Khoảng 7h30 sáng 11/12, chiếc ôtô biển số 89 xuất hiện chiều Hà Nội - Hưng Yên. Tài xế chậm rãi sử dụng loại tiền mệnh giá 500 đồng để trả phí khiến trạm thu phí ùn tắc khoảng hơn 200 m.
Mất khoảng 10 phút, chiếc xe mới lưu thông qua trạm.
Đến khoảng 8h20, các lái xe tiếp tục trở lại trả phí bằng tiền lẻ vẫn theo chiều Hà Nội - Hưng Yên.
Tài xế đòi thối đúng đúng 100 đồng tiền thừa
Để giảm ùn tắc, lực lượng cảnh sát giao thông và nhân viên trạm thu phí đã phân luồng. Theo đó, họ cho ôtô chạy hướng Hà Nội - Hưng Yên chạy vào làn xe máy qua trạm, không mất phí.
Tại trạm thu phí, nhân viên BOT số 1 quốc lộ 5 và lực lượng cảnh sát cơ động (Công an tỉnh Hưng Yên) ngăn báo chí tác lại gần tác nghiệp.
Một tài xế cho biết đã trả lần lượt với 47 tờ 500 đồng, 16 tờ 100 đồng và 3 tờ 200 đồng.
"Mỗi lần đưa con đi học tôi mất 80.000 đồng tiền phí qua trạm. Số tiền đấy ăn được 3 bát phở. Nay hết tiền, tôi phải lấy tiền đi chùa của vợ để trả phí", lái xe này nói.
Tài xế dùng tiền lẻ trả phí ở trạm thu phí quốc lộ 5. Ảnh: Đức Phạm.
Tài xế cho biết anh trả 39.000 đồng thì nhân viên trạm không cho đi vì thiếu tiền. Nhưng khi trả tiền lẻ lên 40.100 đồng nhân viên không chịu trả lại 100 đồng.
"Quan điểm của tôi chỉ nhận đủ chứ không nhận thừa. Tôi sẽ còn tiếp tục đòi lại số tiền này", lái xe này nói.
'Tiền lẻ dính nước chúng tôi vẫn nhận'
Trả lời Zing.vn, ông Nguyễn Văn Huỳnh, Giám đốc Ban quản lý bảo trì quốc lộ 5 (Vidifi) cho biết việc tài xế sử dụng tiền lẻ trả phí là đúng luật. Tuy nhiên, hành động cố tình dừng đỗ xe quá lâu để gây tắc đường là vi phạm.
Vị này cho biết chủ đầu tư đang tiến hành gọi xe cẩu để di chuyển những xe cố tình dừng đỗ lại gây tắc đường.
Việc tài xế trả phí bằng tiền lẻ khiến trạm BOT ùn tắc. Ảnh: Văn Chương.
Nói về việc tài xế sử dụng tiền lẻ dính nước trả phí, ông Huỳnh khẳng định nhân viên sẵn sàng nhận. Nhưng, việc tài xế cố tình tẩm nước vào tiền nhằm mục đích phản đối là hành vi hủy hoại tài sản nhà nước.
"Tài xế trả phí bằng tiền lẻ, trạm có tiền lẻ để trả lại. Nếu ở đây không đủ, chúng tôi huy động từ nơi khác. Trong sáng nay không xảy ra tình trạng ùn tắc qua trạm thu phí", ông Huỳnh nói.
Mấy ngày qua, trên các trang mạng xuất hiện thông tin tài xế sẽ dùng tiền lẻ phản đối trạm thu phí quốc lộ 5 vào sáng nay. Lãnh đạo Vidifi cho hay đơn vị đã biết thông tin và có biện pháp đối phó.
Trước đó, từ ngày 4 đến 6/9, hàng trăm lái xe đã sử dụng tiền lẻ để phản đối việc thu phí trên quốc lộ 5, đoạn đi qua huyện Văn Lâm (Hưng Yên) gây ùn tắc cục bộ. Vidifi sau đó có công văn đề nghị Bộ Công an vào cuộc điều tra hành vi gây rối.
Giữa tháng 10, UBND tỉnh Hưng Yên gửi văn bản kiến nghị di dời trạm thu phí số 1 trên quốc lộ 5 và miễn, giảm phí cho các phương tiện.
UBND tỉnh Hưng Yên đề nghị các cơ quan chức năng xem xét dời trạm thu phí số 1 tại về vị trí tiếp giáp giữa tỉnh Hưng Yên và thành phố Hà Nội hoặc giữa tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương.
Ngày 18/10, Tổng cục Đường bộ đã có văn bản gửi Bộ GTVT đề nghị giảm 12-15% cho tất cả phương tiện lưu thông qua quốc lộ 5; miễn phí cho người dân sinh sống trong bán kính 5 km quanh trạm thu phí.
Quốc lộ 5 là tuyến huyết mạch cửa ngõ phía đông của Hà Nội. Mỗi ngày có khoảng 15.000-16.000 lượt phương tiện qua trạm. Mức phí qua quốc lộ 5 thấp nhất là 40.000 đồng, cao nhất là 180.000 đồng mỗi lượt.
Các lái xe dùng tiền lẻ phản đối vì cho rằng trạm đặt trên quốc lộ 5 để hoàn vốn cho cao tốc Hà Nội - Hải Phòng là vô lý. Hơn nữa, giá phí ở đây quá cao, ảnh hưởng đến cuộc sống cũng như việc kinh doanh của các doanh nghiệp vận tải.
Trạm thu phí số 1, quốc lộ 5, nơi lái xe phản đối bằng tiền lẻ. Ảnh: Google Maps.
Theo: Zing.vn