Điện thoại không cổng kết nối: Chiêu trò nhất thời hay tương lai của công nghiệp di động
Câu trả lời vẫn luôn là "còn tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố", nhưng trong trường hợp này Meizu và Vivo đang mạo hiểm "bắt" người dùng phải "biểu quyết" bằng chiếc ví tiền của mình. Liệu đó có phải là một bước đi khôn ngoan?
Còn nhớ, hồi tháng 9 năm 2016, Apple đã loại bỏ cổng cắm tai nghe khỏi mẫu điện thoại iPhone mới nhất của mình và khiến cho Internet dậy sóng. Nhiều cây bút đã đưa ra những bài viết chỉ trích nặng nề, gọi động thái của Apple là một hành động "chống lại người dùng và ngu ngốc".
Giắc cắm tai nghe đã luôn là một trong những thành phần không thể thiếu trong các thiết bị điện tử tiêu dùng kể từ khi nó được thiết kế và đưa vào sản xuất từ thập niên 1950. Giắc cắm 3,5mm tiêu chuẩn xuất hiện lần đầu trên những chiếc đài radio bán dẫn, và sau đó thì có mặt trên hầu như tất cả các thiết bị nghe nhìn trong suốt sáu thập niên tồn tại của mình, từ những chiếc radio WalkMan, đài cassette, đầu đĩa CD cho đến máy tính xách tay, máy tính để bàn, điện thoại di động và máy tính bảng, các console chơi game, và nhiều sản phẩm khác nữa. Mức độ phổ biến của loại cổng cắm này khiến nó trở thành một tiêu chuẩn buộc phải có của mọi thiết bị. Nhưng Apple không đồng ý với điều này.
"Duy trì một loại cổng kết nối kích thước lớn, hoạt động bằng tín hiệu tương tự (analog) [thay vì kỹ thuật số (digital)], chỉ có một chức năng duy nhất [là truyền tín hiệu thông tin] là một việc làm vô nghĩa bởi không gian nó chiếm dụng là vô giá [đối với việc thiết kế các thiết bị di động nhỏ gọn]," Phil Schiller, Giám đốc điều hành của Apple đã chia sẻ như vậy tại buổi lễ ra mắt iPhone 7. Schiller cho rằng Apple cần phải đánh đổi giắc cắm tai nghe để có được thiết kế chống nước cho iPhone 7, thậm chí ông còn cho rằng công ty đã rất "dũng cảm" khi trở thành nhà sản xuất điện thoại đầu tiên trên thế giới loại bỏ cổng kết nối này. Và thực tế là doanh số của hai chiếc iPhone 7 và 7 Plus vẫn rất tốt.
Cuộc đua loại bỏ các cổng kết nối
Dù muốn hay không, Apple cũng đã thiết đặt một tiền lệ và các nhà sản xuất điện thoại khác chỉ có việc làm theo mã thôi. Google đã loại bỏ giắc cắm tai nghe và thay bằng cổng USB-C để truyền âm thanh. Motorola, Huawei, OnePlus cùng nhiều hãng khác cũng làm theo. Tuỳ vào từng hãng mà người dùng sẽ được cung cấp tai nghe USB-C hoặc một đầu chuyển 3,5mm sang USB-C đi kèm với điện thoại. Xu hướng thì vẫn tiếp diễn, nhưng không phải người dùng nào cũng hài lòng với điều đó.
Và giờ đây, điều mà Meizu và Vivo đang làm thậm chí đã đẩy cuộc đua này lên một tầm cao mới.
Chiếc điện thoại Meizu Zero không có bất kỳ một cổng kết nối nào. Xin nhấn mạnh là không. Meizu đã loại bỏ tất cả các giắc cắm từ cổng cắm tai nghe, cổng USB-C, khe cắm SIM, khe cắm thẻ nhớ. Bạn cần sạc pin? Hãy sử dụng sạc không dây. Bạn muốn nghe nhạc? Hãy sử dụng tai nghe Bluetooth. Bạn muốn gửi và nhận các tập tin? Hãy sử dụng các dịch vụ lưu trữ đám mây. Vậy còn gọi điện thoại, nhắn tin SMS hay 3G/4G - những chức năng cơ bản nhất của một chiếc điện thoại thì sao? Meizu đã tích hợp sẵn eSIM cho bạn. Mặc dù Meizu đã giải quyết bài toán cổng kết nối bằng đầy đủ các công nghệ phụ trợ khác, nhưng bạn đừng vội tin vào những lời quảng cáo của hãng này. Hoặc ít nhất là trong thời điểm hiện tại.
"Các nhà thiết kế luôn mơ về những sản phẩm gọn gàng, không có các cổng kết nối phức tạp, nhưng điện thoại thông minh phải hoạt động trong thế giới thực, nơi mà người dùng không thể lúc nào cũng trông chờ vào các kết nối không dây được," Avi Greengart, giám đốc nghiên cứu về các nền tảng và thiết bị tiêu dùng của công ty GlobalData trả lời phóng viên trang tin Android Authority. "Sự thiếu vắng jack cắm tai nghe có thể bù đắp được bằng các sản phẩm tai nghe không dây, nhưng cho đến khi các điểm sạc điện thoại không dây có mặt ở mọi địa điểm, thì việc bắt người dùng phải mua những chiếc điện thoại không có dây sạc — vốn còn có tác dụng truyền dữ liệu và dùng cho nhiều mục đích khác — đơn giản là một việc làm không khả thi."
Đã đến lúc quay về với truyền thống?
Các đế sạc không dây có thể đã xuất hiện tại một số cửa hàng Starbucks và một số mẫu ô tô, nhưng công nghệ sạc không dây nhìn chung vẫn là một công nghệ mới và chưa được phổ biến rộng rãi. Chừng nào các hãng điện thoại chưa thể cung cấp một bộ sạc không dây đi kèm với mọi sản phẩm điện thoại khi xuất xưởng, thì người dùng vẫn sẽ phải lệ thuộc vào những sợi cáp sạc truyền thống để nạp năng lượng cho những chiếc điện thoại của mình. Chưa kể, sạc có dây bao giờ cũng nhanh hơn sạc không dây.
Ý tưởng về những chiếc điện thoại không sử dụng thẻ SIM vật lý cũng có nhiều trở ngại. Lời hứa về eSIM, những chiếc thẻ SIM điện tử được lập trình để có thể truy cập vào hệ thống mạng di động, vẫn chưa thể hoàn toàn trở thành hiện thực.
Chẳng hạn, mặc dù eSIM đã được Apple hỗ trợ trên các dòng sản phẩm iPhone Xs và Xs Max, nhưng các nhà mạng vẫn còn rất chậm chạp trong việc triển khai công nghệ này. Các nhà mạng lớn như AT&T, T-Mobile và Verizon Wireless phải mất đến vài tháng kể từ khi iPhone Xs và Xs Max lên kệ mới hỗ trợ eSIM. Sprint thì chưa có kế hoạch triển khai công nghệ này. Đó mới chỉ là tại Mỹ, còn hàng trăm nhà mạng khác trên khắp thế giới cũng chưa kịp đón đầu xu thế này.
Chiếc điện thoại Meizu Zero còn lược bỏ hoàn toàn tất cả các nút bấm vật lý. Thay vào đó, ở các cạnh màn hình, Zero hỗ trợ chức năng cảm ứng lực nhấn để thay cho các nút bấm điều khiển âm lượng. Nhưng bài học của chiếc HTC U12 vẫn còn đó, khi flagship nhà HTC bị chỉ trích nặng nề vì sự khó chịu mà tính năng cảm ứng lực nhấn mang lại. Liệu Meizu có thể thành công khi HTC đã ngã sấp mặt? Rất khó đoán trước.
Tựu chung lại, dù thích hay không, các nhà sản xuất điện thoại cũng đều đã quyết định đi theo hướng thiết kế này.
"Các nhà thiết kế sản phẩm của Apple đã luôn hy vọng rằng họ có thể loại bỏ đa số các cổng kết nối ngoại vi và những nút bấm vật lý khỏi iPhone, trong đó có cả cổng sạc," phóng viên Bloomberg đã viết như vậy từ năm ngoái. Apple đã thử nghiệm điều này thông qua sản phẩm iPhone X ra mắt hồi năm 2017. Tuy nhiên, những tham vọng này sau đó đã bị tạm ngưng do giá thành của sạc không dây vẫn còn rất cao. Tuy nhiên, điều đó cũng có nghĩa rằng ở một thời điểm nào đó trong tương lai, chúng ta sẽ được chứng kiến những chiếc iPhone không cổng kết nối và không nút bấm. Đến lúc ấy, các đối thủ của Apple có lẽ cũng sẽ làm điều tương tự.
Còn với Meizu và Vivo, hai hãng này đã trở thành hai công ty đi tiên phong, một mình một trận địa trong việc triển khai ý tưởng này. Liệu có ai sẽ mua những chiếc điện thoại không cổng kết nối hay không? Chắc chắn là có. Nhưng liệu chúng ta có nên làm vậy không? Có lẽ là chưa phải lúc này, chúng ta cần chờ đợi thêm một thời gian nữa.
Theo: Vnreview
Meizu ra mắt smartphone siêu mạnh giá cực rẻ tại Việt Nam
(Techz.vn) 2 sản phẩm mới nhất của Meizu tại thị trường Việt Nam là Meizu 16th và Meizu C9, sở hữu thiết kế đẹp và nhiều công nghệ cao cấp, được bán chính hãng với mức giá lần lượt là 11.990.000VNĐ và 1.999.000VNĐ.