Xe A-Z

Vợ thi trượt bằng lái xe, chồng vui như mở hội

Vợ thi trượt bằng lái xe, chồng vui như mở hội

Trong đời sống hiện đại ngày nay, mặc dù đàn ông, phụ nữ đều biết lái xe và mức độ gây tai nạn trong khi lái xe của cả hai là bằng nhau, vậy nhưng khi tranh luận chuyện phụ nữ lái xe, nhiều cánh mày râu lại lắc đầu ngán ngán ngẩm. Họ cho rằng, phụ nữ không nên lái xe và bớt đi một phụ nữ lái xe là bớt đi một nỗi lo cho xã hội.

Trên diễn đàn ôtô mới đây, một ông chồng đã đăng dòng thông báo tới mọi người chuyện vợ mình tiếp tục thi trượt bằng lái xe ô tô. Điều đặc biệt là thay vì buồn bã, anh ta tỏ ra rất vui mừng, sung sướng. Câu chuyện trên sau khi chia sẻ khiến cho rất nhiều người đàn ông có vợ đang học bằng lái xe ô tô đồng tình.

Dòng trạng thái người chồng chia sẻ lên diễn đàn ô tô.

Anh Thanh Hải, (38 tuổi, Hà Nam) cho rằng, “Phụ nữ là phái yếu, mà phái yếu thì chỉ sinh con, làm bếp núc, còn những công việc nặng nhọc và phức tạp như lái xe, kiếm tiền thì phải để cánh đàn ông lo. Nhiều người phụ nữ cứ chăm chăm đòi đi học lái xe nhưng họ đâu biết rằng khi họ lái xe thường dễ gây tại nạn hơn cánh đàn ông chúng tôi”.

Anh Văn Nam, (Văn Quán, Hà Nội) cho hay, phụ nữ là chúa điệu đà. Vì thế dù đang lái xe trên đường, nếu thấy mình xấu xí, họ cũng tranh thủ tô thêm son hay đánh thêm tý phấn cho đẹp mắt. Bên cạnh đó, khi lái xe, họ thường đi giày cao gót, sử dụng nó thường xuyên nên gây vướng víu khi cần luân chuyển giữa chân ga và chân phanh, khiến phản xạ bị giảm đi so với bình thường. Do tính chất gót cao, mỏng, nhọn, đôi giày có nguy cơ mắc lại ở thảm xe, hoặc tệ hơn là kẹt luôn trong chân phanh tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn cực kì cao.

Anh Hoài Nam, (42 tuổi, Hà Đông) thì thật thà tâm sự, mỗi lần vợ thi trượt lái xe, anh lại ngấm ngầm rủ bạn bè đi liên hoan chúc mừng.

Anh nói, “Phụ nữ biết lái xe cũng tốt, cũng giúp đỡ cho cánh đàn ông khi đi đâu xa lỡ có rượu bia quá chén thì vẫn có họ đưa đón về. Phụ nữ biết lái xe cũng oai oai nhưng nói thật, ngồi bên vô lăng của họ thì chắc chắn cánh mày râu chúng tôi ai cũng nhễ nhại mồ hôi. Tôi cho rằng,  họ lái xe tốt thế nào thì cũng không thể bằng đàn ông được nên tốt nhất là không cho họ cầm vô lăng”.

Nhiều phụ nữ đi học lái xe. Ảnh VietNamNet

Anh Đặng Hòa, (Đống Đa, Hà Nội) than thở,  do từng đọc báo và chứng kiến nhiều phụ nữ lái xe mất kiểm soát, đâm vào người đi đường nên từ ngày vợ anh đòi đi học bằng lái xe ô tô, anh ngăn càn quyết liệt nhưng vẫn bất thành. Cuối cùng, qua 3 lần thi trượt, vợ anh cũng cầm về được tấm bằng B2. Thế nhưng khi vợ anh có bằng, niềm vui chẳng thấy đâu mà toàn là những nỗi buồn khó tả.  

“Có lần tôi đang ở cơ quan, mở facebook lên thì thấy vợ mình vừa lái xe vừa check in, chụp ảnh các kiểu. Lần khác, tôi đang ngồi làm việc chăm chỉ thì đồng nghiệp vỗ vai bảo vợ tôi vừa lái xe vừa hát, nhìn vào video vợ tôi quay mà xấu hổ phát ngượng. Đỉnh điểm nhất là lần cô ấy lái xe thế nào mà húc đổ một bên cổng của bác hàng xóm làm tôi phải muối mặt đi xin lỗi, đền bù đến hơn 10 triệu đồng, khổ ơi là khổ”, anh Hòa nhớ lại.

Bi hài hơn anh Hòa, anh Nguyễn Tiến, (Hai Bà Trưng, Hà Nội) kể, vợ anh vốn là người nhát gan, vậy nhưng không hiểu vì sao khi học bằng lái xe ô tô thì lại đỗ và đỗ với số điểm rất cao.

“Từ hồi lái xe, vợ mình chưa hề gây tai nạn gì, trừ thành tích chẹt chết không biết bao nhiêu là chó, gà của hàng xóm. Mà chẳng hiểu sao, mấy con chó, con gà ấy ở xa tít mà cô ấy cũng cán lên được”.

Là một người phụ nữ trong cuộc từng học lái xe và có một thời gian ngắn cầm vô lăng, chị Thu Anh, (Cầu Giấy) chia sẻ, vì muốn thuận tiện hơn trong việc đi làm và tránh được mưa, nắng, chị đã chủ động đi học lái xe. Tuy nhiên, sau khi lái xe được một thời gian ngắn, chị ngán ngẩm đành để chiếc xe ở nhà ‘đắp chiếu’ vì va chỗ nọ, quệt chỗ kia.

Chị kể, “Phụ nữ biết lái ô tô kể ra cũng thuận tiện nhiều, tuy nhiên chi phí đi ô tô lại đắt hơn rất nhiều lần đi xe máy. Đó là chưa kể những lúc tôi không may va quyệt vào chỗ nọ, chỗ kia làm xước xát xe, rồi tiền khi bị công an thổi còi vì đi sai làn đường. Sau những lần đó, tôi quyết định lại trung thành với taxi hoặc đi xe máy. Tấm bằng B2 từ đó tôi cũng không bao giờ cầm theo bên mình nữa”.

Nhiều phụ nữ sử dụng giày cao gót khi lái xe.

Chị Thanh Thủy, (Long Biên, Hà Nội) cho biết, chị không đặt nặng việc phụ nữ hay đàn ông lái xe an toàn hơn vì phái nào cũng có điểm mạnh và điểm yếu riêng.

Tuy nhiên, chị cho rằng hiện nay có một số phụ nữ xe chủ yếu để “lấy le”, đua đòi, để theo kịp trào lưu, muốn chứng tỏ mình mà quên đi những tiện ích không hề nhỏ khi lái xe như để tránh mưa nắng, tiện cho các trang phục tế nhị (váy, áo dài, quần short…). Với những bóng hồng cầm vô lăng như vậy, chị khuyên nên thuê tài xế riêng chở đi là tốt nhất.

“Dù đã từng thi đậu bằng lái xe và từng lái xe nhưng khi nghe các anh bàn tán chuyện chúng tôi thi trượt bằng lái xe làm niềm vui, tôi muốn nhắn nhủ các anh một điều rằng, đàn ông lái xe xử lý tình huống tốt hơn nhưng đó không phải là tất cả. Chị em phụ nữ chúng tôi "biết thân biết phận" nên lái xe chậm, cẩn thận nên sẽ ít gây tai nạn hơn các anh”, chị nói.

Theo: Vietnamnet 

 

Cho vợ tập lái xe, cả ba người lao xuống hồ ở Đại học Nông Lâm - Bắc Giang

(Techz.vn) Khi đang lái xe chở vợ và con trong khuôn viên trường Đại học Nông Lâm - Bắc Giang, người chồng cho vợ tập lái xe thì cả 3 người bị lao xuống hồ.