Trong bối cảnh quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ tại Việt Nam, nhu cầu ngày càng gia tăng về năng lượng đang thúc đẩy sự dịch chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo. Với mức tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ điện được dự báo khoảng 10% hàng năm, Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong việc đẩy mạnh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo và bắt đầu tận dụng những lợi ích mà điện mặt trời mang lại.
Trạm Hợp Bộ Skid của ABB tại nhà máy
Công suất vận hành điện mặt trời của Việt Nam tăng nhanh chóng và đạt khoảng 19,4k KWp vào cuối năm 2020, vượt xa mục tiêu sản xuất điện mặt trời trong 5 năm (2020 - 2025) đặt ra trong Quy hoạch Điện VII sửa đổi. Theo đó, Việt Nam đã vượt qua Thái Lan và trở thành thị trường năng lượng mặt trời lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong những năm tới, khi chính phủ tiếp tục khuyến khích việc phát triển điện mặt trời với mục tiêu tăng công suất lên đến 12,000 MW năm 2030 (chiếm 3.3% tổng sản lượng điện của quốc gia), điện mặt trời nổi sẽ là một trong những nguồn năng lượng quan trọng.
Tọa lạc tại xã Quảng Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, dự án tổ hợp điện mặt trời Gia Hoét 1 và Tầm Bó bao gồm hai nhà máy điện mặt trời. Trong đó, diện tích mặt nước của hồ Gia Hoét là 40 ha và hồ Tầm Bó là 41 ha. Được đầu tư và thi công bởi Tập đoàn TOJI với tổng công suất 70 MWp, đây là tổ hợp điện mặt trời nổi lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Nhà máy điện mặt trời Tầm Bó.
Đơn hàng bao gồm 10 Trạm Hợp Bộ Skid (SSU) được giao cho ABB để đảm bảo kế hoạch đưa nhà máy vào vận hành thương mại trong tháng 12 năm 2020 và đáp ứng yêu cầu thời gian hiệu lực của chính sách giá điện mặt trời (FIT2) năm 2020.
Trạm hợp bộ Skid (SSU) của ABB là một giải pháp trạm nâng/hạ áp trọn bộ và sẵn sàng vận hành khi cắm điện (plug-and-play) được thiết kế để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các nhà máy năng lượng mặt trời. SSU kết nối nhiều bộ biến tần 800V với một máy biến áp 6,3 MVA duy nhất, nhằm giảm số lượng máy biến áp cũng như khối lượng công việc lắp đặt. Tất cả các thiết bị đều được thử nghiệm theo tiêu chuẩn IEC trước khi xuất xưởng nhà máy, để đáp ứng mức tải cao trong quá trình vận hành của nhà máy năng lượng mặt trời.
Nhà máy điện mặt trời Gia Hoét 1.
Toàn bộ thiết bị được thiết kế, lắp ráp và thử nghiệm tại nhà máy của ABB tại Việt Nam trước khi chuyển đến đến khách hàng và giúp quá trình lắp đặt và vận hành thử diễn ra nhanh chóng đáp ứng tiến độ gấp rút của dự án.
Đối với tổ hợp nhà máy điện mặt trời Gia Hoét 1 và Tầm Bó, các trạm được phát triển theo tiêu chuẩn đặc thù phù hợp, được trang bị thiết bị đóng cắt 22 kV SafePlus với rơ le bảo vệ dòng Relion® 605, máy biến áp phân phối 63MVA, thiết bị đóng cắt hạ thế 800V LVS được trang bị bộ ngắt mạch không khí Emax 2 và bộ ngắt mạch vỏ đúc Tmax T, và kết nối với hệ thống SCADA.
SSU có giải công suất rộng từ 1000KVA đến 6800KVA phù hợp với yêu cầu của khách hàng, giải điện áp phù hợp với tất cả các dòng biến tần đang có trên thị trường. Với tất cả các thiết bị được sản xuất và kiểm định theo tiêu chuẩn quốc tế IEC và một số thiết bị đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật địa phương do Tập đoàn Điện lực Việt Nam quy định như tủ trung thế SafePlus, SSU của ABB đảm bảo an toàn cho người vận hành và những người xung quanh. Với thiết kế thông minh và tối ưu của trạm giúp cho việc vận chuyển, lắp đặt dễ dàng, và đồng thời tối ưu khả năng làm mát tự nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng máy biến áp. Bên cạnh đó, thiết kế đặc biệt của tủ hạ thế cũng cho phép kết nối trực tiếp 44 đầu vào, giúp khách hàng tối ưu hóa việc lắp đặt các tủ gom, tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư.
Ông Hồ Minh Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn TOJI chia sẻ: “Dự án yêu cầu tiến độ rất gấp rút để kịp đóng điện trước 31.12.2020 theo quy định của FIT2, vì vậy, thời gian giao hàng là một yếu tố vô cùng quan trọng. Với nhà máy sản xuất ngay tại Việt Nam, ABB đã cung cấp các thiết bị tại công trình đúng với tiến độ, từ đó rút ngắn thời gian thực hiện dự án này. Bên cạnh đó, giải pháp trọn bộ SSU giúp chúng tôi giảm thiểu thời gian lắp đặt, tránh các rủi ro tại công trường và tiết kiệm chi phí đầu tư và đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng và an toàn.”
ABB cũng hỗ trợ đẩy nhanh tiến độ sản xuất và giúp TOJI nhận bàn giao thiết bị tại công trường sớm hơn cam kết ban đầu một tuần. “Sự hỗ trợ của ABB cũng rút ngắn đáng kể thời gian đưa dự án vào hoạt động và giúp chúng tôi tạo ra lợi nhuận sớm nhất có thể”, ông Tiến chia sẻ thêm.
“ABB và TOJI đã có mối quan hệ hợp tác lâu dài và chặt chẽ trong lĩnh vực điện mặt trời tại Việt Nam. Chúng tôi tự hào là đối tác của TOJI trong dự án này và hỗ trợ khách hàng của chúng tôi hoàn thành dự án nhanh hơn và hiệu quả hơn. Chúng tôi mong muốn mở rộng hợp tác với TOJI ở các dự án khác trong tương lai, cũng như hỗ trợ các nhà phát triển khác trong việc đẩy nhanh tiến độ thực thi dự án, góp phần thúc đẩy tiến trình tăng trưởng xanh của Việt Nam.” Ông Đoàn Văn Hiển, Phó Tổng Giám đốc Ban Công nghệ Điện của ABB Việt Nam cho biết.
Tọa lạc tại tỉnh Bắc Ninh, nhà máy ABB sản xuất tủ trung thế, trạm biến áp hợp bộ và các giải pháp theo yêu cầu cụ thể của khách hàng, bao gồm các giải pháp kỹ thuật số dùng trong các ứng dụng đặc biệt và đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe nhất của quốc tế cũng như các ngành công nghiệp. Được hỗ trợ bởi đội ngũ kỹ thuật trong nước hùng hậu, nhà máy phục vụ khách hàng từ các nước Châu Á và Thái Bình Dương với các lợi ích từ một nhà máy sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh: thiết kế, kỹ thuật, quản lý dự án, sản xuất và hỗ trợ dịch vụ.
Hệ thống điều khiển toàn diện cho nhà máy sản xuất xi măng mới tại Việt Nam
(Techz.vn) Hệ thống Điều khiển Phân tán (ABB Ability™ 800xA DCS), Giải pháp Quản lý Sản xuất chuyên sâu (Ability™ Knowledge Manager) và Giải pháp Tối ưu hóa Quy trình (ABB Ability™ Expert Optimizer) sẽ đảm bảo vận hành hiệu quả và nguồn cấp điện tin cậy cho nhà máy xi măng.