đồng. Tổng diện tích mía lên tới trên 60 ngàn hecta, chiếm hơn 20% diện tích mía cả nước và tổng lượng đường chiếm 40% thị phần cả nước.
Có thể thấy, làn sóng các doanh nghiệp Việt lớn đầu tư mạnh vào các thế mạnh của Việt Nam như du lịch, nông thủy sản đã và đang mang đến cho nền kinh tế một sức sống mới. Rất nhiều mặt hàng nông thủy sản đã có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD. Sự xuất hiện của các tập đoàn lớn đã và đang làm thay đổi diện mạo ngành nông nghiêp, thủy sản và du lịch Việt Nam, đưa các ngành này trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mang lại những lợi ích to lớn cho đất nước.
Theo: Vietnamnet
Bí quyết làm giàu của Jack Ma: Biết kết thân với 3 kiểu người này, không sớm thì muộn bạn cũng có thể trở thành tỷ phú
(Techz.vn) Muốn biết một người có thể đi bao xa trên con đường sự nghiệp, phải xem họ kết thân và đồng hành với ai.