Scorpius

Những sự kiện kinh doanh nổi bật năm 2018: Chứng khoán lập đỉnh, tòa Landmark 81 khánh thành, bong bóng Bitcoin vỡ, đại chiến nhà Trung Nguyên

Những sự kiện kinh doanh nổi bật năm 2018: Chứng khoán lập đỉnh, tòa Landmark 81 khánh thành, bong bóng Bitcoin vỡ, đại chiến nhà Trung Nguyên

Thông qua hiệp định CPTPP

Ngày 12/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP hay TPP-11) cùng các văn kiện liên quan.

Như vậy Việt Nam là nước thứ 7 thông qua Hiệp định. Trước đó New Zealand, Canada, Australia, Nhật Bản, Mexico và Singapore đã thông qua hiệp định.

Các đại biểu Quốc hội cho rằng, Việt Nam có cơ hội lớn khi tham gia CPTPP như thị trường lớn hơn, ưu đãi hơn. Việc tham gia CPTPP cũng giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới chính sách, tăng cường hội nhập, phát triển...

CPTPP có thể giúp GDP và xuất khẩu của Việt Nam tăng tương ứng là 1,32% và 4,04% đến năm 2035. Tổng kim ngạch nhập khẩu cũng có thể tăng thêm 3,8% thấp hơn tốc độ tăng xuất khẩu nên tác động tổng thể đến cán cân thương mại là thuận lợi.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội lo những vấn đề mới đặt ra khi Việt Nam tham gia CPTPP. Đó là các vấn đề như thiết chế lao động, mua sắm công, quản lý doanh nghiệp Nhà nước, quyền sở hữu trí tuệ...

Hiệp định CPTPP có 11 nước tham gia. Nguồn: CustomsNews.

Tiền ảo sụp đổ

Nếu như 2017 là năm bùng nổ dữ dội của Bitcoin thì 2018 có thể coi là năm 'của thiên trả địa' đối với đồng tiền số này. Bitcoin lập đỉnh gần 20.000 USD vào cuối năm 2017 rồi sau đó lao dốc không phan, và đến cuối 2018 chỉ còn giao dịch quanh ngưỡng 3.000-4.000 USD.

Đáng chú ý, bong bóng Bitcoin vỡ đã kéo theo hàng loạt đồng tiền đa cấp sụp đổ, mà tiêu biểu nhất là Bitconnect. Khác với Bitcoin, Ethereum hay Ripple, vốn được sinh ra để giải quyết các vấn đề nhất định của xã hội, thì Bitconnect chỉ đơn giản là nền tảng cho vay đa cấp, với lời hứa hẹn người tham gia sẽ nhận được lãi suất 30-40%/tháng, cao hơn rất nhiều so với bất kỳ loại hình đầu tư nào.

Rất nhiều nhà đầu tư Việt Nam đã bỏ tiền để mua Bitconnect, nhưng khi chưa kịp nhận lãi thì đã nhận thông báo sàn đóng cửa, bị mắc kẹt, mất trắng toàn bộ khoản đầu tư. Sau Bitconnect, năm 2018 còn chứng kiến nhiều vụ lừa đảo tiền ảo khác, hầu hết đều dưới mô hình đa cấp, như iFan, Pincoin, Sky Mining... Quy mô của các cuộc lừa đảo này được cho là lên tới cả chục nghìn tỷ đồng. 

Việt Nam có thêm 2 tỷ phú đô la 

Tháng 3 hàng năm là thời điểm tạp chí danh tiếng Forbes công bố danh sách những tỷ phú đô la trên thế giới. Năm 2018, Việt Nam được tạp chí này ghi nhận thêm 2 tỷ phú trong danh sách, là ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Thaco với tài sản 1,8 tỷ USD và ông Trần Đình Long, Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát với tài sản 1,3 tỷ USD. Trước đó, 2 tỷ phú đã có mặt trong danh sách gồm ông Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Tập đoàn Vingroup) và bà Nguyễn Thị Phương Thảo (Chủ tịch Công ty Cổ phần hàng không Vietjet)

Sự ghi nhận này của Forbes nâng số tỷ phú của Việt Nam trên bản đồ thế giới lên 4 vị. Quan trọng hơn, cả ông Trần Bá Dương và ông Trần Đình Long đều là những doanh nhân đi lên từ ngành sản xuất. Công ty cổ phần ô tô Trường Hải (Thaco) của ông Trần Bá Dương là doanh nghiệp lắp ráp ô tô và hiện có thị phần lớn nhất Việt Nam. Còn Tập đoàn Hòa Phát của ông Trần Đình Long cũng là doanh nghiệp thép hàng đầu cả nước. 

Một điểm chung của 2 tỷ phú là đều đang mở rộng ngành nghề kinh doanh sang nhiều lĩnh vực khác, như nông nghiệp, bất động sản...

Những tỷ phú đô la của Việt Nam

Điều đáng tiếc là trong nửa cuối năm 2018, thị trường chứng khoán đi xuống khiến cổ phiếu của Hòa Phát giảm giá mạnh. Vì vậy, theo danh sách được cập nhật liên tục của Forbes, tài sản của ông Trần Đình Long hiện đã xuống dưới 1 tỷ USD.

Uber bán mình cho Grab, rời Việt Nam sau 4 năm

Sau nhiều tin đồn về việc Uber buông thị trường Đông Nam Á trong 2 tháng đầu năm 2018, ngày 26/3/2018, trong thông cáo báo chí chính thức, Grab tuyên bố hoàn tất thương vụ thâu tóm Uber và xóa tên đối thủ khỏi thị trường Đông Nam Á. Ngày 8/4, ứng dụng Uber chính thức dừng hoạt động sau 4 năm vào Việt Nam.

Sau khi loại bỏ đối thủ cạnh tranh trực tiếp, Grab liên tục nhận các dòng vốn đầu tư lớn và phát triển mạnh mẽ. Hiện ứng dụng này đang cung cấp 4 dịch vụ chính, gồm Grab Car, Grab Bike, Grab Food và Grab Delivery. Ngoài ra, Grab còn phát triển ví điện tử Moca của riêng mình.

Tuy nhiên, Grab cũng gặp phải rất nhiều khó khăn. 

Điển hình là vụ kiện dai dẳng với Vinasun kéo dài suốt hơn 1 năm trời (từ tháng 6/2017 và vừa tạm kết thúc vào ngày 30/11/2018). Nhóm các hãng taxi truyền thống cũng bước đầu liên minh để đấu lại Grab như G7 (gồm 3 hãng Thành Công, Ba Sao, Sao Thủ Đô) và Liên minh Taxi Việt (17 hãng liên kết).

Bên cạnh đó, thị trường nhanh chóng xuất hiện hàng loạt đối thủ mới trong lĩnh vực gọi xe như VATO, FastGo, Go-Viet hay Be... 

Không những vậy, tháng 11 vừa qua, Bộ Công Thương đã có kết luận điều tra vụ Grab thâu tóm Uber và cho rằng thương vụ này có dấu hiệu vi phạm Luật Cạnh Tranh.

Chứng khoán Việt Nam lập đỉnh mọi thời đại

Nối dài đà tăng mạnh mẽ của năm 2017, chứng khoán Việt Nam đầu năm 2018 tiếp tục bứt phá và lập đỉnh 1.204 điểm vào ngày 9/4/2018.

Tuy nhiên, từ mức đỉnh mọi thời đại này, VN-Index nhanh chóng giảm mạnh và lùi về mốc 900 điểm chỉ sau 3 tháng. Mặc dù hồi phục trong tháng 8 và tháng 9 nhưng đến những ngày cuối năm, VN-Index lại tiếp tục suy giảm, do nhà đầu tư lo ngại những bất ổn trên thị trường thế giới, như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung hay sự biến động của giá dầu...

Diễn biến VN-Index năm 2018

Đại chiến vợ chồng Trung Nguyên

Cuộc chiến pháp lý giữa 2 vợ chồng Lê Hoàng Diệp Thảo - Đặng Lê Nguyên Vũ thực ra đã bắt đầu từ vài năm trước. Nhưng phải đến năm 2018, nội tình Trung Nguyên mới trở nên kịch tính, khi cả bà Thảo và ông Vũ lần lượt xuất hiện trước công chúng.

Cuối tháng 3/2018, bà Lê Hoàng Diệp Thảo 'đăng đàn', kể về câu chuyện tình lãng mạn giữa 2 vợ chồng bà, đồng thời tiết lộ nguyên nhân khiến mối quan hệ đổ vỡ. Bà Thảo cho biết, ông Vũ đã thay tâm đổi tính kể từ sau 49 ngày thiền định, và trở thành "một con người khác". Từ đây, bà Thảo dần bị tước bỏ quyền điều hành Trung Nguyên, trong khi ông Vũ cũng không trực tiếp xuất hiện điều hành công việc, mà giao hết quyền hành cho cấp dưới. 

Trong suốt nhiều tháng sau đó, bà Thảo liên tục lên tiếng khẳng định ông Vũ đang bị người ngoài thao túng, điều khiển, sức khỏe không bình thường và cần được đi khám chữa. Ngược lại, phía Trung Nguyên thời gian này im hơi lặng tiếng, không có bất kỳ phát ngôn nào được đưa ra nhằm đối đáp lại với bà Thảo.

Giữa tháng 6/2018, ông Vũ bất ngờ xuất hiện tại buổi lễ kỷ niệm 22 năm thành lập Trung Nguyên sau 5 năm vắng bóng và đến giữa tháng 8/2018, vị Chủ tịch Trung Nguyên có buổi nói chuyện với báo giới kéo dài 4 tiếng đồng hồ, phản bác nhiều thông tin của bà Lê Hoàng Diệp Thảo. Theo đó, ông Vũ khẳng định mình hoàn toàn khỏe mạnh, vẫn đang kiểm soát hoàn toàn Trung Nguyên, thậm chí dù 5 năm thiền định trên núi nhưng ông vẫn nắm rõ chuyện thế giới.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ

Đến thời điểm hiện tại, tranh chấp giữa bà Thảo với ông Vũ và Trung Nguyên vẫn chưa có hồi kết. Bà Thảo dù đã thắng được 1 vụ kiện và được khôi phục chức vụ tại Trung Nguyên nhưng 2 ngày sau đó lại tiếp tục bị bãi miễn. Bên cạnh đó, cuộc ly hôn đình đám sau 3 lần hòa giải vẫn chưa có kết luận cuối cùng.

Khánh thành tòa nhà cao nhất Việt Nam

Tháng 7/2018, tòa nhà The Landmark 81 chính thức khánh thành sau hơn 1.000 ngày thi công và chính thức trở thành tòa nhà cao nhất Việt Nam với 81 tầng và chiều cao 461,3m.

So với các tòa tháp trên thế giới, The Landmark 81 cao thứ 8 và trở thành dự án đầu tiên đưa Việt Nam vào top 10 quốc gia có công trình tòa nhà chọc trời cao nhất thế giới.

Theo đơn vị nhà thầu là Công ty Cổ phần Xây dựng Coteccons (nhà thầu của Việt Nam), với diện tích 3.000m2, độ dày 8,4m, khối lượng bê tông đài móng của tòa tháp Landmark 81 có thể so sánh ngang với công trình nổi tiếng trên thế giới như Petronas Twin Tower tại Malaysia và Burj Khalifa, Dubai, UAE.

Tòa tháp Landmark 81

Thêm một hãng hàng không ra đời

Thị trường hàng không Việt Nam hiện có 4 cái tên, gồm Vietnam Airlines, Vietjet Air, Jetstar Pacific và VASCO. Năm 2018, ngành hàng không Việt ghi nhận thêm một hãng hàng không mới đã chính thức ra đời, đó là Bamboo Airways của Tập đoàn FLC. 

Thành lập công ty từ giữa năm 2017, Bamboo Airways đã triển khai rất nhanh các công việc để sẵn sàng cất cánh, như tuyển phi công, tiếp viên, ký hợp đồng mua máy bay với 2 nhà sản xuất máy bay lớn nhất thế giới là Airbus và Boeing, thuê ướt máy bay... Đến tháng 11/2018, Bamboo Airways đã chính thức có Giấy phép bay.

Theo chia sẻ từ lãnh đạo công ty, Bamboo Airways không xây dựng theo mô hình hàng không giá rẻ mà theo đuổi mô hình hàng không truyền thống. Mặc dù vậy, hãng có hướng đi hoàn toàn khác so với các hãng bay trong nước. Thay vì tập trung vào các thành phố lớn vốn có cơ sở hạ tầng hàng không đã phát triển, Bamboo Airways tập trung khai thác thị trường ngách, bao gồm các tuyến bay thẳng từ quốc tế và trong nước tới các điểm du lịch mới nổi của Việt Nam, chủ yếu là c&aaacute;c điểm du lịch có khu nghỉ dưỡng của FLC. 

Tuy có chiến lược riêng biệt, nhưng sự xuất hiện của Bamboo Airways được dự báo vẫn sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường hàng không, cả về giá cả và chất lượng dịch vụ.

Máy bay Bamboo Airways

Ô tô Việt Nam lần đầu tiên ra mắt triển lãm thế giới

Tập đoàn Vingroup chính thức tuyên bố tự sản xuất xe ô tô từ tháng 9/2017.

Sau 1 năm triển khai dự án với tốc độ thần tốc, đến đầu tháng 10/2018, 2 chiếc xe Lux A2.0 và Lux SA2.0 của VinFast (thuộc Tập đoàn Vingroup) chính thức ra mắt tại triển lãm Paris Motor Show 2018. Đây là lần đầu tiên một chiếc xe thương hiệu Việt bước ra sân khấu thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: "Xe VinFast được triển lãm ở Paris đã tạo ra cho nhiều nước trên thế giới nhận ra rằng Việt Nam chúng ta đã bước sang một tầm cỡ mới".

Sau khi ra mắt xe tại Pháp, VinFast đã chính thức ra mắt xe tại thị trường Việt Nam, đồng thời công bố giá bán ưu đãi và cho đặt hàng. Dự kiến, xe VinFast sẽ xuất xưởng vào tháng 9/2019.

Xe VinFast tại triển lãm Paris Motor Show 2018

Theo: Trí Thức Trẻ 

 

VinFast điều chỉnh giá bán sau khi hết thời gian ưu đãi

Sau khi kết thúc thời gian ưu đãi, VINFAST sẽ tiến hành liên tiếp 3 đợt điều chỉnh giá bán của các dòng xe, bao gồm cả xe hơi và xe máy điện về mức “3 không” trong năm 2019.