Scorpius

Ngày của tỷ phú Trịnh Văn Quyết: Vợ đút túi ngàn tỷ, chồng vào đường bay tỷ USD

CTCP Xây dựng FLC Faros (ROS) vừa có thông báo cho biết, bà Lê Thị Ngọc Diệp - vợ ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch Hội đồng quản trị FLC Faros đã bán xong toàn bộ hơn 26,66 triệu cổ phiếu ROS tương ứng 4,7% tổng số cổ phiếu đang lưu hành của FLC Faros như đã đăng ký và chính thức không còn là cổ đông của công ty này.

Giao dịch được thực hiện thông qua phương thức thỏa thuận trong khoảng thời gian từ ngày 17/12/2018 đến ngày 14/1/2019. Vì số lượng chuyển nhượng chưa tới 5%, chưa phải là cổ đông lớn, cho nên danh tính của bên nhận sẽ không được công bố.

Cho dù bán như thế nào, theo lý thuyết, vợ của ông Trịnh Văn Quyết sẽ thu về số tiền rất lớn, lên tới cả ngàn tỷ đồng tiền mặt.

Trong khoảng thời gian giao dịch nói trên, giá cổ phiếu ROS dao động trong khoảng từ 36.000 đồng/cp-42.000 đồng/cp. So với đỉnh cao hồi cuối 2017, cổ phiếu này đã giảm khoảng 80% và vợ ông Trịnh Văn Quyết đã bị thiệt thòi, mất khoảng 4.000 tỷ đồng. 

Vợ ông Trịnh Văn Quyết bán toàn bộ cổ phần nắm giữ, thu về ngàn tỷ.

Tuy nhiên, việc thu về cả ngàn tỷ đồng tiền mặt cũng được xem là một thành công lớn bởi FLC Faros trước đó là một doanh nghiệp xây dựng không mấy ai biết tới. Ông Quyết là chủ tịch Tập đoàn FLC và là người đã thâu tóm và đưa ROS từ một doanh nghiệp không mấy người biết đến trở thành một tên tuổi thu hút sự chú ý giới đầu tư chứng khoán. FLC Faros là một doanh nghiệp xây dựng và bất động sản có số dự án thi công rất nhiều như Ngọc Vừng (Quảng Ninh), Cù Lao Xanh (Bình Định)…

Hiện tại, ông Trịnh Văn Quyết đang sở hữu hơn 382 triệu cổ phiếu ROS, chiếm tỷ lệ 67,34% vốn doanh nghiệp. Tổng tài sản quy ra từ cổ phiếu (chủ yếu là ROS, thêm FLC và ART) của ông Quyết có lúc lên tới vài tỷ USD, nhưng hiện ở mức hơn 14 ngàn tỷ đồng, tương đương 620 triệu USD).

Trong khi vợ bán cổ phiếu thu về ngàn tỷ, thì ông Quyết bắt đầu một cuộc chơi tỷ USD mới.

2018 là một năm không mấy suôn sẻ với các cổ phiếu của ông Trịnh Văn Quyết trên sàn chứng khoán. Cú giảm giá tới gần 80% cổ phiếu Faros (ROS) đã khiến ông Quyết chứng kiến tài sản quy từ cổ phiếu bốc hơi hàng tỷ USD.

Tuy nhiên, 2018 lại là năm mà ông Trịnh Văn Quyết thực hiện được giấc mơ bay. Trong những ngày cuối cùng của năm Mậu Tuất, doanh nghiệp của ông Trịnh Văn Quyết đã chính thức được cấp chứng chỉ nhà khai thác bay (Aircraft Operator Certificate - AOC) và thực hiện thành công chuyến bay thương mại đầu tiên.

Các tuyến bay nội địa đầu tiên dự kiến sẽ là các tuyến Hà Nội - Quy Nhơn, Hà Nội - Đồng Hới, TP.HCM - Quy Nhơn, Hà Nội - TP.HCM, TP.HCM - Vân Đồn... Bamboo Airways sẽ khởi bay với tần suất 60 chuyến bay nội địa/ngày. rong năm 2019, Bamboo Airways sẽ mở các đường bay tới các nước trong khu vực Châu Á, bắt đầu là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore…

Ông Trịnh Văn Quyết.

Giấc mơ bay của ông Trịnh Văn Quyết đã trở thành hiện thực và Bamboo Airways trở thành hãng hàng không thứ 5 tại Việt Nam, sau hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vasco, Hải Âu và VietJet của nữ doanh nhân Nguyễn Thị Phương Thảo.

Thị trường hàng không Việt Nam được đánh giá vẫn còn khá hấp dẫn do dân số đông và du lịch phát triển. Một số đánh giá cho rằng, với 100 triệu dân, ngành vận tải hàng không Việt Nam còn nhiều dư địa để phát triển.

Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết, số lượt khách di chuyển bằng máy bay trên toàn thế giới trong vòng 20 năm tới sẽ tăng 2 lần lên 7,2 tỷ lượt. Việt Nam là một trong 5 thị trường có số lượt khách tăng trưởng nhanh nhất bên cạnh Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ và Indonesia.

Thị trường vận tải hàng không Việt Nam đang trải qua giai đoạn phát triển bùng nổ, trung bình trên 20%/năm trong nhiều năm qua. Rõ ràng, đây là một thị trường tiềm năng với quy mô nhiều tỷ USD.

Gần đây, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group cho biết tập đoàn của ông sẽ đơn vị hợp tác với AirAsia để lập một liên doanh hàng không giá rẻ tại Việt Nam, có thể cất cánh trong năm 2019.

Trên thị trường chứng khoán (TTCK), thanh khoản tiếp tục đứng ở mức thấp. VN-Index gặp khó trước ngưỡng 910 điểm.

Nhóm cổ phiếu thủy sản, dệt may như TCM, VGT, GMC, MPC, FMC… tiếp tục diễn biến tích cực nhờ triển vọng từ các hiệp định thương mại tự do. Nhóm dầu khí cũng tăng điểm. Khối ngoại mua ròng khá mạnh, nhưng lực cầu trong nước thấp.

Khối ngoại tiếp tục mua ròng với giá trị 570 tỷ đồng, trong đó riêng MWG được mua ròng 532 tỷ đồng.

Một số công ty chứng khoán (CTCK) vẫn có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.

CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng, áp lực chốt lời đã có dấu hiệu gia tăng tại nhiều nhóm cổ phiếu. Trong các phiên tới, thị trường được dự báo vẫn hướng tới thử thách vùng kháng cự 915-920 điểm.

Rồng Việt cho rằng, thị trường vẫn đang trong nhịp tăng điểm với các phiên tăng giảm điểm xen kẽ. VN-Index sắp chạm các ngưỡng kháng cự ngắn hạn và rất dễ xuất hiện các phiên rung lắc, điều chỉnh. Sự phân hóa đang xuất hiện dựa trên các thông tin về kết quả kinh doanh quý IV của các doanh nghiệp. Nhà đầu tư có thể tận dụng nhịp điều chỉnh để giải ngân vào các cổ phiếu mục tiêu.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 16/1, VN-Index giảm 0,98 điểm xuống 908,7 điểm; HNX-Index giảm 0,6 điểm xuống 101,99 điểm. Upcom-Index tăng 0,21 điểm lên 53,32 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 190 triệu đơn vị, trị giá 4,1 ngàn tỷ đồng.

Theo: vietnamnet 

 

7 siêu xe 'độc nhất vô nhị' chỉ dành riêng cho những tỷ phú lắm tiền

(Techz.vn) Không chỉ có giá hàng triệu USD, những mẫu xe cũng được sản xuất giới hạn chỉ một chiếc trên toàn thế giới.