Scorpius

Kiếm nửa tỷ USD, đại gia kín tiếng vượt tỷ phú Phạm Nhật Vượng

CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) của ông Nguyễn Đức Tài vừa công bố báo cáo tóm tắt kinh doanh với một thông tin đáng chú ý về mảng kinh doanh online. Theo đó, MWG của đại gia điện thoại và điện máy gốc Nam Định ghi nhận doanh thu online đạt mức kỷ lục: gần 12,4 ngàn tỷ đồng (530 triệu USD) trong năm 2018, tăng gấp hơn 2 lần so với 2017.

Nhờ cú bứt phá ngoạn mục trên, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong thị trường bán lẻ trực tuyến tại Việt Nam, vượt qua các đối thủ sừng sỏ đến từ trong và ngoài nước như: Lazada (của Alibaba); Adayroi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Sendo của FPT ông Trương Gia Bình; Shopee của Singapore; Nguyễn Kim (bán cho Thái); Chợ Lớn,...

Với mức doanh thu online như hiện tại, Thế giới Di động của ông Tài đang chiếm khoảng 7-8% tổng thị phần cả nước.

Trước đó, giới đầu tư đã thực sự lo ngại về triển vọng của Thế giới Di động khi mà ngành bán lẻ truyền thống gặp nhiều khó khăn và các doanh nghiệp như MWG của Nguyễn Đức Tài hay FPT Retail của ông Trương Gia Bình... đối mặt với nhiều thách thức.

Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận doanh thu online đạt hơn 12 ngàn tỷ đồng.

Sự bùng nổ của thương mại điện tử cùng với sự xuất hiện của các ông lớn như Alibaba của Jack Ma, Adayroi của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Sendo của FPT ông Trương Gia Bình; Shopee của Singapore, rồi những doanh nghiệp nhận được vốn đầu tư nước ngoài như Nguyễn Kim, Tiki,... khiến các cổ đông MWG thực sự lo ngại.

Các ông lớn thương mại điện tử có vốn nước ngoài không ngại chi tiền và chấp nhận lỗ để chiếm thị phần.

Gần đây, Shopee chớp thời cơ Lazada sa sút đã đẩy mạnh chiếm thị phần và trở thành trang thương mại điện tử có lượng truy cập lớn nhất Việt Nam. Cuộc chiến khốc liệt trong lĩnh vực thương mại điện tử đã chứng kiến nhiều doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ, hay hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm như Lazada. 

Kết quả doanh thu ở vị trí cao số 1 trong lĩnh vực bán hàng online của Thế giới Di động thực sự là bất ngờ trong bối cảnh đại gia thương mại điện tử Singapore Shopee tung chiêu tổng lực với tham vọng thành người dẫn đầu thị trường thương mại điện tử Việt Nam.

Kết quả kinh doanh online ấn tượng góp phần vào thành tích chung của MWG. Trong năm 2018, Thế giới Di động của ông Tài đạt tổng doanh thu hợp nhất hơn 86,5 ngàn tỷ đồng (3,7 tỷ USD), tăng 30% so với 2017.

Mặc dù gặp thuận lợi trong mảng online, nhưng thời gian tới Thế giới Di động của ông Tài có thể còn gặp rất nhiều khó khăn khi mà các đại gia thương mại điện tử vẫn không ngừng đổ tiền để chiếm thị phần, trong khi đó những ông lớn ngoại khác đang đổ bộ. 

Doanh thu thuần đạt hơn 86,5 ngàn tỷ đồng.

Cuộc đua trong lĩnh vực thương mại điện tử có thể còn khốc liệt hơn với sự xuất hiện của các đại gia lớn trên thế giới thời gian tới như Amazon của Mỹ và sự đẩy mạnh đầu tư của Alibaba thông qua Lazada,...

MWG của ông Nguyễn Đức Tài cũng gặp khó khăn về vấn đề quản trị khi mà hồi tháng 11/2018 doanh nghiệp dính tới vụ việc bị cáo buộc việc lộ thông tin của 5 triệu khách hàng. Mặc dù MWG phủ nhận mọi cáo buộc, nhưng vụ việc cũng khiến cổ phiếu này giảm mạnh và khách hàng lo sợ.

Cho đến nay, vẫn chưa thể khẳng định TGDD có bị tấn công hay không, các thông tin thẻ tín dụng trên mạng có chính xác hay không nhưng rõ ràng hành động của hacker khiến cho MWG gặp rất nhiều khó khăn. Việc thông tin bị tiết lộ một cách nhỏ giọt đã thu hút sự chú ý của truyền thông.

Trong đại hội cổ đông năm 2018, cổ đông của CTCP Thế giới Di động (MWG) đã thông qua ngân sách 2,5 ngàn tỷ đồng để HĐQT, đại diện là chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài, thực hiện mục tiêu thâu tóm và mở rộng chuỗi cửa hàng điện máy, đồng thời xây dựng một chuỗi cửa hàng dược phẩm. 

Ông Nguyễn Đức Tài xếp số 1 về bán lẻ thương mại điện tử.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), giao dịch tiếp tục sôi động phiên thứ 2 đầu năm Kỷ Hợi. Các cổ phiếu trụ cột tăng mạnh giúp thị trường đi lên như Vingroup, Masan, Hòa Phát, Vincom Retail,...

Nhóm cổ phiếu ngân hàng và chứng khoán vẫn hút dòng tiền khá tốt.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn tươi sáng hơn trong các dự báo.

SHS cho rằng, trong phiên giao dịch tiếp theo 13/2, VN-Index có tiếp tục tăng điểm nhưng với dư địa tăng ít hơn, kháng cự là ngưỡng 940 điểm. Nhà đầu tư đã mua vào khi VN-Index vượt 920 điểm trong phiên đầu tuần không nên mua đuổi và chỉ nên mua thêm nếu thị trường có nhịp điều chỉnh để retest thành công ngưỡng 920 điểm.

Theo Rồng Việt, thị trường hồi phục cùng với thanh khoản tốt là tín hiệu lạc quan ở thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư có thể tiếp tục giải ngân đối với các cổ phiếu large cap và midcap. Cần thận trọng khi giải ngân đối với cổ phiếu penny, nhất là đối với các cổ phiếu không được hỗ trợ bởi yếu tố cơ bản

Còn theo KIS, VN-Index tiếp tục bứt phá qua ngưỡng kháng cự quan trọng, đường MA100, cho thấy xu hướng tăng ngắn hạn được duy trì. Nhà đầu tư có thể gia tăng tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục và tập trung vào nhóm cổ phiếu dẫn dắt.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/2, VN-Index tăng 11,54 điểm lên 937,54 điểm; HNX-Index tăng 0,8 điểm lên 106,04 điểm. Upcom-Index tăng 0,03 điểm lên 55,64 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 230 triệu đơn vị, trị giá 4,9 ngàn tỷ đồng.

Theo: Vietnamnet 

 

Nữ tỷ phú hàng không, ông chủ Thế giới Di động sụt giảm tài sản

(Techz.vn) Trong tuần qua, TTCK Việt không có nhiều biến động mạnh, nhưng đà giảm của cổ phiếu doanh nghiệp vẫn khiến các ông, bà chủ doanh nghiệp này mất hàng trăm tỷ đồng.