Trong 3 năm sử dụng chiếc iPhone ấy, tôi chưa bao giờ làm vỡ màn hình hay bị hư hỏng bất cứ thứ gì. Và điều gì đến cũng đến, tôi đã đánh rơi chiếc iPhone 6S trên xe điện ngầm. Kết quả sau cú "va chạm" đấy thì chắc hẳn ai cũng đoán được: vỡ màn hình.
Tôi bắt đầu suy nghĩ về việc có nên sửa chiếc smartphone này hay không, bởi dù gì, nó cũng sắp "lỗi thời" rồi. Và đây có lẽ là thời gian tốt để tôi thử nghiệm chiếc iPhone 8 Plus mới. Thế nên, tôi đã ngưng sử dụng chiếc iPhone 6S trong 1 tuần, chuyển đổi thẻ SIM sang chiếc iPhone 8 Plus và sử dụng nó hằng ngày. Sau khi kết thúc, tôi lại quay trở lại với chiếc iphone cũ của mình. Tôi cứ tưởng rằng mình sẽ cảm thấy có một chút buồn khi đã bỏ lỡ một thiết bị khá đẹp và hoàn hảo này, mà quay trở lại với chiếc máy cũ đã hư hỏng của mình. Thế nhưng, sự thật là tôi cảm thấy ngược lại.
Và đây là 6 lý do để tôi làm điều đó:
iPhone 8 Plus vẫn quá to đối với tôi
iPhone 8 Plus là một sự thay đổi lớn. Một trong những điều đó chính là kích thước của nó khi so với chiếc 6S phiên bản thường của tôi.
Tôi cầm chiếc điện thoại này trên tay và cứ có cảm giác nó quá khổng lồ. Tôi không thể quen với kích thước này, thậm chí là sau vài ngày sử dụng nó. Tôi đã có cảm giác phải thay đổi hầu hết quần áo để có thể chứa chiếc điện thoại khá to này, và thậm chí là liên tục có suy nghĩ rằng tôi có thể đánh rơi nó. Tay tôi khá nhỏ và điều này gây ra cho tôi khá nhiều rắc rối khi sử dụng thiết bị này, thậm chí kể cả tính năng Reachability của Apple, cho phép người dùng xem các nội dung tốt hơn khi dịch chúng lên phía trên đầu màn hình bằng cách nhấp đôi vào nút Home.
Tôi không thể chịu nổi cảnh thiếu cổng tai nghe
Apple đã "xóa sổ" cổng tai nghe trên những chiếc điện thoại của họ cách đây 1 năm trước. Và tôi vẫn sẽ không sử dụng nó. Tôi hiểu lý do tại sao họ làm điều đó. Nó thuộc về công nghệ và tôi chấp nhận điều đó.
Đã có vô số lần tôi quên rằng iPhone 8 Plus không hề có cổng tai nghe. Khi tôi đi về nhà cho dịp Lễ Tạ ơn, Tôi đã mang bên cạnh mình chiếc tai nghe on-ear của Sony nhằm sử dụng khi trên máy bay. Vâng, và dĩ nhiên, tôi không thể nào cắm vào chiếc điện thoại này.
Khi tôi gọi một cuộc điện thoại, tôi nhanh chóng vồ lấy chiếc tai nghe Apple EarPods đi kèm với chiếc 6S chỉ để nhớ rằng, tôi không thể sử dụng chúng.
Tôi biết bạn đang nghĩ gì. Giải pháp cho điều này là những chiếc tai nghe Bluetooth. Đó không phải là vấn đề. Tôi rất thích những chiếc tai nghe Bluetooth. Tôi đã kết nối nó với chiếc tai nghe Powerbeats của mình. Nó hoạt động rất tốt khi tập thể dục và nghe nhạc, nhưng chất lượng âm thanh của nó lại cực kì tệ khi sử dụng chúng để gọi điện thoại, vì thế, chúng không thể trở thành những chiếc tai nghe luôn kè kè bên tai.
Hiện tại, tôi cực kì thích việc có cổng tai nghe của chiếc iPhone 6S.
iPhone 8 Plus quá nặng
iPhone 8 Plus có mặt sau làm bằng kính, điều này làm nó trở nên nặng nề hơn so với các thế hệ trước với cân nặng khoảng 200 gram.
Nghe có vẻ như là không nặng mấy, tuy nhiên, khi so với iPhone 6S, cảm giác cầm nó như là một viên gạch thật sự. iPhone 6S, với thân hình bằng nhôm, chỉ nặng có khoảng 143gram. Khi tôi chuyển ngược lại về 6S, tôi đã cười thật to bởi không còn phải gánh vác một cục đá hằng ngày. Tôi chưa từng nghĩ rằng trọng lượng của điện thoại sẽ khiến tôi để tâm nhiều đến thế, nhưng giờ tôi thực sự thích một thiết bị nhẹ hơn thay vì những thứ nặng nề như iPhone 8 Plus.
Tôi chưa bao giờ sử dụng Chế độ Chân dung (Portrait Mode) trên iPhone 8 Plus nhiều như mong đợi
Một trong những nâng cấp chính trên iPhone 8 Plus chính là sự nâng cấp của Chế độ Chân dung và Portrait Lightning. Tôi cực kỳ thích thú khi trải nghiệm cả hai tính năng này và kì vọng rằng sẽ sử dụng chúng nhiều một chút trong suốt 1 tuần tôi cầm iPhone 8 Plus, đặc biệt đây là lần đầu tiên tôi du lịch đến Arizona. Thế nhưng, trong suốt một tuần này, tôi không sử dụng tính năng này nhiều như tôi dự đoán. Những lý do chính trước đây tôi từng đưa ra để nâng cấp chiếc điện thoại này giờ lại thành những thứ chẳng cần thiết nữa.
Portrait Lightning trông có vẻ không được tự nhiên lắm với tôi. Bức hình phía trên bên trái chính là bức ảnh tốt nhất mà tôi chụp, và tôi vẫn không thích nó nhiều hoặc không nghĩ nó quá thực tế. Portrait Mode lại trông có vẻ tốt hơn và cho những bức hình đẹp hơn – tương tự như bức hình góc trên bên phải, thế nhưng bạn cũng có thể chụp ảnh cận cảnh khi sử dụng Portrait Mode.
Tôi thích nút Home có tiếng click
Apple đã thay đổi nút Home từ năm 2016 với iPhone 7, và tiếp tục với thiết kế mới này trên iPhone 8. Thay vì một nút bấm vật lý có thể nhấn xuống, nút Home trên iPhone 7 và 8 có hệ thống phản hồi Haptic.
Nút Home này không hề tệ. Và trong thâm tâm tôi, việc có bất kì nút Home nào còn tốt hơn là không có. Nhưng tôi vẫn thích nút Home trên iPhone 6S hơn. Nó có cảm giác nhấn tốt hơn và dễ dàng hơn.
Tôi sẽ chấp nhận điều này khá trễ đấy. Khi BlackBerry chuyển từ trackball sang trackpad, tôi cũng cảm thấy thật khó chịu. Có thể, trong tương lai tôi sẽ quen với điều này, nhưng hiện tại, tôi thích nút Home trên 6S hơn nhiều.
Cuối cùng, tôi vẫn thích iPhone 6S
Khi quay trở lại với iPhone 6S, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hẳn.
Nó không phải là chiếc điện thoại mới nhất và tuyệt nhất trên thị trường, thực tế, nó cũ hơn 3 đời ở thời điểm hiện tại, và tôi cũng nhận ra sự sụt giảm về thời lượng pin gần đây. Nhưng chiếc 6S này hiện tại vẫn rất quan trong với tôi ở thời điểm hiện tại: kích thước, cân nặng, thiết kế và tiện ích.
Tôi không chắc việc tôi sẽ làm gì sau khi màn hình bị vỡ, nhưng việc sử dụng iPhone 8 Plus khiến tôi thực sự muốn chi tiền ra để sửa màn hình chiếc 6S này thay vì phải sử dụng một trong những chiếc điện thoại mới nhất. iPhone 8 Plus là một chiếc điện thoại tuyệt vời, nhưng nó không dành cho tôi.
Bài viết của tác giả Avert Hartmans đăng trên Business Insider, VnReview chuyển ngữ.
Theo: Vnreview.vn